Có thể nói, sự kiện quan trọng và có tiếng vang nhất trên bình diện chính trị tại khu vực châu Á những ngày qua là phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) tại The Hague, trong đó bác bỏ yêu sách về "đường 9 đoạn" của Trung Quốc trên biển Đông.

Lý do khiến Trung Quốc phản ứng yếu ớt trước phán quyết của PCA

Nhàn Đàm | 14/07/2016, 11:46

Có thể nói, sự kiện quan trọng và có tiếng vang nhất trên bình diện chính trị tại khu vực châu Á những ngày qua là phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) tại The Hague, trong đó bác bỏ yêu sách về "đường 9 đoạn" của Trung Quốc trên biển Đông.

Đây được xem như một sự kiện mang tính bước ngoặt trong bức tranh toàn cảnh về địa chính trị ở Biển Đông và khu vực Tây Thái Bình Dương trong tương lai. Nhưng, có một khía cạnh thú vị đã bị bỏ qua trong sự kiện quan trọng này, đó là ảnh hưởng của yếu tố kinh tế, ít nhất là tới quốc gia bị đánh giá là đã thua cuộc trong vụ kiện này – Trung Quốc. Lần theo quan điểm sự ảnh hưởng của yếu tố kinh tế, có thể thấy rõ sức ảnh hưởng ghê gớm của yếu tố này kể cả với nền kinh tế số 2 thế giới như Trung Quốc, buộc chính phủ nước này phải thay đổi cách hành động và xử lý của mình một cách đáng kể.

Theo dõi các động thái phản ứng của Trung Quốc sau phán quyết của PCA ngày 12.7 có thể xem như một trải nghiệm thú vị. Có sự khác biệt đã bị rất nhiều nhà quan sát ít lưu ý về cách thức phản ứng của Trung Quốc đối với sự kiện này: những người lên tiếng bác bỏ và phủ nhận phán quyết PCA mạnh mẽ nhất và đông đảo nhất ở Trung Quốc lại là giới nghệ sĩ, bao gồm các ca sĩ, người mẫu, diễn viên điện ảnh và người dẫn chương trình truyền hình, vốn là những người có xu hướng rất ít quan tâm đến các vấn đề chính trị xã hội, chứ không phải là đông đảo người dân như thường lệ. Các trang mạng xã hội cá nhân của giới nghệ sĩ Trung Quốc tràn ngập những tuyên bố hùng hồn và lời phản đối về phán quyết của PCA, trong khi đó đại bộ phận người dân Trung Quốc chọn cách im lặng, hoặc không còn cách nào khác ngoài im lặng.

Nếu so sánh với phản ứng của Trung Quốc trong các sự kiện tương tự, dễ dàng nhận ra sự khác biệt của sự phản ứng trong sự kiện lần này: đã gần như không hề có một cuộc biểu tình phản đối quy mô lớn nào của người Trung Quốc trước phán quyết PCA – một sự kiện bất lợi và có thể kích động biểu tình ở Trung Quốc. Đây là điều hoàn toàn khác nếu so với trước, chẳng hạn như sự kiện đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade trúng bom Mỹ vào năm 1999, hay việc Nhật Bản bắt giữ một số tàu cá và thuyền trưởng Trung Quốc khi bị cho là xâm nhập trái phép lãnh hải Nhật năm 2012. Trong cả hai sự kiện trên, Trung Quốc đã bật đèn xanh cho những cuộc biểu tình quy mô lớn để gây sức ép, thậm chí vụ Belgrade năm 1999 đích thân Phó chủ tịch Trung Quốc khi đó là Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi và chấp thuận một cuộc biểu tình lớn trước Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh. Cơn thịnh nộ được đẩy lên cao hơn trong cuộc biểu tình chống Nhật Bản năm 2012, khi những đoàn người biểu tình cuồng loạn thậm chí đã đập phá rất nhiều tài sản tại các thành phố chỉ cần có nhãn hiệu từ nước Nhật, đến mức gần như vượt ra khỏi sự kiểm soát của chính phủ.

Kể cả trong những sự kiện ít tính thách thức hơn, Trung Quốc cũng sẵn sàng bật đèn xanh cho các cuộc biểu tình. Điển hình là khi sự kiện chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích trên Thái Bình Dương trong đó có 152 hành khách Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc đã cho phép một đám đông giận dữ bao vây Đại sứ quán Malaysia và đòi bồi thường cho gia đình các nạn nhân.

Vì thế, khi phán quyết của PCA được đưa ra, rất nhiều người đã chờ đợi những phản ứng thịnh nộ từ Trung Quốc tương tự như sự kiện ở Belgrade năm 1999 hay với Nhật Bản năm 2012. Nhưng chưa có gì xảy ra cả, ngoại trừ các nghệ sĩ được phép đề cập đến phán quyết PCA, an ninh mạng Trung Quốc đã ngay lập tức ngăn chặn tất cả các bài viết và bình luận có nội dung liên quan đến vụ này, thậm chí không cho phép các hoạt động tìm kiếm trên mạng có từ khóa “Biển Nam Trung Hoa” (South China Sea, tức Biển Đông). Một hàng rào cảnh sát cũng đã được dựng lên xung quanh Đại sứ quán Philippines ở Trung Quốc để ngăn chặn bất cứ một cuộc biểu tình giận dữ nào nhằm vào Philippines – quốc gia đã đứng ra kiện Trung Quốc trong vụ kiện. Vấn đề trở nên rất rõ ràng: Trung Quốc sẽ không cho phép bất cứ một cuộc biểu tình nào diễn ra xung quanh sự kiện phán quyết của PCA như đã từng cho phép trong các sự kiện ở Belgrade năm 1999 và Nhật Bản năm 2012, dù về tính chất các sự kiện này khá giống nhau.

Vậy đâu là lý do của sự khác biệt, khi mà vào năm 1999 và 2012 Trung Quốc chấp thuận và thậm chí ủng hộ những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc, trong khi ở thời điểm hiện tại lại không. Câu trả lời có lẽ nằm ở yếu tố kinh tế. Vào thời điểm năm 1999 hay 2012, kinh tế Trung Quốc đang ổn định và tăng trưởng mạnh, người dân tham gia các cuộc biểu tình phản đối Mỹ hay Nhật Bản không có nhiều lý do để chuyển hướng sang các vấn đề trong nước có thể đe dọa chính phủ Trung Quốc. Nhưng giờ đây điều này đã thay đổi. Kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc mạnh, trong khi các vấn đề gây bức xúc trong xã hội thì ngày càng nhiều như tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, ô nhiễm môi trường… tất cả những điều này khiến cho một cuộc biểu tình phản đối phán quyết của PCA nếu được cho phép có thể kéo theo nguy cơ chuyển sang hướng phản đối chính phủ và yêu cầu cải cách. Nói cách khác, so với những thời điểm như năm 1999, 2012 hay 2014, thì ở thời điểm hiện tại người dân Trung Quốc có nhiều lý do để có thể dẫn tới những cuộc biểu tình phản đối tình hình trong nước hơn. Và đó là lý do khiến chính phủ Trung Quốc đang thể hiện một bộ mặt nhũn nhặn hơn, ít nhất là trong việc kiểm soát thái độ người dân trong xã hội của mình.

Sự sa sút về kinh tế đã không cho phép chính phủ Trung Quốc tiếp tục lối hành xử hung hăng trước các vấn đề quốc tế như trước đó, với việc ngăn chặn các cuộc biểu tình có xu hướng chủ nghĩa dân tộc. Và ngược lại, Bắc Kinh cũng đang buộc phải làm điều này để cứu vãn sự ổn định của môi trường đầu tư trong nền kinh tế của mình. Các cuộc biểu tình chống Nhật năm 2012 đã không chỉ tạo ra một cuộc bạo loạn lớn nhất, trong đó những người biểu tình đã đụng độ với lực lượng cảnh sát chống bạo động, phá hủy nhiều xe công vụ và thậm chí tìm cách đột nhập vào các tòa nhà chính phủ; mà còn khiến cho rất nhiều tập đoàn và công ty Nhật Bản rút khỏi Trung Quốc và đầu tư sang các nước ASEAN. Vì thế, trong bối cảnh Trung Quốc đang bị chỉ trích rất nhiều về môi trường đầu tư kém thuận lợi hiện nay, thì việc xảy ra một cuộc biểu tình quy mô lớn có thể kéo theo các hậu quả nguy hiểm khác có thể khiến cho môi trường đầu tư của nền kinh tế nước này gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Khi kinh tế yếu hơn, Trung Quốc sẽ trở nên nhũn nhặn hơn; đó có vẻ như là một sự thật có thể rút ra qua sự kiện lần này.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan
Tesla vượt rào cản pháp lý cho phần mềm tự lái xe ở Trung Quốc sau chuyến đi của Elon Musk
Tesla đã vượt qua một số rào cản pháp lý quan trọng vốn từ lâu cản trở việc triển khai phần mềm hỗ trợ tự lái xe tại Trung Quốc, sau chuyến đi bất ngờ của Elon Musk tới thị trường lớn thứ hai của hãng ô tô điện Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Đỉnh cao thắng lợi của cách mạng Việt Nam
1 giờ trước Sự kiện
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lý do khiến Trung Quốc phản ứng yếu ớt trước phán quyết của PCA