Hơn một tuần đã trôi qua kể từ khi kết quả dự kiến cuộc bầu cử ở Mỹ được loan báo. Đối lập với những lời chúc tụng từ các đồng minh là sự im lặng từ một số nước trên thế giới.

Lý giải việc Nga vẫn im lặng, Trung Quốc chúc mừng ngắn gọn với Biden

Anh Tú | 15/11/2020, 17:50

Hơn một tuần đã trôi qua kể từ khi kết quả dự kiến cuộc bầu cử ở Mỹ được loan báo. Đối lập với những lời chúc tụng từ các đồng minh là sự im lặng từ một số nước trên thế giới.

Trong khi các quốc gia từ khắp nơi trên thế giới đổ xô gửi lời chúc mừng Tổng thống đắc cử dự kiến Joe Biden, thì các nhà lãnh đạo của Nga, Brazil và Mexico vẫn trì hoãn làm việc này. Riêng Trung Quốc cuối cùng cũng chịu đưa ra một lời chúc mừng ngắn gọn, trái ngược hoàn toàn với thông điệp tuyệt vời mà họ gửi 4 năm trước, chỉ một ngày sau chiến thắng của Tổng thống Donald Trump hồi 2016.

Câu hỏi đặt ra là: Điều gì đã xảy ra?

Các quan chức từ Nga, Brazil và Mexico cho biết các nhà lãnh đạo của họ đang chờ đợi vấn đề liên quan đến việc kiểm phiếu được giải quyết, còn Trung Quốc chỉ thừa nhận rằng họ đã chứng kiến tuyên bố chiến thắng của Biden. Trong khi đó, Trump vẫn nhấn mạnh rằng đã có những lá phiếu bất hợp pháp được kiểm và rằng ông sẽ thắng cử. 

Theo chuyên gia, các nhà lãnh đạo một số nước dè dặt kể trên có thể cảm thấy có gì không thuận khi đưa ra lời chúc mừng sớm cho Biden.

Michael Miller, Phó giáo sư tại khoa Nghiên cứu chủ nghĩa dân tộc tại Đại học Trung Âu ở thủ đô Budapest của Hungary, cho biết: “Họ nhận ra Trump vẫn sẽ gây ảnh hưởng với đảng Cộng hòa và họ biết ông ấy nhanh chóng tức giận rồi ghim trong lòng mối hận thù. Hiện tại, họ không thấy có thể gặt hái được gì trong việc chúc mừng Biden và thừa nhận thất bại của Trump". Theo Miller, Nga đặc biệt quan tâm đến việc kéo dài hoài nghi và bất ổn ở Mỹ.

Theo Kadri Liik, một nhà chính sách cấp cao chuyên về mối quan hệ với Nga tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, các nhà lãnh đạo nêu trên cũng có những lý do chính trị cụ thể của riêng họ.

“Có thể khái quát điều đó rằng một số quốc gia và các nhà lãnh đạo đã muốn Trump giành chiến thắng và họ không hoàn toàn hài lòng với Biden, nhưng mỗi phản ứng đều có cơ sở riêng của nó”, bà Liik phân tích.

Một phát ngôn viên của Điện Kremlin hồi đầu tuần cho biết Nga coi việc chờ đợi phán quyết chính thức về kết quả bầu cử là “đúng đắn”. Tuy nhiên, sự im lặng lần này hoàn toàn trái ngược với lời chúc mừng cực nhanh của Tổng thống Nga Vladimir Putin dành cho Trump vào năm 2016.

Quan hệ Mỹ - Nga đã trở nên căng thẳng trong những năm gần đây do các thỏa thuận trừng phạt và kiểm soát vũ khí mới của Mỹ. Dù vậy, Putin và Trump lại có mối quan hệ cá nhân hoàn toàn khác. Sau cuộc bầu cử năm 2016, Trump tỏ ý tin lời Putin phủ nhận việc Nga can thiệp bầu cử, bất chấp việc CIA, FBI và Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia đều kết luận rằng Nga đã can thiệp.

Liik nói: “Đây là cái gật đầu cuối cùng của Putin với Trump” và bà nói thêm rằng nhà lãnh đạo Nga nổi tiếng là người trân trọng điều ông tin tưởng trong lòng.

Bên cạnh đó, sự im lặng cũng có thể là một phần trong hoạt động ngoại giao của Nga trước khi Biden nhậm chức. “Họ đang tạm dừng để cho Biden thấy rằng‘ chúng tôi không vội ôm lấy bạn; bạn phải đi bộ nửa dặm để dạo bước với chúng tôi".

Tổng thống theo chủ nghĩa dân túy của Brazil, Jair Bolsonaro, người đôi khi được gọi là "Trump của vùng nhiệt đới", từng khoe rằng ông sẽ là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới chúc mừng Trump tái đắc cử.

Vị Phó tổng thống Brazil hồi đầu tuần nói đầy ý nhị rằng Bolsonaro đang chờ "việc rửa số phiếu gian lận" được giải quyết. Nhưng sự chậm trễ trong việc thừa nhận chiến thắng của Biden có thể là một kiểu sự câu giờ của người đứng đầu quốc gia mê bóng đá. Anthony Pereira, giáo sư tại Viện Brazil và Khoa Phát triển Quốc tế tại Đại học King’s ở London nhận định: "Tôi nghĩ rằng họ đang cố gắng một chút để tút tát lại bản thân và cứu vãn mối quan hệ với Mỹ" sau chiến thắng của Biden.

Về phía Mexico, Tổng thống Andrés Manuel López Obrador hôm qua cho biết rằng ông sẽ từ chối bình luận về cuộc bầu cử cho đến khi "tất cả các vấn đề pháp lý đã được giải quyết".

Theo Shannon O'Neil, một thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, với hai tháng nữa mới đến ngày chính quyền mới ra mắt, thì việc trì hoãn chúc mừng cũng chẳng có gì bất ngờ: “Nhìn chung, chính quyền Trump đối với tổng thống Obrador khá tốt. Tuy nhiên, Trump “không phải là một tổng thống mà người ta muốn gây phiền phức”.

Điểm chung của hầu hết các nhà lãnh đạo chưa chúc mừng Biden là họ tin rằng làm việc với Trump dễ dàng hơn, hay nói cách khác là có thể dễ tìm một thỏa thuận suôn sẻ hơn so với làm việc với chính quyền Biden.

O’Neil nói: “Một khi họ đã hiểu con người Trump, họ thấy ông ấy dễ đối phó vì ông ấy là một Tổng thống thích giao dịch. Còn khi bạn phải tham gia vào một mối quan hệ sâu hơn và rộng hơn, nơi bạn tiến hành đàm phán với nhiều bộ phận khác nhau, đó là một mối quan hệ phức tạp hơn để tìm đường đi nước bước”.

Việc Trung Quốc trì hoãn chúc mừng và sau đó đưa ra thông điệp ngắn gọn có thể do quan hệ với Mỹ dưới thời Trump xấu đi đáng kể. Hai quốc gia đã tranh chấp về thương mại, đại dịch coronavirus, công nghệ và nhân quyền. Bất kỳ tuyên bố nào trong khi mọi thứ trong cuộc bầu cử chưa rõ ràng đều bất lợi với họ.

Mặc dù Biden có thể đưa ra một giọng điệu ấm áp hơn và có thái độ chịu hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề như biến đổi khí hậu, nhưng giới chuyên gia đánh giá chính trị gia đảng Dân chủ vẫn sẽ duy trì lập trường cứng rắn đối với Bắc Kinh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lý giải việc Nga vẫn im lặng, Trung Quốc chúc mừng ngắn gọn với Biden