Tại Việt Nam, lĩnh vực KHCN, TT-TT có sự đóng góp không nhỏ vào việc khống chế đại dịch COVID-19.
Năm 2020, Việt Nam khống chế thành công đại dịch COVID-19, đảm bảo thực hiện 2 mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Để đạt được điều này, Chính phủ và các bộ, ngành cùng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch đã đưa ra những quyết định cấp thiết trong những thời khắc quan trọng, thực hiện nhiều biện pháp chưa từng có.
Lĩnh vực KHCN, TT-TT có đóng góp không nhỏ vào thành công trên; trong đó phải kể đến việc hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo bộ kit real-time RT-PCR one step phát hiện SARS-CoV-2. Bộ Y tế sau đó có quyết định về việc ban hành danh mục 2 sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm vi rút được cấp số đăng ký do Học viện Quân y và Công ty cổ phần Việt Á sản xuất để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trả lời phỏng vấn trực tuyến "Một năm Việt Nam khống chế COVID-19", Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho biết ngay khi có nguy cơ bùng phát dịch, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã triệu tập cả Bộ trưởng Bộ TT-TT và Bộ trưởng Bộ KH-CN để huy động tất cả giải pháp CNTT vào trong việc phòng, chống dịch.
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Việt Nam đã phát triển được rất nhiều website và ứng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, tiêu biểu có thể kể tới ứng dụng truy vết người nghi nhiễm Bluezone.
Theo thông tin từ Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT), tính đến cuối năm 2020, số lượt cài đặt ứng dụng Bluezone đã đạt 23,7 triệu lượt. Theo chia sẻ của Thứ trưởng Bùi Thế Duy, nhiều người lo lắng về quyền riêng tư nhưng nó phục vụ trực tiếp cho công tác chống dịch.
Cũng trong buổi phỏng vấn trực tuyến, Thứ trưởng Duy chia sẻ trong quá trình chống dịch, có một đội ngũ ít được truyền thông biết đến - đó là Tổ phản ứng nhanh được hình thành theo cơ chế cách làm từ Đề án hệ tri thức Việt số hóa.
“Khi có dịch dự kiến bùng phát, lập tức chúng tôi thấy cần ngay một cơ chế hình thành tổ công tác đặc biệt để triển khai công nghệ phân tích dữ liệu, đưa ra dự báo, hỗ trợ địa phương công tác truy vết, tiếp xúc với người nguy cơ nhiễm bệnh”, Thứ trưởng Duy nhấn mạnh.
Tổ công tác có hơn 200 người, là các tình nguyện viên, các nhà khoa học bên cộng đồng y tế dự phòng, nhà toán học, công nghệ thông tin, doanh nghiệp nhỏ, sinh viên y... làm việc trong suốt một năm, đặc biệt trong đợt cao điểm đã trực chiến 24/24.
Trong quá trình được tham gia phòng, chống dịch, Thứ trưởng Bộ KH-CN có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ khi Tổ phản ứng nhanh hoạt động. Đó là hình ảnh lực lượng y tế, bộ đội, công an nhường chỗ ngủ cho người nghi nhiễm, cách ly...; kể cả lực lượng khác đứng đằng sau, có thể không vất vả bằng nhưng tất cả đều làm việc quên ngày quên đêm.
Ngoài ra, khi phát hiện ca bệnh số 17, ổ dịch Bạch Mai, Thứ trưởng Duy cho biết rất nhiều người đã làm việc cả đêm. Khi 7 giờ tối có kết quả phát hiện ca dương tính, là lúc cả tổ bắt đầu phân tích và truy vết...
Bên cạnh đó, trong thời gian cả nước cùng chung tay phòng, chống dịch COVID-19, cộng đồng khởi nghiệp (startup) cũng không đứng ngoài cuộc. Điển hình như COVID-19 Check là dịch vụ giúp người dùng có thể kiểm tra được khả năng bị lây nhiễm theo phân loại từ F0 tới F5. Đây là ứng dụng được phát triển bởi Got It, một trong những startup giáo dục do anh Trần Việt Hùng sáng lập.
Ngoài ra, theo khảo sát đến ngày 2.4.2020 từ Văn phòng Đề án 844 (Bộ KH-CN), đã có hơn 45 dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cung cấp giải pháp công nghệ không chỉ hỗ trợ xử lý trực tiếp tuyến đầu dịch bệnh, mà còn giúp giải quyết vấn đề cho nhóm cộng đồng đang cách ly, hay nhóm chịu ảnh hưởng gián tiếp.