Quận Tịnh Hải thuộc thành phố Thiên Tân không phải địa điểm lý tưởng để trồng lúa do nằm dọc biển Bột Hải, hơn một nửa diện tích là đất mặn hoặc đất kiềm nơi hoa màu không thể tồn tại.
Nhưng mùa thu năm ngoái Tịnh Hải có 100 hecta lúa. Bí quyết chính là các giống lúa chịu mặn mới do giới khoa học Trung Quốc phát triển nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực đang bị đe dọa bởi nước biển dâng cao, nhu cầu ngày càng tăng và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Được gọi là “lúa nước biển” vì có thể trồng ở đất gần biển, các giống mới được tạo ra bằng cách chỉnh sửa một gien của lúa hoang dã chịu mặn, chịu kiềm tốt hơn. Những cánh đồng thử nghiệm ghi nhận năng suất 4,6 tấn/mẫu vào năm ngoái – cao hơn năng suất trung bình toàn quốc của các giống lúa tiêu chuẩn.
Trung Quốc có được đột phá trên trong bối cảnh nước này hiện phải đảm bảo giữ vững nguồn cung thực phẩm lẫn năng lượng trong nước khi tình trạng ấm lên toàn cầu và căng thẳng địa chính trị khiến nhập khẩu không đáng tin cậy nữa. Trung Quốc chiếm 1/5 dân số thế giới nhưng chỉ sở hữu chưa đến 10% diện tích đất canh tác được trên Trái đất, trong khi nhu cầu tiêu thụ ngũ cốc tại nước này lại ngày càng tăng do người dân ngày càng giàu có hơn.
Chuyên gia Vạn Cát Lệ, thuộc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển lúa chịu mặn, chịu kiềm Thanh Đảo xem giống lúa chính là “chip” của ngành nông nghiệp. Chip đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong ngành công nghệ, là trọng tâm trong cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung.
Theo chuyên gia Vạn, “lúa nước biển” sẽ giúp cải thiện sản lượng ngũ cốc.
Trung Quốc đã nghiên cứu lúa chịu mặn từ những năm 1950, nhưng thuật ngữ “lúa nước biển” chỉ bắt đầu được chú ý đến trong những năm gần đây sau khi nhà khoa học nông nghiệp Viên Long Bình bắt đầu xem xét ý tưởng này từ năm 2012.
Viên Long Bình là người trồng giống lúa lai năng suất cao đầu tiên trên thế giới, cứu hàng triệu người khỏi nạn đói. Ông qua đời vào tháng 5.2021.
Năm 2016, nhà khoa học Viên chọn 6 địa điểm có điều kiện đất khác nhau để lập nên cánh đồng thử nghiệm lúa chịu mặn. Một năm sau Trung Quốc thành lập Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển lúa chịu mặn, chịu kiềm Thanh Đảo với mục tiêu thu hoạch được 30 triệu tấn gạo trên 6,7 triệu hecta đất cằn cỗi.
“Với lúa chịu mặn chúng ta có thể nuôi sống thêm 80 triệu người nữa. Những nhà khoa học nông nghiệp như chúng ta nên gánh trên vai trách nhiệm đảm bảo an ninh lương lực”, nhà khoa học Viên phát biểu trong một phim tài liệu phát sóng 2020.
Biến đổi khí hậu khiến nhiệm vụ trên trở nên cấp thiết. Mực nước khu vực ven biển Trung Quốc đã dâng nhanh hơn mức trung bình toàn cầu trong 40 năm qua – một xu hướng đáng lo ngại vì sản xuất ngũ cốc của nước này phụ thuộc lớn vào vùng duyên hải phía đông. Trồng lúa chịu mặn trên quy mô lớn thành công sẽ cho phép tận dụng phần diện tích đất ngày càng nhiễm mặn.
Khoảng 100 triệu ha đất của Trung Quốc (tương đương diện tích Ai Cập) bị nhiễm mặn và kiềm cao. Trong khi đó đất canh tác từ năm 2009 đến năm 2019 đã giảm 6% do đô thị hóa, ô nhiễm và lạm dụng phân bón.