Mang thai được hơn 36 tuần, chị N. (37 tuổi) phát hiện bị đái tháo đường thai kỳ, nguy hiểm nhất là bị tắc hoàn toàn tĩnh mạch khoeo, tĩnh mạch hiển lớn và hiển bé chân trái.
Ngày 25.7, BS.CK2 Trần Ngọc Hải – Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho hay, các bác sĩ ở đây đã thực hiện thành công ca mổ lấy thai, bắt ra một bé trai cân nặng 5,3kg của một sản phụ bị bệnh huyết khối tĩnh mạch. Đây là một trường hợp rất nguy hiểm, bệnh nhân có thể tử vong ngày trên bàn mổ.
Theo đó, trước nhập viện khoảng 1 tháng, chị N.T.N. (37 tuổi, ngụ ở TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát hiện thấy 2 chân sưng; vùng đùi ở chân trái đau nhiều hơn. Bệnh nhân đến khám ở cơ sở y tế địa phương với chẩn đoán bị suy van tĩnh mạch và không can thiệp gì. Bệnh nhân được dặn dò theo dõi và điều trị sau sinh. Sau 2 tuần, chị N. thấy tình trạng chân sưng đau ngày càng nhiều hơn nên đến Bệnh viện Từ Dũ khám và sau đó được nhập viện.
Tại đây, chị N. được các bác sĩ chẩn đoán con trong bụng to, theo dõi vết mổ cũ, huyết khối tĩnh mạch 2 chi dưới/thai 36 tuần 5 ngày. Đây là lần mang thai thứ 3 của chị N. Trong 2 lần trước, có 1 lần bệnh nhân sinh thường, bé cân nặng 3,5kg và 1 lần sinh mổ, bé cân nặng 4,2kg. Hiện cả 2 bé nay đã lớn (16 tuổi và 11 tuổi) nên bệnh nhân chủ động sinh thêm một bé nữa.
Sau khi nhập viện, bác sĩ Hải cho biết, chị N. được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy siêu âm mạch máu phát hiện tắc hoàn toàn tĩnh mạch khoeo, tĩnh mạch hiển lớn và hiển bé chân trái do huyết khối, kèm với tình trạng viêm mô tế bào vùng đùi 2 bên. Bệnh viện Từ Dũ nhanh chóng tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa mạch máu, Bệnh viện Chợ Rẫy yêu cầu sử dụng kháng đông Lovenox và theo dõi sát.
Với tình trạng ghi nhận thai nhi to vượt ngưỡng kèm với tình trạng đa ối, bệnh nhân được theo dõi sát đường huyết đói, đường huyết trước và sau ăn, HbA1C. Các xét nghiệm cho thấy chỉ số cao vượt ngưỡng, nên tiến hành hội chẩn với chuyên khoa nội tiết, Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh nhân được chẩn đoán là đái tháo đường thai kỳ và được điều trị tiêm Insulin (Novomix) sáng và tối.
“Tình trạng viêm mô tế bào ở bệnh nhân tiểu đường thai kỳ thường đáp ứng kém với điều trị, nên bác sĩ phải sử dụng loại kháng sinh mạnh phối hợp để điều trị trong trường hợp này (Vancomycin + Sulbactam) nhằm hy vọng kiểm soát tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, sau 4 ngày điều trị, tình trạng viêm mô tế bào vẫn chưa cải thiện nhiều, chúng tôi tiến hành hội chẩn lại với Chuyên khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định thay đổi 1 loại kháng sinh khác mạnh hơn (Vancomycin + Imipenem), đánh giá đáp ứng sau 48 giờ và có thể tiến hành mổ lấy thai sau 24 giờ. Theo dõi sát nồng độ đáy và nồng độ đỉnh Vancomycin trong máu để chỉnh liều thuốc tốt nhất”, bác sĩ Hải chia sẻ.
Theo bác sĩ Hải, việc mổ lấy thai đối với bệnh nhân N. trong tình trạng trên sẽ đối diện với nguy cơ tử vong. Khi đó, các cục huyết khối này nhanh chóng di chuyển về tim và lên phổi gây thuyên tắc phổi và có thể ngưng tim ngay trên bàn mổ hay bất cứ lúc nào sau đó.
Trước tình hình trên, ngày 19.7, Bệnh viện Từ Dũ đã lên chi tiết, phối hợp chặt chẽ giữa ê kíp sản khoa và gây mê hồi sức tiến hành mổ lấy thai. Bác sĩ đã cho bệnh nhân ngưng sử dụng kháng đông trước mổ 12 giờ để giảm bớt nguy cơ chảy máu không kiểm soát được trong khi mổ.
“Cuộc mổ tiến hành lúc 8 giờ 30 cùng ngày. Sau khi mổ bắt ra 1 bé trai nặng 5,3kg, ê kíp nhanh chóng kiểm soát tình trạng hô hấp, tuần hoàn, tình trạng mất máu, co hồi tử cung. Ca mổ đã thành công tốt đẹp. Cả ê kíp thở phào nhẹ nhõm và vui mừng vì bệnh nhân đã tạm thời vượt qua thời điểm nguy kịch nhất trong thời khắc “vượt cạn” lần này.
Sau mổ 24 giờ, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, không sốt, mạch và huyết áp ổn định, tình trạng chảy máu đã được kiểm soát. Bác sĩ Hải cho biết: “Đến sáng nay (25.7), chân bệnh nhân bớt sưng đỏ nhiều, không còn đau như trước, có thể vận động tại giường một cách thoải mái hơn và bắt đầu tập đi. Vết mổ cũng không còn đau, ăn uống được nhiều. Bệnh nhân vẫn tiếp tục được điều trị kháng sinh phối hợp, loại mạnh nhất, với liều cao, kéo dài để ngăn ngừa nhiễm trùng và sử dụng Insiline để ổn định đường huyết”.