Ngày 21.7, tại TP.Cần Thơ, Sở Y tế TP.HCM và lãnh đạo Sở Y tế 13 tỉnh ĐBSCL đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển trong thời gian từ 2023 - 2025.
Tại sự kiện, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng: “Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đến năm 2025 được ký kết vào ngày 11.3.2023 tại tỉnh Bến Tre đã mở ra nhiều tiềm lực phát triển cho cả vùng. Việc đẩy mạnh hợp tác và phát triển hệ thống y tế của TP.HCM với 13 tỉnh ĐBSCL trên nhiều lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ nhân dân nằm trong kế hoạch hợp tác nói trên”.
Cũng theo ông Tăng Chí Thượng, việc hợp tác phát triển ngành y tế giữa TP.HCM và ĐBSCL tiến hành theo 2 cấp độ.
Cấp độ 1: Hợp tác giữa bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện địa phương; giữa các CDC tỉnh, thành và giữa các Sở Y tế với nhau… đáp ứng nhu cầu phát triển của từng đơn vị, địa phương.
Cấp độ 2: Hợp tác phát triển mạng lưới y tế chuyên sâu từ cơ sở tuyến cuối cho đến tuyến tỉnh, tuyến huyện và y tế cơ sở theo quy mô vùng ĐBSCL.
Nội dung hợp tác giữa Sở Y tế TP.HCM và Sở Y tế các tỉnh ĐBSCL bao gồm: Hoạt động chuyển đổi số; phát triển y tế cơ sở; chuyên nghiệp hóa cấp cứu ngoài bệnh viện; công tác quản lý nhà nước hành nghề y tế tư nhân; quản lý chất lượng, khám chữa bệnh BHYT, nâng cao năng lực quản lý bệnh viện; phát triển du lịch y tế kết hợp du lịch sinh thái…
Mục đích của việc hợp tác nhằm đảm bảo người dân được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật chuyên khoa thuận lợi và kịp thời hơn; góp phần cải thiện tỷ lệ tử vong, nâng cao chất lượng cuộc sống; giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM.
Đảm bảo tránh đầu tư trùng lắp các kỹ thuật chuyên sâu giữa các địa phương có vị trí địa lý gần nhau gây lãng phí; đảm bảo tính kết nối và tính liên tục trong chăm sóc người bệnh chuyên khoa. Hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật về can thiệp tim mạch, hỗ trợ sinh sản…
Hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa CDC các tỉnh thành nhằm nâng cao năng lực phòng, chống dịch; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về y tế, kinh tế y tế, đảm bảo tự chủ tài chính ở các bệnh viện.
TS.BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc bệnh viện Ung bướu TP.HCM cũng có báo cáo về đề xuất phát triển và hình thành mạng lưới phòng chống ung thư vùng ĐBSCL. Theo đó, TP.HCM sẵn sàng hỗ trợ toàn diện cho ĐBSCL, đào tạo nguồn nhân lực cho chẩn đoán, điều trị ung thư; tư vấn mua sắm trang thiết bị; hội chẩn chuyên gia trực tiếp hoặc qua Telemedicine; hỗ trợ - chuyển giao kỹ thuật về đọc và phân tích kết quả CLS, GPB, HMMD, SHPT… và hỗ trợ điều trị ca khó.
Phát biểu tại sự kiện hợp tác này, TS.BS Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ hoan nghênh tinh thần hợp tác phát triển của ngành y tế TP.HCM và ĐBSCL. Việc này làm tốt sẽ phát huy tác dụng nâng cao cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị, nâng cao tay nghề cho đội ngũ y bá sĩ trong vùng.
Do cơ chế, chính sách, ảnh hưởng dịch bệnh, trình độ tay nghề… ngành y tế ĐBSCL còn nhiều hạn chế, bên cạnh đó là tình tràng thuốc đặc trị, thiếu trang thiết bị cần thiết. Ngay cả đội ngũ nhân viên ngành y và bác sĩ để khám bệnh cao huyết áp và tiểu đường cho nhân dân trong vùng vẫn thiếu người chuyên môn. Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ hy vọng việc hợp tác này sẽ phát huy tác dụng để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong vùng.