Một loạt biện pháp đã được giới hoạch định chính sách nhiều nước thực hiện nhằm đối phó với tác hại mà dịch bệnh gây ra.
Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump ngày 10.3 chỉ thị Bộ Tài chính hoãn thu thuế không tính lãi suất lẫn các khoản phạt đối với cá nhân/doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực – biện pháp cung cấp hơn 200 tỉ USD thanh khoản bổ sung cho nền kinh tế.
Ông còn ra lệnh cho Cơ quan quản lý Doanh nghiệp nhỏ cấp vốn cùng thanh khoản bằng những khoản vay lãi suất thấp. Trước đó nhà lãnh đạo Washington ký đạo luật chi 8,3 tỉ USD cho công tác chống dịch và phát triển vắc xin.
Không chỉ Tổng thống Trump, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đầu tháng 3 cũng quyết định hạ lãi suất USD từ 1,5 - 1,75% về quanh mức 1 - 1,25%. Giới đầu tư hy vọng sắp tới sẽ có thêm đợt cắt giảm nữa.
Châu Á
Trung Quốc dành ra 15,9 tỉ USD chống dịch, tăng cường hỗ trợ tài chính cho vùng chịu thiệt hại nặng. Ngân hàng trung ương nước này giảm lãi suất đồng thời kêu gọi các ngân hàng cho vay lãi suất thấp lẫn giãn thanh toán cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Công tác giám sát bảo vệ môi trường cũng được điều chỉnh nhằm giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất.
Nhật Bản vừa công bố gói hỗ trợ thứ hai trị giá khoảng 4 tỉ USD tập trung giúp đỡ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Haruhiko Kuroda cũng cam kết bơm thêm thanh khoản vào thị trường cũng như đẩy mạnh mua tài sản.
Ngân hàng trung ương Ấn Độ (BRI) dự tính bơm thêm thanh khoản tiền mặt vào hệ thống tài chính bằng hoạt động mua lại dài hạn (LTRO). Chính quyền New Delhi thúc đẩy các ngân hàng quốc doanh phê duyệt những khoản vay 500 - 600 triệu rupee.
Hàn Quốc tung gói kích thích 9,8 tỉ USD, đồng thời siết chặt quy định kiểm soát hành vi bán khống cổ phiếu.
Châu Âu
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hiện vẫn tránh cắt giảm lãi suất. Giới hoạch định chính sách hôm 3.3 họp khẩn chỉ để thảo luận cách chống dịch tức thời thay vì đưa ra chính sách.
Mặc dù vậy, ECB đã yêu cầu các ngân hàng trong khối sử dụng đồng euro rà soát lại kế hoạch kinh doanh và suy nghĩ biện pháp giảm thiểu tác hại kinh tế từ dịch bệnh mà họ có thể thực hiện.
Liên minh châu Âu (EU) cũng chưa có được tiếng nói chung về biện pháp đối phó khủng hoảng, nhưng Ủy ban châu Âu sẽ lập một quỹ đầu tư chung 25 tỉ euro hỗ trợ những ngành kinh tế chịu tổn thương.
Tại Đức, liên minh cánh tả nhất trí tăng đầu tư công lên 12,4 tỉ USD (vào năm 2024) và tạo điền kiện cho doanh nghiệp dễ xin trợ cấp hơn.
Phe bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel vẫn còn chia rẽ về việc có nên tung ra gói kích thích kinh tế hay không. Chuyên gia ước tính chính quyền có ít nhất 17 tỉ euro cho gói kích thích, một số quan chức Berlin lại khẳng định con số có thể lên đến hơn 50 tỉ euro.
Chính quyền Luân Đôn thì nhanh chóng triển khai kế hoạch kích thích trị giá 30 tỉ bảng, ngay sau khi Ngân hàng trung ương nước này hạ lãi suất lẫn mức bảo toàn vốn (capital buffer) mà ngân hàng thương mại phải đảm bảo.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Marie nhận định châu Âu cần sẵn sàng triển khai chính sách kích thích tài khóa. Chính quyền Paris cho phép doanh nghiệp hoãn nộp vài khoản thuế phí, kích hoạt chương trình trợ cấp khuyến khích doanh nghiệp giảm giờ làm, chỉ thị ngân hàng đầu tư công BPI France đảm bảo các khoản vay cần thiết nhằm khắc phục vấn đề dòng vốn trong ngắn hạn, công ty có quyền viện dẫn tình hình bất khả kháng không thực hiện hợp đồng công.
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte ngày 11.3 tuyên bố phân bổ 25 tỉ euro hỗ trợ những hộ gia đình lẫn doanh nghiệp bị ảnh hưởng - tăng gần ba lần mức ước tính 7,5 tỉ euro một tuần trước.
Cẩm Bình (theo Reuters)