Một người phụ nữ ở Hà Nội bị mất hơn 400 triệu đồng khi tham gia làm cộng tác viên nghe nhạc tăng lượt view cho ca sĩ.
Theo thông tin từ Công an TP.Hà Nội, mới đây, Công an quận Ba Đình điều tra một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân trong vụ án này đã chuyển hơn 400 triệu đồng cho kẻ lừa đảo.
Cụ thể, vào ngày 13.3, Công an phường Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) tiếp nhận đơn trình báo của chị T. (SN 1982, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo chị T., ngày 10.3, chị có nhận được điện thoại mời tham gia làm cộng tác viên nghe nhạc tăng lượt view, lượt like cho ca sĩ; khi làm sẽ nhận được từ 100.000 - 200.000 đồng qua ứng dụng Telegram.
Chị T. tin tưởng nên làm theo yêu cầu của chúng, sau đó chị phát hiện ra chiêu trò lừa đảo nên đã đến cơ quan công an trình báo. Tổng số tiền chị đã chuyển vào tài khoản do kẻ lừa đảo yêu cầu là hơn 400 triệu đồng.
Không chỉ có chị T. là nạn nhân của những chiêu thức lừa đảo, thời gian qua nhiều người cũng đã trở thành nạn nhân, bị mất rất nhiều tiền trước hàng loạt mánh khóe lừa đảo qua mạng xã hội, điện thoại… Phía cơ quan chức năng đã thống kê và thông báo tới người dân cần cảnh giác trước hơn 15 thủ đoạn lừa đảo phổ biến hiện nay.
Cụ thể, kẻ lừa đảo thường giả danh cơ quan pháp luật, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào số tài khoản được cung cấp để phục vụ công tác điều tra. Giả danh nhân viên ngân hàng hướng dẫn cung cấp phần mềm rồi lấy thông tin, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.
Ngoài ra, bọn chúng còn sử dụng chiêu thức lừa đảo mạo danh công ty tài chính cung cấp khoản vay tiền lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, yêu cầu nạn nhân đóng phí vay rồi chiếm đoạt.
Chưa hết, hình thức lừa đảo mà nhiều người gặp phải chính là bị khủng bố điện thoại. Kẻ xấu sẽ gọi điện khủng bố đòi nợ người vay và cả bạn bè, người thân của người vay…
Ngoài những hình thức lừa đảo trên, cơ quan chức năng còn đề nghị người dân cần cảnh giác trước các chiêu thức như: mua hàng trực tuyến, giả danh cán bộ xử lý giao thông, tuyển cộng tác viên, lừa nâng cấp SIM 4G, hack Facebook hoặc Zalo…
Công an TP.Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của kẻ xấu. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau nhằm kiểm chứng tính chính xác.
Công an TP.Hà Nội nhấn mạnh, người dân không nên chuyển tiền cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ về họ; tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai; gọi điện thoại xác nhận khi có người nhắn tin mượn tiền. Đặc biệt, người dân cần lưu ý cơ quan nhà nước không làm việc qua điện thoại.
Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý kẻ vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Bộ TT-TT cũng đã gửi tin nhắn tới các thuê bao, đề nghị người dân nâng cao cảnh giác trước những thông tin giả mạo, lừa đảo trên internet.
Trước khi sử dụng dịch vụ, giao dịch trên internet, Bộ TT-TT khuyên người dùng nên tra cứu thông tin về website mà bản thân truy cập bằng hình thức nhắn tin miễn phí theo cú pháp: TCTM