Nhà lãnh đạo bị phế truất - Aung San Suu Kyi lần đầu tiên xuất hiện tại phiên tòa hôm 24.5 kể từ khi chính phủ của bà bị quân đội Myanmar lật đổ gần 4 tháng trước.
Suu Kyi trông có sức khỏe tốt trong cuộc họp kéo dài 30 phút với nhóm pháp lý của mình, nhưng cho biết bà không được tiếp cận báo chí trong thời gian bị giam giữ và chỉ biết một phần về những gì đang xảy ra bên ngoài. Trưởng nhóm pháp lý của bà Suu Kyi – ông Khin Maung Zaw nói với Reuters thông tin này.
Nhà lãnh đạo bị lật đổ 75 tuổi, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1991 vì những nỗ lực xây dựng nền dân chủ, nằm trong số hơn 4.000 người bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính ngày 1.2. Bà Suu Kyi phải đối mặt với các tội danh từ sở hữu bất hợp pháp bộ đàm cho đến vi phạm luật bí mật nhà nước, đối mặt án tù 14 năm.
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội đảo chính, với các cuộc biểu tình, tuần hành và đình công hàng ngày trên toàn quốc chống lại chính quyền. Quân đội đã đáp trả bằng vũ lực sát thương, giết chết hơn 800 người, theo nhóm hoạt động của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị.
Suu Kyi "chúc mọi người sức khỏe tốt" trong cuộc gặp với các luật sư của mình và cũng đề cập đến việc đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà có thể sớm bị giải tán.
"Đảng của chúng tôi lớn lên từ nhân dân nên nó sẽ tồn tại miễn là mọi người ủng hộ nó", ông Khin Maung Zaw dẫn lời bà Suu Kyi.
Ủy ban bầu cử do quân đội Myanmar chỉ định sẽ giải thể NLD với lý do chiến thắng đảng này trong cuộc bầu cử vào tháng 11.2021 nhờ gian lận, truyền thông đưa tin hôm 28.5, trích lời một ủy viên. Ủy ban bầu cử cũ bác bỏ cáo buộc này.
"Vụ gian lận bầu cử do NLD tiến hành vào tháng 11 là bất hợp pháp nên chúng tôi sẽ phải giải thể đăng ký của đảng này", là lời của Thein Soe - Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Liên minh (UEC) được chính quyền quân sự hậu thuẫn.
Thein Soe cho biết những người thực hiện hành vi gian lận bầu cử "sẽ bị coi là kẻ phản bội" và sẽ có hành động chống lại họ.
Ông Khin Maung Zaw cho biết thông tin duy nhất mà Aung San Suu Kyi nhận được từ bên ngoài là khi cảnh sát hỏi ý kiến của bà về một số vấn đề. Bà Aung San Suu Kyi từ chối trả lời vì không biết về tình hình đầy đủ, theo Khin Maung Zaw.
Nhóm pháp lý cũng đã gặp Win Myint - Tổng thống Myanmar bị lật đổ và đồng bị cáo để thảo luận về các trường hợp chống lại ông, Khin Maung Zaw nói.
Vì phiên xử hôm 24.5 là để các bị cáo gặp luật sư nên chủ tọa đã hoãn phiên tòa cho đến ngày 7.6.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với truyền thông nước ngoài, cụ thể là Đài truyền hình Phượng Hoàng có trụ sở tại Hồng Kông, kể từ sau cuộc đảo chính, lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing cũng cho biết bà Suu Kyi có sức khỏe tốt và phản bác về số người bị lực lượng an ninh giết trong các cuộc biểu tình.
Thượng tướng Min Aung Hlaing nói trong cuộc phỏng vấn ngày 20.5 rằng con số thương vong thực tế là khoảng 300 người và 47 cảnh sát đã thiệt mạng.
Trong bình luận khác từ cuộc phỏng vấn, Thượng tướng Min Aung Hlaing đã tìm cách trấn an các doanh nghiệp Trung Quốc sau khi một số nhà máy bốc cháy gần đây ở thành phố Yangon.
Ông nói: “Các công dân của chúng tôi không chống Trung Quốc nhưng chính chính trị mới gây ra sự thù hận".
Một số người phản đối cuộc đảo chính đã cáo buộc Trung Quốc ủng hộ chính quyền quân sự Myanmar, vốn bị các nước phương Tây lên án và đưa ra các biện pháp trừng phạt. Trung Quốc tỏ ra ôn hòa hơn trong cách tiếp cận và cho biết đang tìm kiếm sự ổn định ở nước láng giềng.