Sau khi 22 nước đồng thanh chỉ trích Trung Quốc về nhân quyền tại Tân Cương thì xuất hiện 37 quốc gia khác đã liên danh trong lá thư gửi cho Liên Hợp Quốc nhằm ủng hộ các chính sách của Trung Quốc tại khu vực nhạy cảm này.

Lộ danh sách 37 nước ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Tân Cương

Anh Tú | 13/07/2019, 11:35

Sau khi 22 nước đồng thanh chỉ trích Trung Quốc về nhân quyền tại Tân Cương thì xuất hiện 37 quốc gia khác đã liên danh trong lá thư gửi cho Liên Hợp Quốc nhằm ủng hộ các chính sách của Trung Quốc tại khu vực nhạy cảm này.

Nội dung thư ủng hộ Trung Quốc đã khen ngợi những gì họ mô tả là "thành tựu đáng chú ý trong lĩnh vực nhân quyền của Trung Quốc", theo Reuters. "Đối mặt với thách thức nghiêm trọng của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, Trung Quốc đã thực hiện một loạt các biện pháp chống khủng bố và phi cực đoan hóa ở Tân Cương, bao gồm thành lập các trung tâm giáo dục và đào tạo nghề", lá thư có đoạn.

Lá thư còn cho biết an ninh đã trở lại Tân Cương và các quyền cơ bản của con người thuộc mọi dân tộc đã được bảo vệ. Nội dung thư nói thêm rằng đã không có cuộc tấn công khủng bố ở đó trong 3 năm và mọi người được hưởng một cảm giác hạnh phúc, thỏa mãn và an toàn cao hơn.

37 nước ký tên trong lá thư ca ngợi nhân quyền Trung Quốc được Reuters liệt kê có 2 nước châu Âu là Nga và Belarus; châu Mỹ có Venezuela, Cuba; châu Á có Ả Rập Saudi, CHDCND Triều Tiên, Myanmar, Philippines, Syria, Pakistan, Oman, Kuwait, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Bahrain. Ngoài ra là nhiều nước ở châu Phi.

Lá thư này được cho là phản đòn lại lá thư liên danh 22 nước chỉ trích vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc. 22 quốc gia này gồm Nhật, Canada, Úc, New Zealand và 18 nước châu Âu như Anh, Pháp, Thuỵ Sỹ… Trong một lá thư gửi Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 8.7, nhóm 22 quốc gia đòi hỏi Trung Quốc cần tuân thủ luật pháp và nghĩa vụ của họ với quốc tế và ngăn chặn việc giam giữ tùy tiện người Duy Ngô Nhĩ cũng như người thuộc cộng đồng Hồi giáo, dân tộc thiểu số khác và tạo điều kiện tự do tôn giáo.

Cổng một trung tâm đào tạo ở Tân Cương do Reuters chụp

Hình ảnh bên trong do đài Trung Quốc phát

Thậm chí, Tổng thống Caputova của Slovakia chỉ trích vấn đề nhân quyền của Trung Quốc trong cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hồi giữa tuần. Đồng thời, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt cũng lên tiếng bày tỏ lo ngại về tình hình nhân quyền "xấu đi" ở Trung Quốc.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định “Vấn đề Tân Cương là vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Chúng là một vấn đề thuộc về chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Về các vấn đề liên quan đến Tân Cương, không ai ở vị trí tốt hơn để đánh giá bằng chính phủ và người dân Trung Quốc. Họ không cần sự can thiệp từ nước ngoài”.

Trung Quốc khoe đã mời quan sát viên quốc tế vào trong xem trung tâm đào tạo

Nhiều nhà báo phương Tây lại nói họ chỉ có thể chụp ảnh trung tâm đào tạo kín cổng cao tường từ xa

Đồng thời cho biết: “Chúng tôi cũng đã mời nhiều nhóm các nhà ngoại giao, nhà báo, chuyên gia và học giả nước ngoài đến thăm Tân Cương và tận mắt chứng kiến ​​nơi này. Tất cả đều nói rằng Tân Cương mà họ nhìn thấy hoàn toàn khác với những gì đã được truyền thông phương Tây mô tả.

Chúng tôi cũng đã gửi thư mời tới Văn phòng Nhân quyền của Cao ủy LHQ. Chúng tôi chào đón những người có thái độ thực sự khách quan và công bằng đến thăm Tân Cương. Nhưng đồng thời, chúng tôi phản đối bất kỳ lực lượng nước ngoài nào can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và làm suy yếu chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc dưới cái cớ các vấn đề liên quan đến Tân Cương”.

Anh Tú
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lộ danh sách 37 nước ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Tân Cương