Các bình luận mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắm vào Trung Quốc liên quan tới COVID-19 dường như là một lời nhắc nhở về việc Washington vẫn tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc, và rằng Bắc Kinh sẽ phải vượt qua điều đó nếu muốn cải thiện quan hệ song phương, theo các nhà phân tích nhận định.

Liên tục công kích Bắc Kinh, ông Trump đang thổi lửa vào quan hệ Mỹ - Trung?

21/04/2020, 07:30

Các bình luận mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắm vào Trung Quốc liên quan tới COVID-19 dường như là một lời nhắc nhở về việc Washington vẫn tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc, và rằng Bắc Kinh sẽ phải vượt qua điều đó nếu muốn cải thiện quan hệ song phương, theo các nhà phân tích nhận định.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian gần đây liên tục chất vấn Trung Quốc về COVID-19 - Ảnh: CNN

Ông Trump hôm 19.4 cho biết chính phủ Mỹ muốn các điều tra viên nước này đến Trung Quốc tìm hiểu về sự bùng phát COVID-19 và cách xử lý đại dịch của nước này. Trước đó 1 ngày, ông cũng đã cảnh báo Trung Quốc "sẽ phải gánh chịu các hậu quả" nếu bị phát hiện cố ý gây ra đại dịch COVID-19.

"Trung Quốc đáng lẽ đã có thể ngăn dịch bệnh bùng phát, vì thế mà toàn thế giới đang phải gánh chịu. Nếu đó là sai sót thì sai sót vẫn là sai sót. Nhưng nếu họ cố ý, theo tôi, họ phải gánh chịu các hậu quả", ông Trump tuyên bố trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 18.4.

Trong những ngày gần đây, nhà lãnh đạo Mỹ đã liên tục tuyên bố sẽ điều tra về nguồn gốc của coronavirus sau khi có những nghi vấn rằng loại virus này xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Trước đó, ông chủ Nhà Trắng cùng các quan chức cấp cao Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc thiếu minh bạch và không cung cấp thông tin kịp thời về đại dịch.

Các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ trở nên đối đầu hơn trong tương lai và Bắc Kinh phải học cách làm quen với điều này.

Victor Gao, phó chủ tịch của Trung tâm toàn cầu hóa tại Bắc Kinh, nói rằng đó “sẽ là vô nghĩa” khi đoán ông Trump sẽ làm gì tiếp theo, và rằng không có lời bào chữa cho bất kỳ các bình luận mang tính định kiến của Tổng thống Trump hay bất cứ chính trị gia nào của Mỹ trong việc “đổ lỗi” cho Trung Quốc.

“Những hành động cố chấp sẽ tồi tệ như chính coronavirus. Một ngày nào đó, nó sẽ quay trở lại ám ảnh họ, bằng cách này hay cách khác”, ông Gao nói.

Khi nhận thức được việc Washington đang ngày càng không tin tưởng dẫn đến căng thẳng gia tăng, các nhà học giả, chuyên gia Trung Quốc đang kêu gọi chính quyền Bắc Kinh mạnh dạn hơn trong việc “đáp trả”.

Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu - tờ báo thuộc sự quản lý của cơ quan ngôn luận Đảng Cộng sản Trung Quốc - đã viết trên mạng xã hội Weibo và WeChat rằng Bắc Kinh nên thực hiện các hành động quyết liệt nhắm vào chính quyền của Tổng Thống Donald Trump.

Ông Hồ Tích Tiến đề nghị Trung Quốc nên xuất khẩu thiết bị y tế khẩn cấp trực tiếp cho các chính quyền tiểu bang ở Mỹ chứ không chuyển cho Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA), như một động thái làm suy yếu vị thế của ông Trump, làm tăng thêm mâu thuẫn giữa tổng thống Mỹ và các thống đốc theo phe Dân chủ. Tuy nhiên, không rõ đề xuất của tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu được Bắc Kinh chấp nhận hay không.

Trong khi đó, Trung Quốc dường như đang cố gắng tiếp cận những người Mỹ có lập trường hòa giải hơn.

Trong ví dụ mới nhất, Hội Hữu nghị Đối ngoại Nhân dân Trung Quốc cho biết đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến với Viện Khí hậu California Trung Quốc, một cơ quan nghiên cứu chính sách về môi trường do cựu Thống đốc California Jerry Brown thành lập.

Những người tham gia cuộc họp bao gồm cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson, cựu Thống đốc New York Michael Bloomberg, bà Lý Tiểu Lâm (Li Xiaolin), con gái cựu Chủ tịch Trung Quốc Lý Tiên Niệm (Li Xiannian), và bà Phó Oánh (Fu Ying), chủ tịch Ủy ban đối ngoại quốc hội Trung Quốc. Cựu đại sứ Trung Quốc tại Nam Phi Lin Songtian, người vừa thay thế bà Lý Tiểu Lâm làm hội trưởng hội Hữu nghị Đối ngoại Nhân dân Trung Quốc, cũng tham gia.

Trong khi chi tiết các cuộc thảo luận không được công bố, một tuyên bố ngắn cho biết hai bên đã kêu gọi Mỹ và Trung Quốc tăng cường hợp tác để cùng nhau xử lý các thách thức toàn cầu như đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, ông Liu Weidong, từ Viện nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một tổ chức nghiên cứu của chính phủ, nhận định rằng những hy vọng về các nỗ lực chung giữa Trung Quốc và Mỹ trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu đang “mờ nhạt dần” vì Nhà Trắng đang tỏ ra không quá “mặn mà”.

Ông Liu lưu ý rằng Trung Quốc không thể chỉ nói chuyện với cựu quan chức và các quan chức phi chính phủ, những người vốn không có quyền hạn đối với việc thực thi các chính sách.

Liang Yunxiang, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, cho biết sự đối đầu chiến lược giữa hai nước chắc chắn sẽ vẫn không ngừng “tiếp tục”.

“Thật tốt khi Trung Quốc và Mỹ có thể tổ chức các cuộc họp để bàn về hợp tác, nhưng những cuộc họp như vậy khó có thể thay đổi viễn cảnh về sự cạnh tranh chiến lược đang ngày càng xấu đi giữa hai nước”, ông Liang cho hay.

Hoàng Vũ (theo SCMP)

Bài liên quan
Perplexity đề nghị sáp nhập với TikTok ở Mỹ khi ông Trump có thể hoãn lệnh cấm trong 90 ngày
Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm 18.1 cho biết “rất có thể" sẽ gia hạn thêm 90 ngày cho TikTok để tránh lệnh cấm tiềm năng ở Mỹ, sau khi ông nhậm chức vào ngày 20.1. Trong khi đó, TikTok cùng hơn 170 triệu người dùng Mỹ đang hồi hộp chờ đợi trước nguy cơ ứng dụng chia sẻ video ngắn đình đám ngừng hoạt động hôm 19.1.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liên tục công kích Bắc Kinh, ông Trump đang thổi lửa vào quan hệ Mỹ - Trung?