Ngoài lý do là thúc đẩy tăng trưởng và thu hút kiều hối, việc mở rộng quyền liên quan đến đất đai với người Việt Nam ở nước ngoài có thể thu hút được đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học… người Việt ở nước ngoài.

Mở rộng quyền đất đai với người Việt ở nước ngoài để thu hút kiều hối, chuyên gia…

Lam Thanh | 03/11/2023, 23:59

Ngoài lý do là thúc đẩy tăng trưởng và thu hút kiều hối, việc mở rộng quyền liên quan đến đất đai với người Việt Nam ở nước ngoài có thể thu hút được đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học… người Việt ở nước ngoài.

Thu hút chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài

Ngày 3.11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Liên quan đến quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa quy định theo hướng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai (không chỉ riêng quyền đối với đất ở) như công dân Việt Nam ở trong nước (cá nhân trong nước); giữ chính sách như pháp luật hiện hành đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài (không có quốc tịch Việt Nam).

Trên cơ sở các ý kiến này và ý kiến của Chính phủ, dự thảo luật thiết kế 2 phương án: Phương án 1: Tiếp thu các ý kiến, chỉnh sửa quy định nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và thu hút kiều hối từ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Theo hướng này, cần rà soát quy định có liên quan đến quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, quy trình, thủ tục xác nhận công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài…

Phương án 2: Giữ như quy định của pháp luật hiện hành, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam có các quyền sử dụng đất như người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam (người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài).

qh(1).jpeg
Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra làm rõ quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch và không có quốc tịch.

Đại biểu Xuân cho rằng quy định như dự thảo sẽ đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của kiều bào, đồng thời thu hút kiều bào ủng hộ đầu tư về quê hương, góp phần khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn: Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 của Luật Quốc tịch, người Việt Nam định cư ở nước ngoài bao gồm: người có quốc tịch Việt Nam và người Việt Nam không có quốc tịch Việt Nam đang cư trú sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Như vậy, quy định như trên vẫn có hai đối tượng về người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

xuan.jpeg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân

Bà Xuân chia sẻ: Nếu quy định chung chung về quyền và nghĩa vụ đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo phương án 1 tại Điều 44 trong dự thảo luật là chưa thật sự đầy đủ và cũng chưa thật sự tạo sự công bằng.

Vì vậy, dự thảo luật cần phân định rõ và cần làm rõ quyền của người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch và người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài không còn quốc tịch Việt Nam để đảm bảo quyền lợi cho công dân Việt Nam.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cũng cho rằng, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, thường không sinh sống, làm việc ở trong nước và có thể dẫn đến tình trạng trường hợp có tranh chấp về đất đai; việc sử dụng đất không thường xuyên gây lãng phí về nguồn lực. Hơn nữa, trong trường hợp phát sinh tranh chấp về đất đai, việc sử dụng đất không thường xuyên cũng sẽ dẫn đến quá trình giải quyết tranh chấp kéo dài.

Cũng nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) ủng hộ phương án 1 như Chính phủ trình là sửa thành “Cá nhân là công dân Việt Nam”.

Theo ông Mạc, khoản 1, Điều 5 Luật Quốc tịch quy định: Người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam. Do vậy, dù ở trong nước, hay ở nước ngoài, người có quốc tịch Việt Nam vẫn là công dân Việt Nam, họ vẫn có đầy đủ quyền và nghĩa vụ đầy đủ của một Công dân Việt Nam.

mac.jpeg
ĐBQH Lưu Bá Mạc

Hơn nữa, theo ông Mạc, ngoài lý do là thúc đẩy tăng trưởng và thu hút kiều hối, như được đề cập trong báo cáo số 678, việc mở rộng đối tượng này còn có thể thu hút được chất xám và đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học là công dân việt nam định cư ở nước ngoài. Họ luôn luôn hướng về Việt Nam, mong muốn cống hiến cho quê hương.

“Do vậy việc lựa chọn phương án 1 mở rộng đối tượng này thành công dân Việt Nam tại khoản 3 Điều 4 để họ có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai là thực sự phù hợp”, đại biểu Lưu Bá Mạc nêu ý kiến.

Cân nhắc không sử dụng phương pháp thặng dư trong định giá đất

Đại biểu Nguyễn Thị Yến cho biết, về phương pháp định giá đất tại Điều 159, đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét cân nhắc không sử dụng phương pháp thặng dư trong xác định giá đất cụ thể và bỏ điểm b tại khoản 5 Điều 159 và điểm c khoản 6 Điều 159 về phương pháp thặng dư.

yen.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Yến

Đại biểu nêu rõ, trên thực tế áp dụng ước tính doanh thu chi phí việc tính toán các yếu tố giả định trên rất phức tạp, kết quả định giá không chắc chắn, thiếu chính xác, có sai số lớn, cùng một thửa đất chỉ cần thay đổi một chỉ tiêu trong các yếu tố giả định sẽ thay đổi kết quả định giá.

"Đây là nguyên nhân chính gây vướng mắc, chậm trễ trong việc xác định thẩm định quyết định giá đất cụ thể trong thời gian qua; chưa kể cách hiểu của mọi người khác nhau trong các hoàn cảnh thời điểm khác nhau", bà Yến nêu.

Về giá đất cụ thể tại Điều 161, theo quy định tại khoản 3 Điều 161 và khoản 4 Điều 162 quy định về thuê tổ chức tư vấn xác định giá đất, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc làm rõ khi tham gia làm thành viên Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể, các tổ chức tư vấn xác định giá đất trong trường hợp đồng thời do cơ quan tài nguyên môi trường thuê, Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể cấp tỉnh và cấp huyện tổ chức thuê, Hội đồng mời; trong ba vai trò này có khác nhau hay không? Thực tiễn thực hiện phương pháp xác định giá đất đã xảy ra tình trạng cùng một khu đất, mỗi phương pháp xác định giá đất và mỗi đơn vị tư vấn khác nhau sẽ cho ra kết quả khác nhau. Do vậy, để tránh rủi ro về mặt pháp lý cho các cơ quan định giá, thẩm định giá đất, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm quy định này…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mở rộng quyền đất đai với người Việt ở nước ngoài để thu hút kiều hối, chuyên gia…