Sau khi Một Thế Giới đăng tải bài viết “Tận mục 'cát tặc' ồ ạt móc ruột sông Ngàn Phố” đã nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) về việc con sông Ngàn Sâu chảy qua địa phương này cũng đang từng ngày bị “cát tặc” đục khoét, gây sạt lở nghiêm trọng.
>>Tận mục 'cát tặc' ồ ạt móc ruột sông Ngàn Phố
Khai thác rầm rộ về đêm
Ông B.T ở xóm 6 xã Hà Linh thông tin, vài năm trở lại đây, hai bờ sông Ngàn Sâu chảy qua các xóm 6, 7, 9... của xã này bị sạt lở nghiêm trọng. Nguyên nhân thứ nhất là do mưa lũ hàng năm, nguyên nhân thứ hai là do tình trạng “cát tặc” lộng hành, liên tục đào bới và hút cát từ dưới đáy sông cho đến trên bờ.
Chúng tôi đã men theo bờ sông Ngàn Sâu qua những xóm này để chứng thực thông tin từ người dân, kết quả cho thấy phản ánh trên là hoàn toàn chính xác. Bằng chứng cho việc con sông Ngàn Sâu đang bị móc ruột là có nhiều bến khai thác của “cát tặc” ngang nhiên tồn tại bên bờ sông, với những giàn đỡ, “vòi rồng” được gắn cố định trên bờ và thuyền được gắn máy hút neo đậu im lìm chờ đêm xuống để hoạt động.
Ông B.T cho biết: “Buổi ngày rất ít khi thấy những bến khai thác cát này hoạt động, nhưng về đêm thì chúng khai thác rất rầm rộ, dưới sông thì thuyền hút cát, trên bờ thì xe tải thay nhau vào “ăn” cát. Chúng tôi rất lo lắng bờ sông sẽ bị sạt lở nhanh chóng, cuốn trôi hết đất trồng hoa màu hai bên bờ, diện tích đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp”.
Ông Phan Quốc Lập, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Hương Khê cho biết: “Về tình trạng 'cát tặc'thì trọng điểm nhất là địa bàn xã Hà Linh. Trong năm 2015 và 2016, chúng tôi đã phối hợp với lực lượng chức năng là công an huyện, đoàn công tác liên ngành của huyện cùng chính quyền xã Hà Linh phá dỡ 7 bến hút cát, xử phạt được trên 60 triệu đồng, tịch thu một chiếc thuyền trị giá 49 triệu đồng, xử phạt 10 triệu đồng đối với chủ thuyền này. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông có bắt các đối tượng vận chuyển cát trái phép đưa về trụ sở công an xử lý riêng.
Năm 2017, tính đến thời điểm này chúng tôi đã xử phạt được 14 triệu đồng, bắt giữ 2 thuyền. Chúng tôi cũng đã kiện toàn lại đoàn công tác liên ngành, hiện nay do một Phó chủ tịch huyện làm trưởng đoàn, cơ quan thường trực là Phòng TN&MT”.
“Tôi cũng thừa nhận là hiện nay tại địa bàn xã Hà Linh đang có 5 bến khai thác cát trái phép, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch để tiếp tục phá dỡ 5 bến này. Hoạt động khai thác cát trái phép lén lút vào ban đêm, chứ ban ngày thì không bao giờ làm, một đêm thì trong 5 bến đó có nhiều nhất 2 bến hoạt động, chúng tôi đã nắm được quy luật. Khi đã tiến hành phá là phải phá hết các bến này, nếu như phát hiện thuyền bè nào tiếp tục hoạt động thì phải tịch thu dù hóa giá được hay không”, ông Lập nói thêm.
Vị trưởng phòng này cho biết nguyên nhân chính quyền chưa ra quân truy quét các bến cát trái phép này là vì hiện tại huyện đang bận tập trung xử lý vấn đề rác thải tồn đọng, không có bãi tập kết khiến thị trấn Hương Khê bị ngập trong rác.
"Cát tặc"liều lĩnh
Về các đối tượng hoạt động khai thác cát trái phép, ông Lập cho biết, chúng rất manh động và liều lĩnh.
“Chúng tôi đã gặp trường hợp 'cát tặc'chống trả, kể cả khi có đồng chí Chủ tịch huyện đi cùng, đã xảy ra ẩu đả ngay trên bè, may là có lực lượng công an đi cùng nên kiểm soát được.Sau đó đối tượng này bị cơ quan công an triệu tập và xử phạt hành chính về hành vi chống người thi hành công vụ”.
Khó khăn trong việc xử lý nạn “cát tặc” được ông Lập nêu ra: “Do lực lượng chức năng mỏng nên không túc trực được, mà “cát tặc” lại hoạt động vào ban đêm và có cảnh giới, chúng rình mình chứ mình không rình chúng được. Để tập kích và bắt quả tang, có lần các đồng chí công an phải mật phục rồi bơi ra tiếp cận thuyền chúng, bất ngờ bám thuyền leo lên để khống chế và bắt quả tang. Hành động này rất nguy hiểm, vì trong số “cát tặc” có những đối tượng đi tù nhiều năm về vẫn tái vi phạm pháp luật, chúng rất liều lĩnh”.
Vị trưởng phòng khẳng định: “Điều đó để nói rằng nếu trong những năm qua có ai đó cho rằng huyện hoặc một cá nhân nào đó có thẩm quyền bao che cho 'cát tặc'hoạt động là không có căn cứ”.
“Tuy nhiên, hiện nay có một bất cập trong việc xử lý, đó là khi kiểm tra mà trên phương tiện không có tang vật, hoặc các phương tiện đó không hoạt động thì không xử lý được, vì phải theo chế tài xử phạt của Nghị định 33. Trên phương tiện vi phạm phải có trên 50m3 cát thì mới bắt giữ được. Cho nên huyện gặp phải khó khăn trong khâu xử lý, vì ở địa bàn sông nhỏ nên không có tàu lớn khai thác và chở đến khối lượng đó. Vì vậy, áp dụng chế tài này để xử lý là rất nhẹ, vì dưới 50m3 chỉ xử phạt đến 5 triệu đồng thôi, không đủ sức răn đe”, ông Lập cho hay.
Qua quá trình điều tra thể hiện trong những bài viết mà Một thế giới đã đăng tải, và thông tin từ cơ quan chức năng cho thấy, tình trạng “cát tặc” đang lộng hành ở Hà Tĩnh không chỉ ở một huyện phương mà có tính chất trải rộng.
Quang Cường