Các nhà khoa học đã phát hiện một loài linh trưởng mới sống trên cây trong các khu rừng ở miền trung Myanmar.

Loài voọc mới phát hiện ở Myanmar có nguy cơ tuyệt chủng

Long Hải | 12/11/2020, 17:35

Các nhà khoa học đã phát hiện một loài linh trưởng mới sống trên cây trong các khu rừng ở miền trung Myanmar.

vooc-moi.jpg
Loài linh trưởng mới được phát hiện là voọc Popa (Trachypithecus popa) - Ảnh: AFP

Theo nghiên cứu được công bố hôm 11.11 trên tạp chí Zoological Research, loài linh trưởng mới là voọc Popa (Trachypithecus popa) - được đặt tên theo một ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động, nơi có quần thể lớn nhất của loài đang sinh sống với hơn 100 cá thể. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn khoảng 200-250 con voọc Popa trong tự nhiên, khiến chúng bị xếp loại “cực kỳ nguy cấp”.

Frank Momberg, tác giả chính của nghiên cứu đến từ Tổ chức Động thực vật Thế giới (FFI) ở Yangon, cho biết: “Chỉ vừa được mô tả, voọc Popa đã phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Loài linh trưởng có vòng trắng như phấn quanh mắt đang bị đe dọa bởi nạn săn bắt và mất môi trường sống”.

Bằng chứng đầu tiên về voọc Popa không được tìm thấy trong tự nhiên mà được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London. Các mẫu vật về loài này đã được thu thập cách đây hơn một thế kỷ, khi Myanmar còn là thuộc địa của Anh. Theo các nhà khoa học, phân tích di truyền cho thấy những mẫu vật tại bảo tàng trùng khớp với mẫu vật mà nhóm của Momberg tìm thấy trong những cánh rừng ở Myanmar. Điều này cho thấy voọc Popa đã xuất hiện từ lâu nhưng đến nay mới được nghiên cứu và mô tả.

Loài linh trưởng ẩn dật này đã được ghi hình vào năm 2018, để lộ màu lông và dấu hiệu đặc biệt của chúng. Trachypithecus popa có phần lưng màu nâu xám, bụng màu trắng, trong khi các bàn tay và chân có màu đen. Chiếc đuôi linh hoạt của nó dài gần 1 mét với trọng lượng khoảng 8kg, giúp chúng thích nghi với cuộc sống leo trèo trên cây.

Ngwe Lwin, nhà linh trưởng học từ FFI cho biết: “Các cuộc khảo sát thực địa bổ sung và biện pháp bảo vệ sẽ được FFI tiến hành để cứu voọc Popa khỏi nguy cơ tuyệt chủng”.

Theo các nhà khoa học, có hơn 20 loài voọc trên thế giới, với một số loài trong số đó đang ở mức “cực kỳ nguy cấp”. Nổi tiếng nhất là voọc xám hoặc voọc Hanuman, được đặt tên theo vị thần khỉ trong sử thi nổi tiếng Ramayana của Ấn Độ. Bên cạnh đó, ít nhất 20 loài linh trưởng mới đã được phát hiện kể từ đầu thế kỷ 21. Nhiều loài trong đó có hình dạng và hành vi tương tự nhau khiến chúng bị nhầm lẫn là một trong suốt thời gian dài.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
10 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Loài voọc mới phát hiện ở Myanmar có nguy cơ tuyệt chủng