"Nạn nhân" thứ 2 của vụ bê bối Panama Papers đã xuất hiện, theo sau "nạn nhân" đầu tiên là Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson khi phải “nhường ghế vô thời hạn” vào ngày 5.4.
Ngày 6.4, cảnh sát Thụy Sĩ đã đột kích vào trụ sở của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) để điều tra về một bản hợp đồng được tiết lộ trong vụ rò rỉ chứng từ thuế Panama Papers, do Chủ tịch FIFA Gianni Infantino ký kết khi còn làm việc tại UEFA. Cảnh sát đã yêu cầu UEFA chuyển giao tất cả tài liệu liên quan đến bản hợp đồng cho cơ quan điều tra.
Ảnh hưởng từ các tài liệu mật bị rò rỉcủa công ty luật Mossack Fonseca tại Panama đang lan tỏa nhanh chóng, khi Thủ tướng Iceland Gunnlaugsson buộc phải “nhường ghế vô thời hạn” do liên quan đến vụ bê bối. Giới truyền thông thế giới cũng sôi sục những ngày qua khi nhiều nhân vật cấp cao của các nước dính líu đến Panama Papers.
Chủ tịch FIFA Infantino nói rằng “sự chính trực của tôiđang bị nghi ngờ và rất tức giận về điều này”. Theo các phương tiện truyền thông, bản hợp đồng được ông Infantino ký kết vài năm trước khi còn là một quan chức của UEFA, về quyết định bán bản quyền truyền hình các trận đấu Champions League mùa giải 2006-2009 cho một công ty với giá thấp. Tuy nhiên, công ty này sau đó bán lại cho các đài truyền hình khác với mức giá cao hơn rất nhiều.
UEFA phủ nhận việc bán bản quyền truyền hình với giá thấp hơn thị trường và cung cấp thông tin: “Cảnh sát Thụy Sĩ có trát của tòa án đã tiến hành khám xét trụ sở của UEFA, yêu cầu liên đoàn giao bản hợp đồng giữa UEFA với Cross Trading/Teleamazonas”. Trong khi đó, ông Infantino trong một tuyên bố của FIFA khẳng định “UEFA đã ký kết bản hợp đồng theo đúng quy trình”.
Thủ tướng Anh David Cameron trước đó cũng đối mặt với nhiều câu hỏi liên quan đến hoạt động tài chính của bản thân, khi cha của ông là một trong hàng chục ngàn người có tên trong tài liệu của công ty luật Mossack Fonseca.
Ông Cameron phủ nhận tất cả cáo buộc. Văn phòng thủ tướng cho biết vào ngày 5.4 rằngông Cameron và gia đình không hề hưởng lợi từ bất kỳ khoản tiền bất hợp pháp nào. Thủ tướng Anh cũng khẳng định mình không sở hữu cổ phiếu hay khoản tiền nào ở nước ngoài.
Trong số những nhân vật có tên trong Panama Papers nổi bật nhất là một ngườibạn của Tổng thống Nga Vladimir Putin;người thân của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Anh, Pakistan, hay Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Cụ thể , anh rể của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước đó đã thành lập hai “công ty ma” tại Anh nhằmmục đích rửa tiền, với hàng trăm triệu USD.
Hàn Giang (theo Reuters)