COVID-19 tác động sâu sắc đến việc thực hiện hợp đồng kinh doanh, thương mại, đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá trong vấn đề này.
Đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp ở các yếu tố cung – cầu, doanh thu, lợi nhuận, nhân sự… mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện các hợp đồng với đối tác. Không ít tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng có liên quan đến COVID-19 cũng đã xảy ra.
Phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với Luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc điều hành Công ty KAV Lawyers xoay quanh vấn đề này.
- Dưới tác động của COVID-19, nhiều loại hợp đồng kinh doanh, thương mại được ký kết trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tranh chấp. Theo ông, đâu là những tranh chấp phổ biến?
Tranh chấp phổ biến là tranh chấp về hợp đồng thuê mặt bằng, hợp đồng mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trong đó nhiều nhất nhất là đặt phòng khách sạn, tổ chức tour du lịch; hợp đồng lao động...
Cụ thể, đối với các hợp đồng thuê mặt bằng, bên thuê thuê mặt bằng với mục đích kinh doanh nhưng do ảnh hưởng của dịch, phải giãn cách xã hội, họ phải tạm dừng hoặc khách hàng giảm đáng kể, từ đó ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán theo hợp đồng thuê đối với bên cho thuê.
Trường hợp khác, đối với hợp đồng thi công, nhà thầu bị ảnh hưởng bởi dịch nên không thể sử dụng được nhiều nhân công để thi công như dự định. Điều này dẫn đến tiến độ thi công bị ảnh hưởng và nhà thầu, bên thi công không thể thực hiện đúng tiến độ thi công với chủ đầu tư, bên giao thầu.
Trong trường hợp các hợp đồng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 như nêu trên, các bên có thể chủ động thương lượng, thỏa thuận để cùng sửa đổi hợp đồng cho phù hợp hơn.
Tuy vậy, không phải trường hợp nào các bên cũng đều có thể đạt được thỏa thuận sửa đổi hợp đồng. Một bên đưa ra đề nghị sửa đổi hợp đồng, dù là lý do ảnh hưởng bởi COVID-19, không có nghĩa là bên còn lại phải chấp nhận đề nghị sửa đổi hợp đồng đó.
- Tình huống này đặt ra vấn đề pháp lý liệu rằng một bên có quyền đơn phương (yêu cầu) sửa đổi hợp đồng do ảnh hưởng bởi COVID-19 hay không? Thưa ông?
Giải pháp cho vấn đề này là trường hợp thực hiện hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Theo tôi, quy định về hoàn cảnh thay đổi cơ bản cũng là một quy định rất có ý nghĩa cho doanh nghiệp, tạo thêm giải pháp giải quyết vấn đề trong hoàn cảnh khó khăn nhất định.
Theo khoản 2 Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015, trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.
Điểm b khoản 3 Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu tòa án sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản; tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.
Theo quy định này, nếu một bên muốn đơn phương sửa đổi hợp đồng do đàm phán sửa đổi hợp đồng bất thành thì phải yêu cầu tòa án thực hiện việc sửa đổi với điều kiện là trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
- Như vậy, cần phải làm rõ COVID-19 có phải là hoàn cảnh thay đổi cơ bản hay không?
Đúng vậy! Điều này được quy định tại khoản 1 Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Việc đánh giá các điều kiện của hoàn cảnh thay đổi cơ bản phải xem xét trong từng trường hợp cụ thể của mỗi hợp đồng.
Đối với trường hợp hợp đồng thuê mặt bằng như đã dẫn chứng nêu trên, COVID-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam cũng công bố đây là dịch bệnh truyền nhiễm trên phạm vi toàn quốc.
Dịch bệnh hoàn toàn nằm ngoài ý chí chủ quan và kiểm soát của các bên, là nguyên nhân khách quan đối với các bên trong hợp đồng và xảy ra đột ngột, các bên không lường trước được khi giao kết hợp đồng (đối với các hợp đồng đã được giao kết trước đó). Do đó, COVID-19 hoàn toàn thỏa mãn hai điều kiện đầu tiên của hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
COVID-19 sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho bên thuê nếu như hợp đồng thuê không được điều chỉnh phù hợp. Một bên thuê mặt bằng để kinh doanh nhưng lại bị buộc phải tạm dừng kinh doanh hoặc vẫn kinh doanh nhưng lượng khách hàng giảm đáng kể do thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng dịch nhưng vẫn phải thanh toán đủ tiền thuê như hoàn cảnh bình thường thì rõ ràng là mất cân bằng lợi ích đối với bên thuê và do vậy, sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với bên thuê.
Có thể thấy rằng, bên thuê cũng không có cách nào khác để ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích bởi lẽ tác động đặc biệt nghiêm trọng của dịch bệnh, chấp hành chủ trương chung của Nhà nước là “chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng chống dịch”.
- Dưới ảnh hưởng của COVID-19, bên cạnh giải pháp sửa đổi hợp đồng, còn giải pháp nào khác không, thưa ông?
Một bên hoặc các bên trong hợp đồng có thể xem xét đến phương án khác là chấm dứt hợp đồng. Việc chấm dứt hợp đồng dưới tác động của COVID-19 có thể được thực hiện theo nhiều cơ sở pháp lý khác nhau, gồm: thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng.
Về hủy bỏ hợp đồng, cả Luật Thương mại năm 2005 và Bộ Luật Dân sự năm 2015 đều có quy định về vấn đề này. Theo khoản 3 Điều 4 Luật Thương mại năm 2005, hoạt động thương mại không được quy định trong Luật thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự. Do đó, tùy theo bản chất của hợp đồng có phải là hoạt động thương mại hay không, quy định của Luật Thương mại năm 2005 sẽ được ưu tiên áp dụng trước so với Bộ luật Dân sự năm 2015.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, một bên trong hợp đồng có thể vi phạm hợp đồng và vi phạm này có thể là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng hoặc là vi phạm cơ bản.
Chẳng hạn, đối với hợp đồng thuê mặt bằng, nếu bên thuê vì doanh thu giảm sút do dịch, không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán tiền thuê cho bên cho thuê thì đó vẫn là hành vi vi phạm hợp đồng và đây được coi là vi phạm cơ bản, vi phạm nghiêm trọng để bên cho thuê chấm dứt hợp đồng theo cơ sở hủy bỏ hợp đồng.
Tương tự hủy bỏ hợp đồng, biện pháp đình chỉ thực hiện hợp đồng cũng là một chế tài trong thương mại được quy định tại khoản 5 Điều 292 và Điều 310 Luật Thương mại năm 2005.
Theo đó, điều kiện để một bên có quyền đình chỉ thực hiện hợp đồng cũng tương tự như trường hợp hủy bỏ hợp đồng, cũng xuất phát từ hành vi vi phạm của một bên mà vi phạm đó là điều kiện để đình chỉ hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận hoặc một bên vi phạm cơ bản hợp đồng.
Tuy vậy, theo quan sát của tôi, trên thực tế, khi xảy ra vi phạm hợp đồng từ một bên mà bên vi phạm do bị tác động bởi COVID-19 thì bên còn lại (bên bị vi phạm) thường không áp dụng các chế tài về đình chỉ thực hiện hợp đồng hay hủy bỏ hợp đồng.
Chẳng hạn, trong trường hợp của hợp đồng thuê mặt bằng, bên bị vi phạm về điều khoản thanh toán là bên cho thuê nhưng bên cho thuê cũng không mong muốn chấm dứt hợp đồng vì sẽ bị mất nguồn thu nhập từ tiền thuê, khó tìm được người thuê mới trong bối cảnh dịch bệnh.
Ngược lại, chính bên thuê, tức bên vi phạm lại là bên muốn chấm dứt hợp đồng vì kinh doanh không hiệu quả. Tuy nhiên, bên vi phạm không có quyền áp dụng các biện pháp đình chỉ thực hiện hợp đồng hay hủy bỏ hợp đồng để chấm dứt hợp đồng.
Ngoài các trường hợp chấm dứt hợp đồng theo các trường hợp nêu trên, do ảnh hưởng của COVID-19, các bên trong hợp đồng vẫn có thể chấm dứt hợp đồng trong trường hợp xảy ra “sự kiện bất khả kháng kéo dài”.
Do đó, nếu COVID-19 được các bên áp dụng như là một sự kiện bất khả kháng kéo dài thì một trong các bên được quyền chấm dứt hợp đồng theo thỏa thuận mà các bên đã xác lập trong hợp đồng.
- Với sức ép từ các chế tài mà bên bị vi phạm có thể áp dụng, bên vi phạm hợp đồng do ảnh hưởng bởi COVID-19 có xu hướng tìm kiếm một cơ sở pháp lý để miễn trừ trách nhiệm từ hành vi vi phạm của mình. Vấn đề này được quy định thế nào, thưa ông?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Điểm b khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại 2005 cũng quy định bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng.
Do đó, căn cứ để miễn trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng được xem xét khá phổ biến trong các quan điểm hiện nay là sự kiện bất khả kháng và xem COVID-19 như là sự kiện bất khả kháng để được miễn trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
Theo tôi, rõ ràng rằng dịch bệnh bùng phát và nhanh chóng lan rộng là một sự kiện khách quan, không thể lường trước được. Tuy vậy, nếu chứng minh sự kiện này là sự kiện bất khả kháng thì còn phải chứng minh các yếu tố còn lại theo luật định như không thể khắc phục được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
“Không thể khắc phục được” là không thể khắc phục được sự kiện xảy ra. Đối với sự kiện COVID-19, các bên trong hợp đồng không thể khắc phục được sự kiện này, vượt quá khả năng khắc phục của các bên.
Do đó, tôi cho rằng cần coi COVID-19 là sự kiện bất khả kháng vì thỏa mãn đủ các yếu tố của sự kiện bất khả kháng theo quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Tuy vậy, để được miễn trừ trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng thì bên vi phạm phải chứng minh sự kiện bất khả kháng là COVID-19 có tác động đến việc vi phạm hợp đồng của mình, phải xem xét trong từng bối cảnh, hợp đồng cụ thể.
Khoản 3 Điều 295 Luật Thương mại năm 2005 cũng quy định rõ bên vi phạm có nghĩa vụ chứng minh với bên bị vi phạm về trường hợp miễn trách nhiệm của mình. Khoản 1 Điều này còn quy định bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra.
Do đó, không phải cứ cho rằng COVID-19 là sự kiện bất khả kháng thì bên vi phạm được đương nhiên miễn trừ trách nhiệm. Sự kiện bất khả kháng không phải là sự kiện đương nhiên được miễn trừ trách nhiệm khi nó xảy ra mà còn gắn liền với thủ tục thông báo và chứng minh của bên vi phạm.
Ngoài trường hợp bất khả kháng, do ảnh hưởng của COVID-19, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền còn ban bố các lệnh, quyết định để phòng, chống dịch bệnh, trong đó có các lệnh về tạm dừng hoạt động kinh doanh.
Như vậy, COVID-19 không chỉ tác động đến việc vi phạm hợp đồng mà COVID-19 còn là một trường hợp miễn trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng vì đây là sự kiện bất khả kháng trong một số hợp đồng cụ thể.
Có thể nói, COVID-19 là nguyên nhân của hành vi vi phạm hợp đồng và cũng là trường hợp miễn trừ trách nhiệm cho chính hành vi vi phạm do bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Ngoài ra, COVID-19 còn làm cho các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban bố các lệnh, quyết định tác động đến một hoặc các bên trong hợp đồng, dẫn đến việc vi phạm hợp đồng và các lênh, quyết định đó cũng là trường hợp được miễn trừ trách nhiệm theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 (điểm d khoản 1 Điều 294).
Tóm lại, COVID-19 là một tác nhân tác động sâu sắc đến việc thực hiện hợp đồng kinh doanh, thương mại. COVID-19 cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá trong việc giao kết, thực hiện hợp đồng giữa các bên. Nhiều điều khoản trong hợp đồng phải tính đến yếu tố tác động như dịch bệnh COVID-19 để có sự thỏa thuận, quy định phù hợp.
Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật, khung pháp lý điều chỉnh về hợp đồng trong tương lai cũng cần phải sửa đổi, bổ sung để điều chỉnh rõ ràng hơn các vấn đề như COVID-19 và các vấn đề khác tương tự.