Khám phá mới được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B đã thay đổi hoàn toàn hiểu biết của các nhà khoa học về cách các loài hải cẩu phát triển trên khắp thế giới.
Khám phá mới được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu kiểm tra 7 mẫu hóa thạch, bao gồm cả một hộp sọ hoàn chỉnh, được những người săn hóa thạch địa phương tìm thấy trên các bãi biển phía nam Taranaki ở New Zealand từ năm 2009 đến năm 2016. Qua đó, các nhà cổ sinh vật học phát hiện một loài hải cẩu tiền sử chưa từng được biết tới trước đây.
Theo các nhà khoa học, loài mới này được đặt tên là Eomonachus belegaerensis, thuộc về một loài hải cẩu không tai. Chúng có chiều dài khoảng 2,5 mét; nặng khoảng 200 - 250kg và sống ở vùng biển xung quanh New Zealand khoảng 3 triệu năm trước.
Trước đây, các nhà sinh vật học cho rằng tất cả hải cẩu đều có nguồn gốc từ Bắc Đại Tây Dương, sau đó vượt qua đường xích đạo để đến sống ở những vùng biển xa về phía nam như Nam Cực. Tuy nhiên, phát hiện mới về Eomonachus belegaerensis cho thấy nhiều loài hải cẩu cổ đại, bao gồm tổ tiên của hải cẩu không tai, hải cẩu voi và hải cẩu Nam Cực ngày nay, thực sự tiến hóa từ vùng biển Nam bán cầu.
Tiến sĩ James Rule, nhà cổ sinh vật học từ Đại học Monash, cho biết: “Loài hải cẩu không tai đã tuyệt chủng này là loài đầu tiên được tìm thấy ở Nam bán cầu. Chúng tôi từng nghĩ rằng tất cả hải cẩu đều có nguồn gốc từ Bắc bán cầu, sau đó vượt qua xích đạo chỉ một hoặc hai lần trong toàn bộ lịch sử tiến hóa của chúng. Việc phát hiện ra Eomonachus belegaerensis thực sự làm thay đổi hiểu biết về quá trình tiến hóa của hải cẩu”.
Tiến sĩ Felix Marx từ Bảo tàng Te Papa của New Zealand, người phụ trách các loài động vật biển có vú và là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết khám phá mới có sự đóng góp rất lớn của các nhà khoa học công dân. “Loài mới này được phát hiện nhờ các mẫu hóa thạch được bảo quản đặc biệt tốt, tất cả đều được tìm thấy bởi các thành viên của công chúng”, Marx nói.