Kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, các nhà cung cấp châu Phi đã tham gia đáp ứng nhu cầu dầu của châu Âu, trong khi Moscow đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu dầu sang châu Á.

Cuộc chiến tại Ukraine tái định hình thị trường dầu toàn cầu

Cẩm Bình | 31/05/2022, 15:54

Kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, các nhà cung cấp châu Phi đã tham gia đáp ứng nhu cầu dầu của châu Âu, trong khi Moscow đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu dầu sang châu Á.

Sự chuyển hướng trên là biến động nguồn cung lớn nhất đối với thương mại dầu mỏ toàn cầu kể từ cuộc cách mạng đá phiến Mỹ khoảng một thập kỷ trước, cho thấy Nga có khả năng đối phó lệnh cấm nhập khẩu dầu của Liên minh châu Âu (EU) bằng cách bán cho châu Á.

Loạt biện pháp trừng phạt đã được áp đặt với Nga từ cuối tháng 2. Moscow lập tức xoay trục từ châu Âu sang Ấn Độ và Trung Quốc – hai quốc gia sẵn sàng mua dầu giảm giá mạnh.

Dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng quốc tế cho thấy xuất khẩu tháng 4 của Nga đã quay lại mức trước khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, giá dầu đã ổn định quanh mức 110 USD/thùng sau khi từng chạm mốc cao nhất 14 năm qua là hơn 139 USD/thùng vào tháng 3.

Ngay cả khi EU đạt thỏa thuận cấm nhập khẩu dầu Nga, giới phân tích nhận định nhu cầu châu Á vẫn có thể giúp Nga giảm bớt tác động từ quyết định này.

Theo chuyên gia kinh tế Norbert Rücker thuộc ngân hàng Julius Baer: “Trừ phi phương Tây gây sức ép ngoại giao lên các quốc gia mua ở châu Á, nếu không sẽ không có chuyện khoảng cách nguồn cung mở rộng hay giá tăng vọt”.

culbyxtadthnlv3a2bfiunflfkne.jpg
Dầu Nga chuyển hướng sang thị trường châu Á - Ảnh: Reuters

Dữ liệu từ công ty Petro Logistics, chuyên theo dõi tàu chở dầu, cùng một số dữ liệu khác chỉ ra rằng lượng dầu Nga xuất khẩu châu Á bằng đường biển tăng ít nhất 50% kể từ đầu năm. Hoạt động chuyển dầu giữa các tàu (STS) - chiếm một phần nhỏ trong tổng thương mại đường biển - đã dời từ bờ biển Đan Mạch (điểm vào biển Baltic) sang Địa Trung Hải để tránh trừng phạt.

Chủ tịch Petro Logistics Mark Gerber ước tính, lượng dầu thô cùng sản phẩm từ dầu được chuyển giữa các tàu trên Địa Trung Hải vào khoảng 400.000 thùng/ngày trong đó phần lớn là đến châu Á, bên cạnh khoảng 1,5 triệu thùng/ngày gửi trực tiếp.

Các thương nhân cho biết, dầu Nga được chất trên tàu chở dầu Aframax hoặc Suezmax có sức chứa dưới 1 triệu thùng trước khi chuyển sang các tàu lớn hơn có thể chứa 2 triệu thùng giúp vận chuyển tiết kiệm chi phí hơn.

Lượng dầu vận chuyển đường biển chỉ là một phần trong tổng xuất khẩu từ Nga. Tính cả lượng vận chuyển bằng đường ống thì tổng xuất khẩu dầu thô cùng sản phẩm từ dầu của nước này trong tháng 4 tăng lên trên 8 triệu thùng/ngày – trở lại mức trước khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra.

Dầu thô châu Phi

Châu Âu chuyển sang nhập khẩu dầu thô Tây Phi để bù đắp dầu Nga. Lượng dầu nhập từ khu vực này trong tháng 4 tăng 17%, theo Petro Logistics.

Dữ liệu từ đơn vị phân tích Eikon cũng ghi nhận mức tăng: 660.000 thùng/ngày chủ yếu từ Nigeria, Angola, Cameroon đến tây bắc châu Âu trong tháng 5, số chuyến hàng từ mỏ dầu Amenam (Nigeria) sang tăng từ một chuyến vào tháng 1 lên ba chuyến.

Trong khi đó, lượng dầu thô xuất từ Tây Phi sang Ấn Độ giảm gần một nửa: từ 510.000 thùng/ngày (tháng 3) xuống 280.000 thùng/ngày (tháng 4).

Lượng dầu từ Bắc Phi sang châu Âu cũng tăng 30% kể từ tháng 3, theo Petro Logistics. Dữ liệu từ Eikon cho thấy lượng hàng đến tây bắc châu Âu từ Sidi Kerir của Ai Cập - có khả năng là dầu thô Ả Rập Saudi - tăng gần gấp đôi so với tháng 3 lên trên 400.000 thùng/ngày vào tháng 5.

Ngoài châu Phi, châu Âu còn nhận dầu thô từ Mỹ: lượng dầu nhập sang trong tháng 5 tăng hơn 15% so với tháng 3.

Bài liên quan
Hòa bình tại Ukraine: Ông Trump đối mặt với sự quyết liệt từ Moscow và Kyiv
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã hứa hẹn sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến kéo dài ba năm ở Ukraine, thậm chí khẳng định có thể giải quyết vấn đề trong vòng 24 giờ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc chiến tại Ukraine tái định hình thị trường dầu toàn cầu