Các sĩ quan quân đội ở Mali đã bắt giữ Tổng thống, Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng của chính phủ lâm thời hôm 24.5, làm trầm trọng thêm hỗn loạn chính trị chỉ vài tháng sau khi tiến hành một cuộc đảo chính quân sự lật đổ tổng thống trước đó.

Mali trên bờ vực thành Myanmar thứ 2 khi quân đội bắt giam cả Tổng thống và Thủ tướng

A.T | 25/05/2021, 06:29

Các sĩ quan quân đội ở Mali đã bắt giữ Tổng thống, Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng của chính phủ lâm thời hôm 24.5, làm trầm trọng thêm hỗn loạn chính trị chỉ vài tháng sau khi tiến hành một cuộc đảo chính quân sự lật đổ tổng thống trước đó.

Các nguồn tin ngoại giao và chính phủ cho biết, Tổng thống Bah Ndaw, Thủ tướng Moctar Ouane và Bộ trưởng Quốc phòng Souleymane Doucoure đều được đưa tới một căn cứ quân sự ở Kati, ngoại ô thủ đô Bamako, vài giờ sau khi hai thành viên quân đội mất chức vụ trong cuộc cải tổ chính phủ.

Việc giam giữ họ diễn ra sau cuộc đảo chính quân sự vào tháng 8 lật đổ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita. Diễn biến này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn ở quốc gia Tây Phi, nơi các nhóm Hồi giáo bạo lực có liên hệ với al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo kiểm soát khu vực rộng lớn ở phía bắc sa mạc.

Phái bộ của Liên Hợp Quốc tại Mali kêu gọi trả tự do "ngay lập tức và vô điều kiện" cho các nhà lãnh đạo vừa bị bắt và cho biết những người giam giữ các nhà lãnh đạo sẽ phải trả lời về hành động của họ.

Cả ECOWAS, Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu và một số nước châu Âu trong một tuyên bố chung cho biết sẽ cử phái đoàn đến Bamako vào hôm nay để giúp giải quyết "âm mưu đảo chính". Nhóm cho biết: “Cộng đồng quốc tế bác bỏ trước bất kỳ hành động nào dùng vũ lực áp đặt, bao gồm cả việc buộc phải từ chức”.

Ndaw và Ouane đã được giao nhiệm vụ tiếp quản đất nước 18 tháng sau vụ đảo chính hồi tháng 8 năm ngoái, để chuyển đổi trạng thái đất nước trở lại chế độ dân sự. Tháng trước, chính phủ tạm quyền cho biết họ sẽ tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống vào tháng 2.2022 để khôi phục một chính phủ dân chủ. Nhưng họ dường như đã chống lại sự kiểm soát của quân đội đối với một số vị trí quan trọng trong chính phủ.

"Việc sa thải các trụ cột của cuộc đảo chính là một tính toán sai lầm to lớn", một cựu quan chức cấp cao của chính phủ Mali bình luận. Một quan chức quân đội ở Kati cho biết đây không hẳn là một vụ bắt giữ. "Những gì họ đã làm là không ổn. Chúng tôi đang cho họ biết điều đó, các quyết định sẽ được đưa ra".

J. Peter Pham, cựu đặc phái viên Mỹ tại Hồ Lớn châu Phi bình luận: “Thật đáng tiếc, nhưng không có gì đáng ngạc nhiên: thỏa thuận được đồng ý sau cuộc đảo chính năm ngoái cũng không hoàn hảo, nhưng ít ra đó là một thỏa hiệp được tất cả các bên liên quan lớn của Maln và quốc tế đồng ý”.

Căn cứ quân sự của Kati khét tiếng là nơi chấm dứt sự cai trị của các nhà lãnh đạo Mali. Tháng 8 năm ngoái, quân đội đã đưa Tổng thống Keita đến Kati và buộc ông phải từ chức. Rồi năm 2012, một cuộc binh biến ở đó đã giúp lật đổ người tiền nhiệm Amadou Toumani Toure.

Mali rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ 2012. Sự ra đi của Toure đã kích hoạt một cuộc nổi dậy của sắc tộc Tuareg nhằm chiếm 2/3 miền bắc đất nước, nơi bị các chiến binh Hồi giáo có liên hệ với al Qaeda chiếm đoạt.

Lực lượng Pháp đã đánh bại quân nổi dậy vào năm 2013 nhưng kể từ đó tàn quân nổi dậy đã tập hợp lại và thực hiện các cuộc tấn công thường xuyên vào quân đội và dân thường. Họ đã xuất khẩu phương thức đấu tranh vũ trang sang các nước láng giềng Burkina Faso và Niger, nơi các cuộc tấn công đã tăng vọt kể từ năm 2017.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mali trên bờ vực thành Myanmar thứ 2 khi quân đội bắt giam cả Tổng thống và Thủ tướng