Ngân hàng Thế giới WB ngày 7.6 cho biết, lũ lụt nặng nề và đầu tư sụt giảm do quá trình chuyển đổi chính trị đã khiến tăng trưởng kinh tế vốn rất ấn tượng của Myanmar bị chậm lại.

Lũ lụt, chuyển đổi chính trị cản trở tăng trưởng kinh tế của Myanmar

Cẩm Bình | 08/06/2016, 13:17

Ngân hàng Thế giới WB ngày 7.6 cho biết, lũ lụt nặng nề và đầu tư sụt giảm do quá trình chuyển đổi chính trị đã khiến tăng trưởng kinh tế vốn rất ấn tượng của Myanmar bị chậm lại.

Sau cuộc bầu cử vào cuối năm 2015, năm thập niên quân quản chính thức kết thúc, chính quyền dân sự dưới sự lãnh đạo của bà Ang San Suu Kyi đã lên nắm quyền. Đây được xem là thời khắc chuyển giao quan trọng của Myanmar.

Tuy nhiên, theo WB, cuộc bầu cử và giai đoạn chuyển giao quyền lực giữa hai chính phủ sau đó đã khiến các giới đầu tư thận trọng hơn trong việc rót vốn vào Myanmar, qua đó làm tăng trưởng kinh tế của nước này chậm lại. Cụ thể, WB ước tính tăng trưởng trong năm tài chính 2015-2016 của Myanmar ở mức 7%, mặc dù vẫn là một trong những mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhưng đã giảm mạnh nếu so với mức 8,5% trong năm trước. Trước đây, WB đã từng có dự đoán bi quan hơn, khi cho rằng mức tăng trưởng của Myanmar trong năm tài chính 2015-2016 chỉ ở mức 6,5%.

Hiện tại, chính quyền Myanmar vẫn chưa công bố dữ liệu chính thức.

Mặc dù đánh giá tăng trưởng củaMyanmar chậm lại, nhưng WB vẫn cho rằng triển vọng kinh tế của nước này về tổng thể vẫn rất tốt. Theo ông Abdoulaye Seck, đại diện của WB tại Myanmar, “mặc dù giảm tốc vào năm trước, nhưng kinh tế Myanmar vẫn có động lực thay đổi và phát triển mạnh mẽ”.

Ngoài yếu tố chuyển giao chính phủ, WB cũng cho biếtngập lụt diện rộng trên khắp miền tây và miền trung Myanmar gây ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp và xuất khẩu, hạn chế về cơ cấu kinh tế, áp lực tỷ giá ngắn hạn và lạm phát tăng cao cũng góp phần kéo chậm tăng trưởng kinh tế.

Kể từ khi chính quyền quân sự chuyển giao quyền lực cho một chính quyền bán dân sự vào năm 2011, nền kinh tế Myanmar đã bắt đầu khởi sắc khi một số cấm vận từ phía Mỹ được dỡ bỏ và đầu tư nước ngoài ồ ạt chảy vào. Cho đến cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình vào cuối năm 2015, người dân Myanmar lại hy vọng kinh tế đất nước sẽ được đưa lên một tầm cao mới.

Tuy nhiên, đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn cho chính phủ của bà Suu Kyi. Myanmar hiện vẫn đang là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á với cơ sở hạ tầng yếu kém, các cuộc xung đột tại những vùng biên giới và giới thân quân đội vẫn còn có ảnh hưởng. Hơn nữa, hệ thống chính trị mà trong đó quân đội vẫn còn kiểm soát một số bộ quan trọng và có 25% số ghế trong quốc hội sẽ gây khó cho việc cải cách kinh tế của bà Suu Kyi.

Cẩm Bình (theo Strait Times)

Ảnh: Bầu cử Myanmar năm 2015
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lũ lụt, chuyển đổi chính trị cản trở tăng trưởng kinh tế của Myanmar