Chỉ trong tháng 12.2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm gần 520.000 tỉ đồng, chiếm xấp xỉ 1/3 tổng mức tăng thêm của cả năm 2023.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Mặt bằng lãi suất thấp nhất 20 năm, tín dụng chảy mạnh vào nền kinh tế

Tuyết Nhung 13:34 03/01/2024

Chỉ trong tháng 12.2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm gần 520.000 tỉ đồng, chiếm xấp xỉ 1/3 tổng mức tăng thêm của cả năm 2023.

img_20240103_105748.jpg
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú chủ trì họp báo sáng nay (3.1) - Ảnh: TN

Chia sẻ tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng sáng nay (3.1), Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết tính đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt khoảng 13,5% so với năm 2022.

Theo Phó thống đốc, mức tăng trưởng tín dụng này vẫn chưa đạt định hướng 14 - 15% mà NHNN đặt ra từ đầu năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh cầu tín dụng thấp của cả năm 2023, đây vẫn là mức tăng trưởng khả quan.

Mức tăng trưởng tín dụng kể trên cũng đóng góp vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khoảng 5% (thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức tăng cao trên thế giới), đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

"Mức tăng trưởng kể trên cũng đã tương đương với việc ngành ngân hàng cung ứng thêm cho nền kinh tế khoảng 1,5 triệu tỉ đồng năm vừa qua, cũng là con số rất lớn", Phó thống đốc nhấn mạnh.

Trong năm 2024, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng ở mức 15% và được giao toàn bộ ngay từ đầu năm. Với mức tăng trưởng tín dụng này, tương đương sẽ có khoảng 2 triệu tỉ đồng được cung ứng ra nền kinh tế qua kênh cho vay của hệ thống ngân hàng.

Phó thống đốc còn nhấn mạnh: "Đây là mức tăng trưởng định hướng và sẽ có điều chỉnh theo tình hình thực tế thị trường. Nếu cầu tín dụng tốt, nhu cầu vốn nền kinh tế cao, mức tăng trưởng tín dụng có thể là 16% chứ không chỉ 15%".

Trước đó, theo số liệu tính đến ngày 30.11 của NHNN, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỉ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022, thấp hơn so với cùng kỳ các năm. Như vậy, chỉ trong 4 tuần cuối tháng 12, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm gần 520.000 tỉ đồng, chiếm xấp xỉ 1/3 tổng mức tăng thêm của cả năm 2023.

Về tình hình lãi suất hiện nay, ông Tú cho biết mặt bằng lãi suất hiện nay đã về mức thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Đến nay, lãi suất cho vay ở tất cả các kỳ hạn, thuộc mọi lĩnh vực đều giảm. Trong đó, lãi suất cho vay thuộc các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ chỉ còn dưới 4%/năm.

"Lãi suất giảm về mức thấp nhất trong 20 năm vừa qua. Nhiều ngân hàng thương mại nói lãi suất không thể thấp hơn được nữa. Tinh thần chỉ đạo của NHNN là các ngân hàng vẫn tích cực tiết kiệm chi phí để lấy cơ sở hỗ trợ nền kinh tế. Về mặt điều hành, NHNN không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024. Ngoài ra, điều hành lãi suất còn phải dựa trên diễn biến kinh tế thế giới và các cân đối vĩ mô lớn", Phó thống đốc Đào Minh Tú nói.

Theo NHNN, đến cuối năm 2023, lãi suất VND qua đêm trên thị trường liên ngân hàng ở mức 0,2 - 0,5%/năm. Lãi suất huy động mới bình quân của toàn hệ thống là 3,5%/năm. Lãi suất bình quân cho vay mới là 6,7%/năm.

Nhận định kinh tế năm 2024 còn nhiều khó khăn nên NHNN dự kiến kéo dài chính sách giãn, hoãn nợ cho người dân và doanh nghiệp theo Thông tư 02 trong năm 2024. "Nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp như giãn, hoãn nợ... rất có ý nghĩa cho cả ngân hàng thương mại lẫn doanh nghiệp, khách hàng vay vốn. Nếu đến ngày 30.6.2024, nền kinh tế, doanh nghiệp vẫn cần chính sách giãn hoãn nợ thì chúng tôi sẽ kéo dài thời hạn thực hiện Thông tư 02", ông Tú cho biết.

Lãnh đạo NHNN nhấn mạnh thêm, nhà điều hành sẽ cân đối để một mặt khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế nhưng cũng đảm bảo nợ xấu được phản ánh khách quan, tránh nợ xấu âm ỉ trong nền kinh tế.

Năm 2024, bên cạnh việc điều hành hiệu quả lãi suất, tỷ giá và tăng trưởng tín dụng, NHNN sẽ quyết liệt hơn trong xử lý ngân hàng yếu kém. Theo ông Đào Minh Tú, đến nay hệ thống ngân hàng được đảm bảo an toàn. Tất cả các ngân hàng 0 đồng, ngân hàng SCB đang hoạt động ổn định.

Riêng trường hợp SCB, ông Tú cho biết đây là lần đầu tiên có ngân hàng yếu kém quy mô lớn. Do đó, NHNN sẽ xử lý từng bước. "Bước đầu chúng tôi đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, duy trì hoạt động ổn định của ngân hàng. Lộ trình năm 2024 sẽ quyết liệt hơn trong xử lý ngân hàng yếu kém", ông Tú nói.

Bài liên quan
Vietcombank ra mắt thẻ tín dụng Vietcombank Visa Infinite - dấu ấn tinh hoa đích thực
Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa ra mắt thẻ tín dụng cao cấp Vietcombank Visa Infinite với bộ đôi thiết kế thẻ độc đáo, tuyệt mỹ. Sự kiện này một lần nữa khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực thẻ của Vietcombank tại Việt Nam, là dấu ấn quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm thành lập ngân hàng (1963 - 2023).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội với ông Vương Đình Huệ
một giờ trước Theo dòng thời sự
Quốc hội đã bỏ phiếu kín, thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội với ông Vương Đình Huệ tại kỳ họp bất thường thứ 7 Quốc hội khóa 1 chiều 2.5.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mặt bằng lãi suất thấp nhất 20 năm, tín dụng chảy mạnh vào nền kinh tế