Mấy ngày nay, dư luận rất quan tâm ý kiến về việc xóa bỏ trường chuyên và nên cho con em mình học trường chuyên hay trường không chuyên. Vấn đề này đặt ra đúng thời điểm hàng triệu học sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển cam go, nên “sức nóng” càng lớn.
Thiết nghĩ, là 1 người có công tác trong lĩnh vực giáo dục, tôi nghĩ cũng cần có vài ý kiến trao đổi, xem như rộng đường dư luận cho phụ huynh và học sinh tham khảo, trước khi ra quyết định chọn kiểu trường nào, một quyết định ít nhiều có ảnh hưởng đến tương lai của các em học sinh.
Trước hết, tất cả chúng ta hầu như ai cũng đều thừa nhận rằng, trong lịch sử giáo dục nước nhà, hệ thống các trường chuyên đã có những đóng góp to lớn. Nhiều thế hệ học sinh được học tập ở các trường chuyên hiện nay đã thành đạt, trở thành lực lượng trí thức tiêu biểu, góp phần đưa đất nước phát triển, hội nhập.
Một đoạn trong bài viết Văn của 1 em học sinh lớp 9 ở Long Xuyên, tỉnh An Giang - Ảnh: Trương Chí Hùng
Song, trong thời gian gần đây, việc quản trị và vận hành các trường chuyên cũng đã bắt đầu xuất hiện những bất cập. Các ý kiến đóng góp của dư luận không hẳn là muốn xóa bỏ trường chuyên, chẳng qua là muốn chúng ta nhìn nhận lại một cách toàn diện, từ đó có sự điều chỉnh kịp thời nhằm khắc phục những yếu kém cục bộ, phát huy thế mạnh đã có, để tiếp tục khẳng định giá trị của trường chuyên trong thời đại mới.
Hồi học phổ thông, tôi không được học trường chuyên, chỉ học 1 ngôi trường cấp 3 bình thường ở huyện. Bởi vậy, khi lên thành phố học đại học, được tiếp xúc với mấy bạn xuất thân từ trường chuyên, tôi thấy cũng hơi mặc cảm, vì sợ mình thua kém bạn bè. Các bạn học trường chuyên thỉnh thoảng cũng có kể rằng thời phổ thông được học những kiến thức mà các trường đại trà không được học, được nhận những khoản ưu đãi mà chỉ “dân chuyên” mới có.
Nghe các bạn kể vậy, tôi cũng kể là tôi chỉ học chương trình bình thường, mỗi ngày học 1 buổi, còn 1 buổi chúng tôi đi cắt lúa, đi tát cá, đi cắm câu. Những khi rảnh rỗi thì cả lớp rủ nhau đi tắm đồng, bẻ cà na hay nấu chè ăn. Tôi không được học chương trình gì đặc biệt nhưng chúng tôi có nhiều thời gian để chơi đùa, để làm việc tiếp gia đình. Kiến thức tôi lĩnh hội được từ thầy cô cũng rất phong phú, bằng chứng là tôi cũng thi đậu được vào đại học như các bạn trường chuyên.
Khi nghe tôi kể như thế, nhiều bạn trường chuyên bảo tôi may mắn vì có tuổi thơ sinh động, còn các bạn thì chủ yếu phải “cày” trong các lò luyện thi và các chương trình học nâng cao, học vượt. Nghe bạn nói chuyện học vượt, tôi mới chực nhớ ra, là năm lớp 12 khi tôi đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh, có 1 bạn ngồi bàn phía trên tôi, mặc áo trường chuyên đàng hoàng. Tôi hỏi bạn học lớp 12 chuyên Văn phải không (vì tôi có quen 1 bạn lớp 12 chuyên Văn nên hỏi thử). Bạn trả lời là chỉ mới học lớp 11 chuyên Văn thôi.
Tôi chưng hửng, bảo học sinh lớp 11 sao đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh được, vì kỳ thi này giới hạn chương trình là từ lớp 10 đến lớp 12 luôn mà. Bạn nói tỉnh bơ, là học sinh trường chuyên chỉ học đến nửa năm lớp 11 là học xong chương trình phổ thông luôn, thậm chí còn học kỳ nữa. Bạn cũng học xong chương trình lớp 12 lâu rồi.
Hóa ra, học sinh trường chuyên được gia tăng “năng suất học tập”, phải học gấp đôi học sinh các trường thông thường. Không biết có nghiên cứu nào cho thấy điều này là phi khoa học hay không, nhưng nếu bắt tôi học như thế, tôi sẽ không kham nổi vì “quá tải”. Sau này, thằng cháu tôi cũng mê trường chuyên nên thi vào. Tôi để ý thấy, ngày nào cháu cũng đi học sớm và về muộn. Khi đi thì mặt mày bơ phờ vì ngủ không đủ giấc, tối về thì cũng tỏ ra rất mệt mỏi vì học cả một ngày dài.
Tôi hỏi chương trình thế nào mà cháu học cực dữ vậy. Cháu nói học như vậy còn chưa bằng các bạn, vì cháu không có trong đội thi học sinh giỏi, chớ các bạn trong đội học sinh giỏi thì học vất vả hơn nhiều. Cháu tôi còn nói, nhiều bạn theo đội tuyển học sinh giỏi phải luyện thi vất vả quá nên chịu không nổi, đã phải xin bỏ đội. Có bạn xin không được thì chủ động làm bài thi kém ở vòng thi cấp trường hay tỉnh, để khỏi phải thi cấp quốc gia, khỏi thi Olympic.
Cơ sở vật chất của trường chuyên được trang bị tốt hơn - Ảnh: Trương Chí Hùng
Tôi cũng là người đi dạy học, nhưng nhìn cháu mình học hành như thế thì xót quá. Nghĩ bụng, không biết những kiến thức cháu học mai này có giúp cháu thi đỗ vào 1 trường đại học danh giá hay không, hoặc có giúp cho cuộc sống cháu tốt hơn hay không, nhưng thấy cháu cứ “cày” hết lớp này đến lớp khác, nhìn cháu về nằm ngủ mê mệt mỗi đêm như vậy, thấy tội quá trời.
Tôi không biết tình hình dạy và học các môn khác như thế nào, riêng môn Ngữ văn thì tôi có dạy cho các em học sinh cấp 2, có ôn luyện cho các em để các em thi vào trường chuyên. Có điều, tôi thấy lạ là nhiều em hồi cấp 2 viết văn tốt lắm, vừa có ý tứ vừa bay bổng giàu cảm xúc. Sau này, các em đó học trường chuyên, đến năm lớp 12 xin vào học lớp tôi để luyện thi đại học, thì tôi đọc văn các em thấy cũng đủ ý tứ nhưng rất thiếu cảm xúc, không còn dạt dào chất văn.
Hỏi mãi, các em mới rụt rè bảo, giáo viên của các em yêu cầu viết phải đúng khuôn mẫu, phải đưa bằng được ý này ý nọ vào bài, nếu không là mất điểm. Giáo viên còn yêu cầu các em phải có những “chiêu trò” để bài văn đạt điểm cao. Tôi nghe các em kể như thế thì buồn lắm. Những điều tôi dạy các em về việc tư duy sáng tạo, suy nghĩ độc đáo và thoát ly văn mẫu giờ đây vì các kỳ thi của trường chuyên lớp chọn mà các em hầu như không còn giữ được nữa.
Có thể, bài làm của các em sẽ đạt điểm cao trong các kỳ thi, nhưng đó không phải là cảm xúc thật của các em. Các em có thể đạt giải trong một kỳ thi chọn học sinh giỏi, kỳ thi Olympic, nhưng các em khó có thể yêu văn chương được.
Từ những câu chuyện đó, tôi nghĩ rằng, 1 ngôi trường dù chuyên hay không chuyên gì, chúng ta cũng nên nghĩ đến chuyện giáo dục học sinh một cách toàn diện trên tinh thần khai phóng. Sự sáng tạo của học sinh ở tuổi đến trường sẽ là nền tảng bước đầu cho những phát kiến có giá trị trong tương lai. Nếu chúng ta mãi gò ép học sinh vào một kiểu tư duy khuôn khổ, những chiêu trò thực dụng để đạt giải trong các kỳ thi, để lập thành tích, thì đó là một kiểu giáo dục rất đáng lo ngại. Tư duy thực dụng ấy biết đâu sẽ theo các em trong cuộc đời, và tạo ra sự méo mó về tính cách.
Dân gian có câu nói vui, nhưng nghĩ lại thấy cũng thấm thía: “Học mà không chơi đánh rơi tuổi trẻ/ chơi mà không học bán rẻ tương lai”. Câu ấy là nói về việc dung hòa giữa chuyện “học” và chuyện “chơi”, hay suy rộng ra là giữa giáo dục tri thức và các hoạt động ngoại khóa, các chương trình dã ngoại thực tế hoặc chí ít là cho học sinh còn thời gian để các em có thể nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng.
Chúng ta thấy, nhiều trường chuyên bây giờ đang quá đặt nặng vấn đề “học” mà chưa chú trọng chuyện cho học sinh “chơi”. Các em phải chạy đua với chuyện học vượt, học nâng cao, phải chạy theo các kỳ thi, chạy theo điểm số mà ít các hoạt động trải nghiệm. Dần dà, các em trở thành những người có kiến thức hàn lâm nhưng lại thiếu những kiến thức cơ bản của thực tế; các em có thể học rất giỏi nhưng thể trạng không được tốt, thị lực giảm sút...
Một góc Trường chuyên Thủ Khoa Nghĩa ở TP.Châu Đốc, An Giang - Ảnh: Trương Chí Hùng
Cuối cùng, tôi vẫn mong chúng ta nghĩ đến một điều, rằng chuyện học tập để có tri thức thì ngày nay đã thuận lợi hơn nhiều so với trước kia. Nghĩa là, nếu ai thực sự muốn học thì có nhiều cách thức để học, để có kiến thức cho bản thân. Hơn nữa, bậc học phổ thông chưa phải là bậc học đào tạo những kiến thức hàn lâm chuyên ngành, nó chỉ nên phát hiện và định hướng cho người học thôi.
Muốn dạy và học chuyên sâu thì nên để các bậc học cao hơn đảm trách, như bậc đại học và sau đại học chẳng hạn. Chúng ta đừng quá nôn nóng đào tạo chuyên sâu nâng cao ở bậc học phổ thông, mà cướp mất đất quãng thời gian rất đẹp của tuổi học trò. Tuổi ấy, các em nên được học và chơi, được sống đúng như cái “tuổi ăn tuổi lớn”. Sau này thiếu kiến thức thì học bổ sung được, chớ mất đi tuổi thơ rồi thì chẳng bao giờ tìm lại được nữa đâu.
Trương Chí Hùng