Hãng Reuters dẫn nhiều nguồn tin tiết lộ, các hãng hàng không Nga bắt đầu tiến hành tháo một số máy bay lấy phụ tùng để dùng cho số máy bay còn lại bởi trong bối cảnh lệnh trừng phạt phương Tây khiến họ không thể mua hàng nước ngoài.
Biện pháp trên được thực hiện sau khi chính phủ Nga vào tháng 6 đưa ra đề xuất lấy phụ tùng từ một số máy bay để đảm bảo số máy bay do nước ngoài sản xuất tiếp tục hoạt động cho đến ít nhất năm 2025.
Loạt trừng phạt do cuộc chiến tại Ukraine khiến các hãng hàng không Nga không thể mua phụ tùng hay đưa máy bay sang phương Tây bảo dưỡng. Khả năng họ tháo máy bay lấy phụ tùng đã được giới chuyên gia dự báo từ trước, nhưng đến nay mới có thông tin chính thức về việc này.
Theo nguồn tin, ít nhất một chiếc Sukhoi Superjet 100 cùng một chiếc Airbus A350 thuộc sở hữu hãng Aeroflot đang bị tháo rời, đặc biệt chiếc Airbus A350 gần như hoàn toàn mới. Nguồn tin cho biết thêm, phụ tùng của vài chiếc Boeing 737 và Airbus A320 cũng đã bị lấy ra.
Bộ Giao thông - Vận tải Nga từ chối bình luận về thông tin trên.
Phần lớn máy bay chở khách mà các hãng hàng không Nga sử dụng là hàng phương Tây, thậm chí, Sukhoi Superjet do Nga sản xuất cũng dùng nhiều phụ tùng nước ngoài. Công nghệ dùng trên máy bay thế hệ mới như A320neo, A350, Boeing 737 MAX và Boeing 787 cần cập nhật liên tục.
Một nguồn tin phương Tây nhận định dù Nga có năng lực và cơ sở kỹ thuật phát triển, duy trì hoạt động của loạt máy bay hiện đại trong điều kiện hứng chịu trừng phạt trong vòng 1 năm sẽ là một thách thức.
Tháo máy bay lấy phụ tùng hiếm khi xảy ra và chưa từng được thực hiện lớn như quy mô hiện tại. Máy bay có thể tái hoạt động nếu lắp lại phụ tùng, tuy nhiên vài phụ tùng có thời gian sử dụng hạn chế.
Tính đến cuối năm 2021, Aeroflot sở hữu 134 chiếc Boeing, 146 chiếc Airbus, gần 80 chiếc Sukhoi Superjet 100. Dữ liệu từ trang theo dõi hành trình Flightradar24 cho thấy kể từ cuối tháng 7 khoảng 50 máy bay của Aeroflot không hề cất cánh.
Theo kế hoạch phát triển ngành hàng không Nga đến năm 2030, giữ cho số máy bay A350 và Bombardier Q hoạt động là thách thức lớn nhất vì chúng cần được bảo dưỡng ở nước ngoài. Người đứng đầu tổ chức nghiên cứu hàng không Aviaport Oleg Panteleev cũng lưu ý, rất khó sửa chữa động cơ cùng thiết bị điện tử tinh vi.
Tìm nguồn cung phụ tùng ngoài phương Tây không khả thi vì chính phủ các nước châu Âu và Trung Đông lo ngại hứng chịu trừng phạt gián tiếp nếu bán hàng cho Nga. Một nguồn tin cho biết: “Mỗi phụ tùng có mã số riêng duy nhất, nếu giấy tờ ghi bên mua cuối cùng là hãng hàng không Nga thì chẳng ai chịu cung cấp cả”.