Nhà khoa học kiêm nghệ sĩ Andrew Parker đã phát triển ra một công nghệ tân tiến về màu sắc mang tính đột phá trong tương lai.

Màu tinh khiết - Tương lai của nghệ thuật bảo vệ môi trường

Đan Thuỳ | 09/06/2021, 12:03

Nhà khoa học kiêm nghệ sĩ Andrew Parker đã phát triển ra một công nghệ tân tiến về màu sắc mang tính đột phá trong tương lai.

Nghệ thuật và khoa học dường như là hai mảng đối lập nhau. Một mảng thì thiên về sự sáng tạo, bay bổng, mảng còn lại thì cần một sự chính xác tuyệt đối. Thế nhưng một công nghệ mới mang tên Màu tinh khiết (Pure Structural Colour) được mệnh danh là màu sáng nhất trên thế giới được giới thiệu trong một buổi triển lãm độc đáo gần đây đã cho thấy sự kết hợp giữa hai lĩnh vực này sẽ tạo nên một cuộc cách mạng.

Màu tinh khiết được tạo ra từ cấu trúc nano, các hạt nhỏ phản xạ và tán xạ ánh sáng được dùng để tái tạo các màu sắc có trong tự nhiên. Nó được phát triển bởi Lifescaped, một phòng thí nghiệm và studio do nhà khoa học kiêm nghệ sĩ Andrew Parker thành lập. Trong tháng này, các tác phẩm nghệ thuật được tạo nên bởi công nghệ này đã lần đầu tiên được trưng bày trước công chúng tại Anh.

http___cdn.cnn.com_cnnnext_dam_assets_210603015326-05-pure-structural-color-exhibit-kew-gardens.jpg
Một tác phẩm nghệ thuật kính vạn hoa mang tên Thành phần của ánh sáng mặt trời của Parker - Ảnh: CNN

Parker bắt đầu say mê những màu sắc có trong tự nhiên khi nghiên cứu các sinh vật biển ở Úc vào những năm 1990. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn: “Nếu chúng ta nhìn vào những sinh vật nhỏ nhất của rạn san hô dưới kính hiển vi, chúng ta có thể thấy những màu sắc đáng kinh ngạc nhất, sáng hơn nhiều so với sắc tố. Khi bạn nhìn chúng dưới kính hiển vi, bạn có thể thấy các cấu trúc nhỏ tương tác với ánh sáng để tạo ra những màu này”.

Màu sắc sặc sỡ của các sinh vật sống thường được tạo ra bởi các cấu trúc tế bào cực nhỏ có thể tương tác với ánh sáng để tạo ra hiệu ứng quang học "chói lọi". “Nghệ thuật và khoa học thực sự đã được kết hợp với nhau bởi màu sắc. Chúng tôi đang sử dụng vật lý để điều khiển và tinh chỉnh các sắc thái của màu sắc mà chúng tôi có thể tạo ra”, Parker nói.

http___cdn.cnn.com_cnnnext_dam_assets_210603015320-02-pure-structural-color-exhibit-kew-gardens.jpg

Một trong những cách để Parker phát triển Màu tinh khiết là ở dạng các mảnh nhỏ trong suốt. Chúng có thể được trộn với một công thức sơn màu và polyme phân hủy sinh học để tạo ra các hiệu ứng hình ảnh khác nhau, chẳng hạn như màu sắc tươi sáng mạnh mẽ, màu sắc óng ánh dường như được thay đổi khi nhìn ở các góc độ khác nhau.

http___cdn.cnn.com_cnnnext_dam_assets_210603015322-03-pure-structural-color-exhibit-kew-gardens.jpg

“Việc tái tạo lại màu sắc cấu trúc mà chúng ta tìm thấy trong tự nhiên đặc biệt thú vị, bởi chúng ta tận dụng lợi thế của hàng triệu năm tiến hóa để tạo ra công nghệ gần như hoàn hảo để thực hiện công việc này”, Parker nói thêm.

Bên cạnh đó Parker cũng cho biết Màu tinh khiết ít gây hại cho môi trường hơn hầu hết các loại thuốc nhuộm và chất tạo màu.

Sơn dầu và acrylic có bán trên thị trường được tạo thành từ các loại bột màu nhỏ, để đảm bảo chúng có thể phủ kín trên một bề mặt nhất định, các nhà sản xuất thêm dung môi hóa học, nhựa và các chất phụ gia khác hỗ trợ quá trình làm khô.

Khi các loại sơn này khô, chúng sẽ giải phóng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi như benzen, formaldehyde và aceton. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ công nhận sơn và vecni là nguồn gây ô nhiễm không khí phổ biến. Việc tiếp xúc ngắn hạn và dài hạn với những hóa chất này đều có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe như dị tật bẩm sinh và ung thư.

Ngoài tác động đến sức khoẻ con người, một số loại sơn trên thị trường còn có hại cho môi trường.

Một nghiên cứu năm 2014 do Cơ quan Môi trường Na Uy thực hiện cho thấy các hạt sơn làm từ nhựa thường được áp dụng cho vỏ tàu và các toà nhà, đây là nguồn ô nhiễm vi nhựa lớn thứ hai trên thế giới.  Ngược lại, công nghệ Màu tinh khiết khuếch tán tự nhiên và phủ đều trên các bề mặt nên sẽ không cần hóa chất. Màu sắc của công nghệ này thường được tạo ra bằng cách sử dụng silicon dioxide, một hợp chất phân hủy sinh học được tìm thấy trong tự nhiên. Công nghệ này còn có thể giúp giảm lượng khí thải carbon.

“Bản thân loại sơn được sản xuất theo công nghệ mới này thường có trọng lượng nhẹ, vì vậy nó có lợi cho mục đích thương mại. Nếu ta thay thế các loại sơn dùng để sơn máy bay phản lực bằng màu công nghệ mới này sẽ tiết kiệm được khoảng một tấn trọng lượng, điều này khá đáng kể đối với chi phí nhiên liệu”.

http___cdn.cnn.com_cnnnext_dam_assets_210603015324-04-pure-structural-color-exhibit-kew-gardens.jpg
Lifescaped đang phát triển một loạt các sản phẩm sử dụng công nghệ Màu cấu trúc tinh khiết - Ảnh: CNN

Mặc dù công nghệ Màu tinh khiết vẫn chưa được bán trên thị trường nhưng phòng thí nghiệm Lifescaped đang làm việc với nhiều công ty khác nhau để sản xuất sơn và hy vọng nó sẽ được bán đại trà trên thị trường trong năm tới.

Tuy nhiên, Parker còn muốn công chúng đến thăm quan triển lãm sẽ suy nghĩ sâu sắc hơn về sức mạnh thiên nhiên và con người có thể học được nhiều điều từ nó.

“Thiên nhiên rất có giá trị và chúng ta cần phải làm nhiều điều hơn nữa để bảo vệ. Có rất nhiều điều mà chúng ta có thể học hỏi được bằng cách nhìn vào thiên nhiên. Với sự nỗ lực, chúng ta có thể đưa ra nhiều giải pháp bền vững hơn trong tương lai”, Parker chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Màu tinh khiết - Tương lai của nghệ thuật bảo vệ môi trường