Microsoft đạt mức vốn hóa thị trường cao nhất so với bất kỳ công ty nào cho đến nay với hơn 3.100 tỉ USD. Kỷ lục này trước đó đã được Apple thiết lập.
Microsoft đã có vài tháng khá bận rộn. Giờ đây, gã khổng lồ công nghệ ở thành phố Redmond (bang Washington, Mỹ) chính thức đạt được mức vốn hóa thị trường cao nhất mọi thời đại so với bất kỳ công ty nào.
Theo dữ liệu gần đây, Microsoft dưới thời của Giám đốc điều hành Satya Nadella có thêm một tuần chiến thắng nữa khi vốn hóa thị trường hiện đạt 3.125 tỉ USD. Kỷ lục trước đó được thiết lập bởi Apple vào mùa hè 2023 ở mức 3.090 tỉ USD. Apple hiện có vốn hóa thị trường 2.916 tỉ USD, là công ty có giá trị cao thứ hai thế giới.
Cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) phần nào củng cố tên tuổi của Microsoft với tư cách công ty hàng đầu trong lĩnh vực này, dẫn đến những con số ấn tượng vài tháng qua.
Satya Nadella cho biết: “Bằng cách triển khai AI trên mọi tầng lớp công nghệ của mình, chúng tôi đang giành được khách hàng mới và giúp mang lại những lợi ích mới cũng như tăng năng suất trên mọi lĩnh vực”.
Trong quý 4/2023, tổng doanh thu của Microsoft tăng 18% lên mức 62 tỉ USD. Sự tăng trưởng chủ yếu nhờ công ty phát triển AI cho Windows 11, trong đó có trợ lý Copilot, cũng như thương vụ mua lại Activision và thành công của bộ phận game.
Khi Satya Nadella thay thế Steve Ballmer làm Giám đốc điều hành Microsoft vào tháng 2.2014, công ty phần mềm này đã sa lầy vào tình trạng tầm thường với vốn hóa thị trường chỉ hơn 300 tỉ USD. Một thập kỷ sau, vốn hóa thị trường của Microsoft đã tăng gấp 10 lần, vượt qua Apple để trở thành công ty đại chúng có giá trị nhất thế giới.
Microsoft đang có vị thế dẫn đầu vững chắc trong các lĩnh vực quan trọng như đám mây và AI.
Khi đánh dấu kỷ niệm 10 năm nắm quyền của mình, Satya Nadella đã được nhiều người trong ngành công nghệ ca ngợi vì làm thay đổi Microsoft, nơi cổ phiếu từng giảm 30% trong 14 năm mà Steve Ballmer nắm quyền. Dưới thời Steve Ballmer, Microsoft bị Google đánh bại trong lĩnh vực tìm kiếm trên web và di động, đồng thời hoàn toàn tụt hậu trên mạng xã hội.
Theo nhiều nhà phân tích và chuyên gia đầu tư ngành công nghệ, Microsoft được thiết lập để trở thành một thế lực trong tương lai gần phần lớn nhờ vào Satya Nadella.
"Nadella là người đặc biệt và có thể được coi là một trong những CEO vĩ đại nhất trong lĩnh vực công nghệ", theo Aravind Srinivas, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Perplexity - công ty khởi nghiệp AI được Jeff Bezos (người sáng lập Amazon) hậu thuẫn.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn đang chờ đợi Satya Nadella khi muốn giúp Microsoft phát triển hơn nữa.
Các cơ quan quản lý lo ngại về sức mạnh của Microsoft, còn các đối thủ đang ghen tị. Một số khách hàng đang do dự bỏ thêm tiền cho các công cụ AI của Microsoft khi đã phải chi ngân sách cho nhiều sản phẩm khác do công ty cung cấp.
Cùng các hãng công nghệ lớn khác, Microsoft phải đối mặt với tình trạng sa thải hàng loạt thời gian gần đây. Đầu năm 2023, gã khổng lồ phần mềm Mỹ đã công bố sa thải 10.000 nhân viên và tiếp tục loại bỏ 1.900 người trong vào tháng 1.2024.
Một trong những điểm nhức nhối nhất của Microsoft khi Satya Nadella tiếp quản vai trò giám đốc điều hành là tính chất khép kín của các sản phẩm. Microsoft được biết đến là hãng bảo vệ hệ điều hành Windows và bộ phần mềm Office độc quyền của mình, chỉ trích các giải pháp mã nguồn mở. Khả năng tương tác không phải là ưu tiên của Microsoft.
Aaron Levie, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây Box, nói Satya Nadella khiến Microsoft chú ý hơn đến nhu cầu của khách hàng. Hiện hai công ty đã tích hợp nhiều sản phẩm của họ với nhau.
Microsoft cũng thiết lập quan hệ đối tác với một số đối thủ mạnh nhất của mình. Vào năm 2023, Larry Ellison (người đồng sáng lập Oracle) đã đến thăm trụ sở chính của Microsoft ở thành phố Redmond, lần đầu tiên khi hai công ty đưa ra thông báo chung về đám mây.
Trong cuộc phỏng vấn năm 2020, Pat Gelsinger, khi đó là Giám đốc điều hành VMware, cho biết việc cung cấp phần mềm của công ty ông trên đám mây Microsoft Azure giống như một “hiệp ước hòa bình Trung Đông”. Pat Gelsinger hiện là Giám đốc điều hành Intel, công ty sản xuất chip cho máy tính cá nhân chạy Windows và các đám mây như Azure.
Dưới thời Satya Nadella, Microsoft đã đóng góp cho các dự án nguồn mở, phát hành phần mềm theo giấy phép nguồn mở và phiên bản ứng dụng liên lạc Teams cho hệ điều hành Linux.
Satya Nadella khiến nhiều người ngạc nhiên theo những cách khác nhau.
Michael Nathan là giám đốc cấp cao Microsoft cho đến năm 2016, khi ông rời công ty để làm trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm. Sau một cuộc gặp khách hàng ở Thung lũng Silicon, Michael Nathan đã nói với Satya Nadella về cơ hội mới của mình khi quyết định rời Microsoft. Thay vì tức giận hay tạo ra bầu không khí căng thẳng, Satya Nadella khuyến khích Michael Nathan tận dụng những kinh nghiệm tại Microsoft và chia sẻ với mọi người.
“Điều đó thật tuyệt vời. Ông ấy đã giúp tôi hoàn toàn trút bỏ được gánh nặng với cuộc trò chuyện đó”, Michael Nathan kể.
Satya Nadella cũng là người quyết đoán. Năm 2018, chỉ sau 20 phút nghe Nat Friedman - Phó chủ tịch Microsoft khi đó thuyết trình về ý tưởng mua lại GitHub, Satya Nadella đã đồng ý.
Nat Friedman kể rằng ngay lập tức Satya Nadella đề nghị ông trở thành tân Giám đốc điều hành GitHub. Microsoft đã trả 7,5 tỉ USD cho thương vụ mua lại GitHub, nền tảng lưu trữ mã nguồn.
Microsoft từ chối đưa ra bình luận về câu chuyện này.
Khác với Steve Ballmer, Satya Nadella không phải là người phô trương. Steve Ballmer nổi tiếng với những màn nhảy trên sân khấu tại các hội nghị và kích động đám đông hàng ngàn người. Hiện tại, Steve Ballmer là chủ sở hữu đội bóng rổ Los Angeles Clippers ở giải NBA và thường xuyên xuất hiện với những hành động tương tự trên sân đấu.
Dù có thể không mang lại nhiều giá trị giải trí, Satya Nadella đã chứng tỏ mình hiệu quả hơn Steve Ballmer trong việc thực hiện các thỏa thuận mua lại. Ngoài GitHub, Satya Nadella đã thực hiện các thương vụ mua lại đắt giá như LinkedIn, Mojang (công ty mẹ của Minecraft) và Nuance Communications, góp phần vào tăng trưởng doanh thu cho Microsoft. Steve Ballmer không may mắn như vậy.
Dưới thời Steve Ballmer, các thương vụ Microsoft mua lại aQuantive và Nokia đều được cho là thảm họa.
Gần đây hơn, Satya Nadella đã giúp Microsoft đạt được thương vụ mua lại nhà phát hành game Activision Blizzard trị giá 75 tỉ USD. Đây là thương vụ mà nhà đầu tư sẽ mất một thời gian để đánh giá.
Trong lĩnh vực AI, Satya Nadella được ghi nhận vì đầu tư hàng tỉ USD vào công ty khởi nghiệp OpenAI, dẫn đến cải tiến sản phẩm và doanh thu từ đám mây từ cả khách hàng mới lẫn cũ, đồng thời mang lại cho Microsoft vị trí dẫn đầu tại một thị trường mới nổi.
Doanh nhân 56 tuổi người Mỹ gốc Ấn Độ có lẽ được biết đến nhiều nhất trong ngành công nghệ vì đã đưa Microsoft tiến sâu hơn vào lĩnh vực điện toán đám mây. Azure, dịch vụ mang lại mức tăng trưởng doanh thu 30% cho Microsoft trong quý 4/2022, đã được bắt đầu trong những năm dưới thời Steve Ballmer. Thế nhưng, Satya Nadella đã biến Azure thành hiện thực, từ một dự án nghiên cứu thành sản phẩm, theo Kevin Dallas - Giám đốc điều hành công ty phần mềm cơ sở dữ liệu EDB và từng là cựu nhân viên 24 năm ở Microsoft.
Kevin Dallas nói: “Tôi không xấu hổ khi nói rằng coi ông ấy như một nhà lãnh đạo mà tôi đã học hỏi và trưởng thành từ đó. Tôi sẽ tiếp tục theo dõi ông”.