Giới chức Bắc Kinh phải huy động thêm quan chức thương mại cấp cao vì đàm phán trở nên khó khăn hơn.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn vừa tham gia cuộc điện đàm với Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm 9.7.
Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa đội ngũ đàm phán hai nước kể từ khi Tổng thống Donald Trump cùng Chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí nối lại hoạt động thương lượng, đồng thời cũng là lần đối thoại trực tiếp đầu tiên có Bộ trưởng Chung góp mặt.
Dù đội ngũ đàm phán được dẫn dắt bởi Phó thủ tướng Lưu Hạc – cố vấn kinh tế lâu năm của Chủ tịch Tập, nhưng giới chuyên gia đánh giá phía Bắc Kinh vẫn lo ngại họ thiếu chuyên môn hơn phía Washington với người đứng đầu rất am hiểu Trung Quốc: ông Robert Lighthizer.
Nhà chính trị học Dương Đại Lợi thuộc Đại học Chicago nhận xét động thái tăng cường thêm Bộ trưởng Chung chính là để giải quyết lo ngại nêu trên.
“Sự sắp xếp thiếu nhân vật nắm rõ chuyên môn như Mỹ vốn đã nhận phải nhiều chỉ trích. Trong bối cảnh hai bên đều tìm cách kết thúc đàm phán thì quyết định trao cho những quan chức chuyên gia như Bộ trưởng Chung và Thứ trưởng Thương mại Du Kiến Hoa vai trò lớn hơn rất hợp lý”, theo ôngDương.
Thứ trưởng Du từng giữ chức Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, có nhiều kinh nghiệm xử lý các vấn đề liên quan đến thương mại hay Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Cựu Thứ trưởng Thương mại Ngụy Kiến Quốc dự đoán sắp tới Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ nắm giữ vai trò quan trọng hơn do đàm phán mở rộng sang cả lĩnh vực dịch vụ theo ý Mỹ.
Không thua kém cấp dưới của mình, Bộ trưởng Chung cũng từng tham gia xử lý không ít tranh chấp thương mại với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Năm 2009 ông dẫn đầu phái đoàn sang Washington làm việc về nhập khẩu lốp xe – xung đột thương mại song phương đầu tiên dưới thời Tổng thống Barack Obama. Nỗ lực thương lượng thất bại.
Năm 2013, Bộ trưởng Chung (lúc đó chỉ mới giữ chức thứ trưởng) giúp Trung Quốc đạt thỏa thuận với EU giúp giải quyết tranh chấp sản phẩm năng lương mặt trời cùng thiết bị viễn thông. Ba năm sau quan chức này một lần nữa đến Mỹ bàn luận cách thức cân bằng thương mại.
Trước đó Bộ trưởng Chung chưa hề tham gia một cách trực tiếp vào đàm phán Mỹ - Trung một năm nay, cũng chưa hề nằm trong đội ngũ pháiđoàn sang Washington.
Chuyên gia Lữ Tường thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) phân tích: “Phó thủ tướng Lưu chịu trách nhiệm chỉ đạo chung. Còn nội dung chi tiết chuyên sâu của thỏa thuận cần được xử lý bởi Bộ Thương mại”.
Cẩm Bình (theo SCMP)