Một tin tốt cho kế hoạch cải cách nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói riêng ở thời điểm hiện tại, là việc ngay trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 14 vào tháng 7 tới, thì Luật hỗ trợ DNNVV sẽ được đưa ra xem xét và thảo luận.

Luật Hỗ trợ DNNVV: Cần cơ chế phản hồi và đánh giá kết quả hỗ trợ

Nhàn Đàm | 19/06/2016, 10:55

Một tin tốt cho kế hoạch cải cách nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói riêng ở thời điểm hiện tại, là việc ngay trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 14 vào tháng 7 tới, thì Luật hỗ trợ DNNVV sẽ được đưa ra xem xét và thảo luận.

Đây được xem là một tín hiệu vui khi mà sự gấp rút trong việc triển khai Luật hỗ trợ DNNVV sẽ đem lại những tác động tích cực rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế, đồng thời cũng chứng tỏ quyết tâm và nỗ lực của chính phủ trong việc cải cách nền kinh tế.

Tuy nhiên, những nỗ lực lớn lao này sẽ chỉ có hiệu quả nếu như Luật hỗ trợ DNNVV được xây dựng và thiết kế hoàn chỉnh, trong đó đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm. Đối với cộng đồng DNNVV Việt Nam, thì việc Luật hỗ trợ DNNVV được xây dựng và đưa ra xem xét thảo luận, tiến tới phê duyệt chỉ trong một thời gian ngắn có thể xem là một sự kiện mang tính bước ngoặt. Vì từ trước đến nay gần như chưa có một bộ luật nào chuyên tập trung hỗ trợ doanh nghiệp ra đời, nhất là khi có tới 97% số doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay thuộc diện DNNVV.

Với tiêu chí DNNVV là doanh nghiệp có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề không vượt quá 100 tỷ đồng, hoặc lao động bình quân năm của năm trước liền kề không quá 300 người, có thể thấy đối tượng chủ yếu của Luật hỗ trợ DNNVV lần này chủ yếu nhắm tới các doanh nghiệp tư nhân.

Đây có thể xem là một trong những bộ luật đầu tiên được xây dựng và soạn thảo để dành riêng cho việc hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân mà thôi. Sự quan tâm đó còn được thể hiện ở sự đầy đủ và khá đa dạng các hình thức hỗ trợ các DNNVV được quy định trong luật, như: chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chương trình hỗ trợ cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị, chương trình hỗ trợ chẩn đoán và nâng cao năng lực sản xuất, chương trình hỗ trợ hội nhập, vv… Nói cách khác, các doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều hỗ trợ từ phía Nhà nước và chính phủ, đồng thời được miễn giảm hàng loạt các loại thuế.

Tất cả những điều này từ lâu đã là sự mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, và nó cho thấy Nhà nước và chính phủ đã thực sự quan tâm và mong muốn các DNNVV phát triển mạnh mẽ. Nhưng cũng không phải là không có những điều đáng suy ngẫm phía sau câu chuyện này. Chính sự đa dạng và rất đầy đủ trong các quy định hỗ trợ các DNNVV trong hàng loạt các vấn đề của luật hỗ trợ lần này lại khiến người ta đặt ra câu hỏi về năng lực thực thi bộ Luật trong thực tế.

Sự dàn trải quá rộng trong hàng loạt các vấn đề của Luật hỗ trợ DNNVV lần này có thể dẫn đến việc thiếu những quy định tường tận và cụ thể trong các vấn đề nhất định. Ngoài ra, đúng là bộ Luật lần này đưa ra rất nhiều các điều khoản hỗ trợ về rất nhiều mặt nhưng lại thiếu một cơ chế đánh giá kết quả hỗ trợ và tác động của bộ Luật với các doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thì hơn 80% các chính sách và chương trình hỗ trợ DNNVV không có đánh giá kết quả hỗ trợ và tác động đối với các doanh nghiệp. Và lẽ ra, khi thiết kế các chương trình này trong dự luật thì cần có đánh giá tác động để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong thực hiện.

Nói cách khác, Luật hỗ trợ DNNVV trình ra Quốc hội lần này vẫn mắc một nhược điểm chung với một số luật hỗ trợ nền kinh tế khác, đó là tính áp đặt một chiều và chưa thực sự lấy các doanh nghiệp làm trung tâm. Vì các hỗ trợ mà Nhà nước và chính phủ đem lại cho các doanh nghiệp vẫn là theo hướng ban phát từ trên xuống, mà không cần biết (và cũng không có cơ chế đánh giá kết quả và phản hồi) các hỗ trợ ấy có thực sự hiệu quả hay không.

Lẽ ra, Nhà nước và chính phủ cần xây dựng một cơ chế phản hồi thông tin và đánh giá kết quả các hỗ trợ trong luật, để nhanh chóng có sự chỉnh sửa các quy định trong Luật để đạt được kết quả tốt nhất. Vì không phải cứ ban hành Luật hỗ trợ ra là tất cả đều có hiệu quả và kết quả mỹ mãn ngay. Việc thiếu cơ chế phản hồi thông tin và đánh giá kết quả hỗ trợ đối với Luật hỗ trợ DNNVV lần này sẽ khiến cho tác dụng trong thực tế của Luật này sẽ giảm đi rất nhiều.

Mở rộng vấn đề hơn một chút, thì việc thiếu cơ chế phản hồi thông tin và đánh giá kết quả chính là một trong những điểm yếu và thiếu sót rất lớn trong kế hoạch cải cách nền kinh tế được chính phủ tiến hành hiện nay. Không phải bất cứ chính sách nào Nhà nước và chính phủ đưa ra để cải cách nền kinh tế và hỗ trợ các doanh nghiệp cũng có hiệu quả, vì thế cần phải xây dựng một cơ chế hiệu quả nhằm phản hồi thông tin và đánh giá kết quả.

Điển hình gần nhất là Thông tư 37 bị các doanh nghiệp dệt may than phiền khá nhiều dù Thông tư này được ban hành để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Bản thân Luật hỗ trợ DNNVV lần này cũng đang đi theo vết xe này, tất cả đều do việc thiếu một cơ chế phản hồi và đánh giá kết quả trong quá trình xây dựng dự luật, xem xét và thông qua Luật.

Nếu Thủ tướng thực sự muốn đưa chính phủ trở thành một chính phủ kiến tạo phát triển và phục vụ, thì cần nhanh chóng giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật Hỗ trợ DNNVV: Cần cơ chế phản hồi và đánh giá kết quả hỗ trợ