Lực lượng an ninh Myanmar đã nổ súng tại một đám tang hôm 28.3 khi người dân trên khắp đất nước tụ tập để thương tiếc 114 người thiệt mạng 1 ngày trước đó trong cuộc đàn áp biểu tình đẫm máu nhất kể từ cuộc đảo chính quân sự đầu tháng trước.

Quân đội Myanmar nổ súng tại đám tang, không kích nhóm nổi dậy thứ hai, 3.000 người chạy sang Thái Lan

Nhân Hoàng | 28/03/2021, 21:23

Lực lượng an ninh Myanmar đã nổ súng tại một đám tang hôm 28.3 khi người dân trên khắp đất nước tụ tập để thương tiếc 114 người thiệt mạng 1 ngày trước đó trong cuộc đàn áp biểu tình đẫm máu nhất kể từ cuộc đảo chính quân sự đầu tháng trước.

Ba người dân trong thị trấn kể với Reuters rằng nhiều người chạy trốn khỏi vụ xả súng ở thành phố Bago tại nơi tổ chức đám tang cho Thae Maung Maung, sinh viên 20 tuổi bị bắn chết khi phản đối đảo chính.

Trong khi chúng tôi hát bài cách mạng cầu nguyện cho anh ta, lực lượng an ninh vừa đến và bắn vào chúng tôi. Nhiều người, bao gồm cả chúng tôi, bỏ chạy khi họ nổ súng”, người phụ nữ tên Aye, có mặt tại đám tang, cho biết.

quan-doi-myanmar-no-sung-trong-dam-tang-khong-kich-nhom-noi-day-thu-2.jpg
quan-doi-myanmar-no-sung-trong-dam-tang-khong-kich-nhom-noi-day-thu-23.jpg
quan-doi-myanmar-no-sung-trong-dam-tang-khong-kich-nhom-noi-day-thu-233.jpg
Nhiều người thương tiếc khi tham dự lễ tang của Kyaw Win Maung, sinh viên bị bắn chết trong cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự, ở Mandalay, Myanmar ngày 28.3

Ba người đã thiệt mạng trong các vụ xả súng khác hôm 28.3 và hàng ngàn dân làng ở khu vực biên giới đã chạy sang Thái Lan sau các cuộc không kích của quân đội Myanmar vào nhóm vũ trang người thiểu số Karen, các nhân chứng và truyền thông địa phương cho biết. Hành động này diễn ra sau khi phe Liên minh Quốc gia Karen 
(KNU) trước đó thông báo đã tràn qua một đồn quân đội Myanmar gần biên giới với Thái Lan, giết chết 10 người.

Một người chết khi quân đội nổ súng trong đêm vào nhóm người biểu tình gần Thủ đô Naypyitaw, Myanmar.

Trang Myanmar Now đưa tin đã có một số cuộc biểu tình hôm 28.3 ở vùng Sagaing gần Mandalay, thành phố thứ hai Myanmar.

Không có báo cáo nào về các cuộc biểu tình quy mô lớn tại thành phố Mandalay, nơi 40 người đã chết, hoặc Yangon, nơi ít nhất 27 người thiệt mạng, vào Ngày Lực lượng Vũ trang Myanmar (27.3).

Ít nhất 6 trẻ em và thiếu niên từ 10 đến 16 tuổi nằm trong số những người thiệt mạng hôm 27.3, theo các bản tin và các nhân chứng. Những người biểu tình gọi các nạn nhân là "những ngôi sao ngã xuống".

Cuộc đàn áp đẫm máu của quân đội Myanmar lại bị phương Tây lên án. Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Myanmar - Tom Andrews cho biết quân đội Myanmar đang thực hiện "vụ giết người hàng loạt", kêu gọi thế giới cô lập họ và ngừng tiếp cận vũ khí.

Những lời chỉ trích nước ngoài và các biện pháp trừng phạt do một số quốc gia phương Tây áp đặt cho đến nay đã không thể lay chuyển được các tướng lĩnh Myanmar, cũng như các cuộc biểu tình diễn ra hàng ngày trên khắp đất nước kể từ khi quân đội nắm quyền và bắt giữ nhà lãnh đạo được bầu Aung San Suu Kyi.

Chúng tôi chào mừng những anh hùng của chúng tôi, những người đã hy sinh mạng sống trong cuộc cách mạng này và chúng tôi phải chiến thắng cuộc cách mạng này”, một trong những nhóm phản đối đảo chính, Ủy ban Tổng đình công các Dân tộc (GSCN), đăng trên Facebook.

Các cuộc giao tranh ác liệt cũng nổ ra giữa quân đội và một số trong 20 nhóm vũ trang dân tộc đang kiểm soát các vùng đất của đất nước.

Khoảng 3.000 người đã chạy sang nước láng giềng Thái Lan sau khi máy bay phản lực quân sự ném bom vào các khu vực do lực lượng dân quân Liên minh Quốc gia Karen (KNU) kiểm soát gần biên giới trong cuộc không kích gần biên giới, một nhóm hoạt động và truyền thông địa phương cho biết.

Trong cuộc không kích của quân đội hôm 27.3, ít nhất 3 thường dân đã thiệt mạng tại một ngôi làng do KNU kiểm soát. Lực lượng dân quân KNU trước đó cho biết đã tràn vào một đồn quân sự gần biên giới và giết 10 người.

Giao tranh cũng nổ ra hôm 28.3 giữa một nhóm vũ trang khác là Quân đội Độc lập Kachin và quân đội Myanmar ở khu vực khai thác ngọc bích ở thị trấn Hpakant phía bắc Myanmar. Lực lượng Kachin đã tấn công một đồn cảnh sát và quân đội đáp trả bằng cuộc không kích. Chưa có báo cáo về thương vong.

Một phát ngôn viên quân đội Myanmar đã không trả lời các cuộc gọi tìm kiếm bình luận về các vụ giết người hoặc giao tranh.

Thống tướng Min Aung Hlaing cho biết trong cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày Lực lượng Vũ trang rằng quân đội sẽ bảo vệ người dân và phấn đấu cho dân chủ.

Số dân thường được báo cáo thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính lên hơn 443 người.

Mỹ, Anh, Đức và Liên minh châu Âu đã lên án mạnh mẽ vụ bạo lực.

Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên tại bang Delaware: “Thật là khủng khiếp, thật là tàn nhẫn. Dựa trên báo cáo, tôi biết được rất nhiều người đã bị giết một cách hoàn toàn không cần thiết".

Nhà ngoại giao hàng đầu của EU - Josep Borrell đã kêu gọi các tướng lĩnh của Myanmar từ bỏ cái mà ông gọi là "con đường vô nghĩa" bạo lực chống lại người dân.

Josep Borrell cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng các cơ chế của Liên minh Châu Âu, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt, để nhắm vào những thủ phạm gây ra bạo lực này và những người chịu trách nhiệm quay ngược đồng hồ trên con đường dân chủ và hòa bình của Myanmar”.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức - Heiko Maas cho biết trên Twitter: "Chúng tôi sẽ không dung thứ cho hành động tàn bạo của quân đội với người dân Myanmar".

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc - Tom Andrews nói chính quyền quân sự Myanmar nên bị cắt khỏi các nguồn tài trợ, chẳng hạn như nguồn thu từ dầu khí và quyền tiếp cận vũ khí.

Những lời lẽ lên án hoặc sự lo ngại của người dân Myanmar trở nên vô nghĩa trong khi quân đội chính thức phạm tội giết người hàng loạt với họ”, ông cho hay.

Cố vấn đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Phòng chống Diệt chủng - Alice Wairimu Nderitu và Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc - Michelle Bachelet gọi các vụ giết người là “những hành động tàn bạo, hèn nhát, đáng xấu hổ của quân đội và cảnh sát, những người đã được quay video bắn vào người biểu tình khi họ chạy trốn, và thậm chí còn không tha cho trẻ nhỏ”.

Tổng tham mưu trưởng Mỹ và 12 người đồng cấp ở nước khác cho biết tuyên bố chung rằng một quân nhân chuyên nghiệp phải tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế về ứng xử “và có trách nhiệm bảo vệ, không làm tổn hại, những người mà họ phục vụ”.

Quân đội Myanmar lên nắm quyền vì viện lý do cuộc bầu cử tháng 11.2020 mà đảng Liên minh Dân chủ vì Quốc gia (NLD) của bà Suu Kyi giành chiến thắng là gian lận, một khẳng định đã bị ủy ban bầu cử đất nước bác bỏ.

Bà Suu Kyi vẫn bị giam giữ tại một địa điểm không được tiết lộ. Nhiều nhân vật khác trong NLD của bà cũng đang bị giam giữ.

Bài liên quan
114 người biểu tình Myanmar chết trong Ngày Lực lượng Vũ trang, nhóm nổi dậy tấn công quân đội ở biên giới
Lực lượng an ninh Myanmar đã giết chết 114 người, gồm cả một số trẻ em, trong cuộc đàn áp tàn bạo nhằm vào những người biểu tình ủng hộ dân chủ hôm 27.3, ngày bạo lực đẫm máu nhất kể từ cuộc đảo chính quân sự hồi tháng trước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quân đội Myanmar nổ súng tại đám tang, không kích nhóm nổi dậy thứ hai, 3.000 người chạy sang Thái Lan