Satya Nadella, Giám đốc điều hành Microsoft, cho biết có nguy cơ thực sự về "việc phá vỡ trật tự thế giới" nếu các quốc gia không đưa ra "Công ước Geneva" trên mạng.
Thế giới số

CEO Microsoft sợ hacker phá vỡ trật tự thế giới nếu không có ‘Công ước Geneva’ trên mạng

Sơn Vân 31/01/2024 22:47

Satya Nadella, Giám đốc điều hành Microsoft, cho biết có nguy cơ thực sự về "việc phá vỡ trật tự thế giới" nếu các quốc gia không đưa ra "Công ước Geneva" trên mạng.

Công ước Geneva là tập hợp các hiệp ước quốc tế thiết lập các tiêu chuẩn pháp lý cho việc đối xử với người bị thương, bệnh tật, bị bắt hoặc thiệt mạng trong chiến tranh. Công ước Geneva được soạn thảo lần đầu tiên vào năm 1864, sau trận Solferino, và sửa đổi nhiều lần kể từ đó.

Công ước Geneva là những tiêu chuẩn pháp lý được công nhận trên toàn cầu và ký kết bởi 196 quốc gia, theo Liên Hợp Quốc.

Công ước Geneva gồm bốn hiệp ước chính:

- Công ước Geneva thứ nhất về cải thiện tình trạng những người bị thương và những người ốm của quân lực tại chiến trường.

- Công ước Geneva thứ hai về cải thiện tình trạng các thương binh, bệnh binh và thủy thủ của các lực lượng hải quân trong chiến tranh.

- Công ước Geneva thứ ba về đối xử với tù nhân chiến tranh.

- Công ước Geneva thứ tư về bảo vệ dân thường trong thời chiến.

Công ước Geneva được áp dụng cho tất cả bên tham gia chiến tranh, bất kể họ là ai hoặc đang chiến đấu vì lý do gì. Nó đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc bảo vệ tính mạng và nhân phẩm của hàng triệu người trong nhiều cuộc xung đột, là một phần quan trọng của luật pháp quốc tế nhân đạo và đóng góp vào việc giảm bớt sự tàn bạo của chiến tranh.

Trong cuộc phỏng vấn trên chương trình NBC Nightly News hôm 31.1, Satya Nadella đã kêu gọi Mỹ, Nga, Trung Quốc đoàn kết và tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công mạng từ các quốc gia thù địch.

Satya Nadella nói ông hy vọng ba cường quốc có thể đạt được thỏa thuận: "Nếu đây là việc các quốc gia tấn công lẫn nhau, đặc biệt là các mục tiêu dân sự, chúng ta đang ở trong một trật tự thế giới hoàn toàn mới. Đó là sự phá vỡ trật tự thế giới, mà tôi nghĩ chúng ta chưa từng chứng kiến trước đây".

Microsoft đã kêu gọi tạo ra một "Công ước Geneva" về mạng trong nhiều năm. Công ty cho biết trong một bài viết chính sách năm 2017: "Thế giới cần các quy tắc quốc tế mới để bảo vệ công chúng khỏi các mối đe dọa từ các quốc gia trong không gian mạng. Nói tóm lại, thế giới cần một Công ước Geneva kỹ thuật số".

ceo-microsoft-so-hacker-pha-vo-trat-tu-the-gioi-neu-khong-co-cong-uoc-geneva-tren-mang.jpg
Satya Nadella kêu gọi Mỹ, Nga, Trung Quốc đoàn kết và tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công mạng từ các quốc gia thù địch - Ảnh: Internet

Bình luận từ Satya Nadella được đưa ra sau khi Microsoft cho biết trong tháng này rằng hacker Nga đã xâm phạm hệ thống của họ và giành được quyền truy cập vào một "tỷ lệ rất nhỏ" tài khoản email công ty.

Một số người trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao Microsoft cùng nhân viên trong các bộ phận gồm an ninh mạng và pháp lý đã bị xâm phạm tài khoản email.

Nhóm hacker Midnight Blizzard (Nga) đã thực hiện cuộc tấn công nhắm mục tiêu vào các tài khoản email Microsoft, không chỉ để truy cập thông tin trong những tài khoản đó mà còn để tìm hiểu về chính bản thân nhóm này, theo Microsoft. Trong quá trình đó, Midnight Blizzard đã thu được "một số email và tài liệu đính kèm".

Bình luận về vụ việc này, Satya Nadella nói với NBC: “Tôi rất vui vì chúng tôi có khả năng phát hiện những gì họ đang làm trên mạng”.

Microsoft không trả lời ngay lập tức câu hỏi tìm kiếm bình luận từ trang Insider.

Hôm 30.1, Microsoft cho biết doanh thu trong quý 4/2023 tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022 và vượt kỳ vọng của các nhà phân tích. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã đặt cược lớn vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) do nhu cầu tăng cao của khách hàng.

Microsoft đã có những bước tiến nhanh khi đầu tư hàng tỉ USD vào OpenAI (chủ sở hữu ChatGPT) và tích hợp AI vào nhiều sản phẩm của hãng trong khi những đối thủ khác chọn cách tiếp cận cẩn trọng hơn.

Công ty phần mềm Mỹ cho biết doanh thu trong quý 4/2023 đạt 62 tỉ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022, và cao hơn mức 61,1 tỉ USD mà các nhà phân tích dự đoán trước đó.

Cuộc cách mạng AI đã giúp Microsoft vượt qua Apple để trở thành công ty có giá trị lớn nhất thế giới với vốn hóa thị trường hơn 3.000 tỉ USD. Giá cổ phiếu Microsoft đã tăng tới 70% so với một năm trước.

Đáng chú ý, doanh thu từ các dịch vụ nền tảng điện toán đám mây Azure của Microsoft đã tăng 30% trong quý 4/2023 nhờ nhu cầu lớn hơn.

Satya Nadella nói Microsoft đã chuyển từ việc chỉ bàn luận về AI sang áp dụng công nghệ này trên quy mô lớn hơn. Ông cho biết việc ứng dụng AI giúp Microsoft giành được khách hàng mới, đồng thời mang lại những lợi ích mới cũng như tăng hiệu suất trên mọi lĩnh vực.

Microsoft và OpenAI đang đàm phán để đầu tư 500 triệu USD vào startup robot hình người

Trang Bloomberg đưa tin Microsoft và OpenAI đang trong quá trình đàm phán để đầu tư lên tới 500 triệu USD vào Figure AI - công ty khởi nghiệp về robot hình người.

Các ông lớn công nghệ đang đàm phán với Figure AI - công ty muốn "triển khai những robot hình người tự hành" trên khắp thế giới.

Một người am hiểu vấn đề này nói với Bloomberg rằng khoản tài trợ có thể định giá Figure AI ở mức 1,9 tỉ USD và biến nó trở thành kỳ lân robot hình người đầu tiên.

OpenAI trước đây đã đầu tư vào một công ty khởi nghiệp robot hình người khác có tên 1X Technologies, theo Bloomberg. Đến nay, 1X Technologies đã huy động được 100 triệu USD và OpenAI dẫn đầu khoản tài trợ vòng Series A trị giá 23,5 triệu USD.

Figure AI được thành lập vào năm 2022 bởi Giám đốc điều hành Brett Adcock, theo trang Axios. Brett Adcock đã xây dựng một nhóm gồm những nhà chế tạo robot hàng đầu từ Tesla và Boston Dynamics – công ty sản xuất ra những robot chó.

Theo Jim Fan - nhà khoa học AI cấp cao của Nvidia, robotics đã sẵn sàng trở thành “điều lớn nhất vào năm 2024” ngoài mô hình ngôn ngữ lớn. Robotics là lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế và xây dựng các robot - thiết bị tự động hoặc bán tự động.

Cuộc đua xây dựng phiên bản robot tiên tiến nhất dường như đang nóng lên trong một thị trường dự kiến trị giá 3.000 tỉ USD vào năm 2050.

Figure AI đã ký kết hợp tác với BMW vào đầu tháng 1.2023, Brett Adcock cho biết trong một bài đăng X. Theo thông cáo báo chí, nhà sản xuất ô tô Đức sẽ thử nghiệm robot hình người tại một nhà máy ở bang Nam Carolina (Mỹ) sau khi xem chúng có thể được sử dụng như thế nào để hỗ trợ sản xuất ô tô.

Trong khi đó, Elon Musk gần đây nói với các nhà đầu tư trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh nhập rằng có "cơ hội tốt" rằng Tesla sẽ bắt đầu giao hàng một số đơn vị robot hình người Optimus của mình vào năm 2025. Thế nhưng, các đối thủ của Tesla như Agility Robotics và Apptronik (Mỹ) đã gần về đích vì đưa robot của họ vào thử nghiệm trong các kho Amazon.

Microsoft, OpenAI và Figure AI không trả lời ngay lập tức câu hỏi của trang Insider về chuyện này.

Bài liên quan
Tesla khoe robot hình người Optimus Gen 2 nhảy nhạc điện tử, squat trong phòng gym
Tesla vừa đăng video cho thấy những cải tiến mà hãng thực hiện với nguyên mẫu robot Optimus hình người. Trong video clip, hai robot nhảy múa theo nhạc điện tử dưới ánh đèn nhấp nháy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CEO Microsoft sợ hacker phá vỡ trật tự thế giới nếu không có ‘Công ước Geneva’ trên mạng