Chen chân vào ngành công nghiệp quốc phòng mà nhiều hãng lớn thống trị thời gian dài, một số công ty khởi nghiệp tận dụng những tiến bộ nhanh chóng trong trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ quân sự khác để giành được các hợp đồng béo bở.
Nhịp đập khoa học

10 startup công nghệ hàng đầu Thung lũng Silicon làm biến đổi ngành công nghiệp quốc phòng

Sơn Vân 16/09/2024 18:33

Chen chân vào ngành công nghiệp quốc phòng mà nhiều hãng lớn thống trị thời gian dài, một số công ty khởi nghiệp tận dụng những tiến bộ nhanh chóng trong trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ quân sự khác để giành được các hợp đồng béo bở.

Các hãng công nghệ quốc phòng truyền thống như Lockheed Martin, Northrop Grumman, Raytheon và Boeing thường thống trị các hợp đồng quân sự lớn của Mỹ. Thế nhưng, tiến bộ công nghệ trong 20 năm qua cùng rất nhiều tiền đầu tư đã cho phép một số công ty khởi nghiệp nổi lên, đe dọa đến sự thống trị của những gã khổng lồ trong ngành công nghiệp này.

Năm ngoái, các nhà đầu tư nói với trang Insider rằng họ kỳ vọng 2024 sẽ là năm lớn với các công ty khởi nghiệp về công nghệ quốc phòng. "Rõ ràng hơn bao giờ hết là các nền dân chủ đang phải đối mặt với những mối đe dọa mới và chiến trường hiện đại đang thay đổi đến mức không thể nhận ra", Nathan Benaich, người sáng lập và đối tác chung tại Air Street Capital, nói với trang Insider vào thời điểm đó. Air Street Capital là công ty đầu tư vào công nghệ AI.

Một số ít công ty khởi nghiệp công nghệ đã giành được nhiều hợp đồng trị giá hàng triệu USD từ Quân đội Mỹ.

"Những hợp đồng này đại diện cho một bước quan trọng trong việc áp dụng AI của chiến binh, đưa công nghệ tiên tiến từ thử nghiệm sang hoạt động sản xuất", Shannon Clark, người đứng đầu bộ phận phát triển quốc phòng tại hãng phân tích dữ liệu Palantir, nói đầu năm nay trong thông báo về một hợp đồng béo bở với Bộ Quốc phòng Mỹ.

Sau đây là cái nhìn về 10 công ty khởi nghiệp công nghệ hàng đầu Thung lũng Silicon đang cố gắng thay đổi ngành công nghiệp quốc phòng bằng công nghệ mới và sự sáng tạo.

Anduril Industries

10-startup-cong-nghe-hang-dau-thung-lung-silicon-lam-dao-lon-nganh-cong-nghiep-quoc-phong-2-.png
Tháp canh tầm xa Anduril sử dụng AI để cung cấp khả năng giám sát tự động - Ảnh: Anduril

Được thành lập vào năm 2017 bởi Palmer Luckey - người sáng lập hãng Oculus, Anduril Industries đã chứng minh có thể đánh bại công ty truyền thống như Boeing và Lockheed Martin về các hợp đồng quân sự.

Hồi tháng 4, Anduril Industries đã giành được hợp đồng từ Không quân Mỹ để thiết kế và thử nghiệm máy bay chiến đấu tự động. Không quân Mỹ có kế hoạch mua 1.000 máy bay với giá 30 triệu USD mỗi chiếc.

Tuần này, công ty thông báo đã phát triển hàng loạt tên lửa hành trình mới có tên Barracuda mà họ cho biết có thể sản xuất hàng loạt với chi phí thấp để hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến với những quốc gia có tiềm lực quân sự tương đương.

White Stork

White Stork là công ty khởi nghiệp được thành lập vào năm 2022 bởi Eric Schmidt – cựu Giám đốc điều hành Google. White Stork đang phát triển máy bay không người lái có thể sử dụng AI để xác định các mục tiêu tiềm năng.

Trong một bài giảng tại Đại học Stanford (Mỹ) hồi tháng 4, Eric Schmidt nói cuộc chiến ở Ukraine đã biến ông thành "kẻ buôn vũ khí".

"Việc chứng kiến ​​người Nga sử dụng xe tăng để phá hủy các tòa nhà chung cư khiến tôi phát điên", Schmidt nói.

Shield AI

10-startup-cong-nghe-hang-dau-thung-lung-silicon-lam-dao-lon-nganh-cong-nghiep-quoc-phong-3-.png
Máy bay không người lái giám sát của Shield AI

Được thành lập bởi Brandon Tseng (từng là lính đặc nhiệm Navy SEAL của Hải quân Mỹ) vào năm 2015, Shield AI có trụ sở tại thành phố San Diego (bang California, Mỹ). Shield AI là công ty khởi nghiệp chuyên phát triển máy bay không người lái chạy bằng AI có khả năng chiến đấu, giám sát và giao hàng tại các khu vực xung đột. Các nhà đầu tư gần đây định giá Shield AI ở mức 2,7 tỉ USD.

Vào tháng 7, Cảnh sát biển Mỹ đã trao cho công ty một hợp đồng trị giá 198 triệu USD cho máy bay không người lái giám sát AI V-BAT.

Palantir Technologies

Palantir Technologies được thành lập vào năm 2003 bởi một nhóm có cả Peter Thiel (cựu lãnh đạo PayPal), nhưng công ty vẫn còn khá mới mẻ trong lĩnh vực quốc phòng.

Palantir Technologies phát triển phần mềm để xử lý lượng dữ liệu khổng lồ. Vào tháng 5, Bộ Quốc phòng Mỹ trả cho Palantir Technologies 480 triệu USD để sử dụng nguyên mẫu của Maven, phần mềm phân tích dữ liệu để tăng tốc công việc cho các nhà phân tích tình báo.

Applied Intuition

10-startup-cong-nghe-hang-dau-thung-lung-silicon-lam-dao-lon-nganh-cong-nghiep-quoc-phong-4-.png
Applied Intuition đã được đưa vào hợp đồng cung cấp xe tự hành trên mặt đất cho Quân đội Mỹ - Ảnh: Getty Images

Applied Intuition là công ty khởi nghiệp gần đây được định giá 6 tỉ USD. Doanh nhân và nhà đầu tư mạo hiểm Qasar Younis đã thành lập Applied Intuition là vào năm 2017 để phát triển hệ thống lái xe AI tự động cho ô tô và xe trên bộ.

Quân đội Mỹ đã chọn Applied Intuition vào tháng 4 cùng các nhà thầu khác để tạo ra các nguyên mẫu xe tự hành như xe tăng và các loại máy móc lớn khác.

Skydio

Skydio là công ty khởi nghiệp về máy bay không người lái được thành lập vào năm 2012 và có hãng đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz hỗ trợ ngay từ đầu. Skydio đã trở thành nhà sản xuất máy bay không người lái đầu tiên của Mỹ đạt được trạng thái "kỳ lân" vào năm 2021.

Quân đội Mỹ đã ký hợp đồng với Skydio vào năm 2022 với giá 99,8 triệu USD để sử dụng các hệ thống của công ty cho chương trình Trinh sát tầm ngắn (SRR) của mình. Quân đội cho biết SRR là "hệ thống tăng cường sức mạnh chiến đấu giúp binh lính cấp trung đội có khả năng trinh sát và xác định mục tiêu tốt hơn.

Hồi tháng 1, Skydio công bố hợp đồng đang bước vào giai đoạn cuối, trong đó công ty dự định sẽ tạo ra hàng loạt máy bay không người lái Skydio X10D cho Quân đội Mỹ. Công ty cho biết những máy bay không người lái nhỏ, nhẹ này có "camera nhiệt độ và hình ảnh phân giải cao để thu thập thông tin chính xác, cụ thể”.

Epirus

10-startup-cong-nghe-hang-dau-thung-lung-silicon-lam-dao-lon-nganh-cong-nghiep-quoc-phong-5-.png
Epirus tạo ra các thiết bị xung vi sóng có thể làm rối loạn máy bay và khiến chúng rơi xuống từ trên trời - Ảnh: Getty Images

Epirus (có trụ sở tại thành phố Torrance, bang California) gần đây hoàn thành hợp đồng trị giá 66 triệu USD cho Quân đội Mỹ để chế tạo các thiết bị xung vi sóng có thể làm rối loạn máy bay và khiến chúng rơi xuống từ trên trời.

Epirus cho biết đã phát triển sản phẩm mang tên Leonidas trong "khung thời gian chưa từng có với các hệ thống phòng không, theo kịp các ưu tiên chiến lược từ nỗ lực tạo mẫu nhanh của Bộ Quốc phòng".

Scale AI

Scale AI là công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo (AI) có trụ sở tại thành phố San Francisco (bang California) được định giá 7 tỉ USD đầu năm 2021, đã sa thải 20% nhân viên vào năm ngoái.

Hồi tháng 2, Scale AI đã thông báo đã hợp tác với văn phòng trí tuệ nhân tạo (AI) của Bộ Quốc phòng Mỹ để thử nghiệm và đánh giá các mô hình ngôn ngữ lớn.

Mục tiêu là cung cấp cho quân đội một "khung" để triển khai AI an toàn bằng cách đo lường hiệu suất, tạo ra các bộ đánh giá chuyên biệt để thử nghiệm các mô hình AI hỗ trợ quân sự và tạo "phản hồi thời gian thực cho các chiến binh", Scale AI cho hay.

Hermeus

10-startup-cong-nghe-hang-dau-thung-lung-silicon-lam-dao-lon-nganh-cong-nghiep-quoc-phong-1-.png
Không quân Mỹ đã đầu tư hàng triệu USD vào việc phát triển máy bay phản lực siêu thanh dành cho Tổng thống của Hermeus - Ảnh: Hermeus

Kỹ sư hàng không vũ trụ AJ Piplica thành lập Hermeus vào năm 2018. Công ty đã huy động được 100 triệu USD vào năm 2022, dẫn đầu là các nhà đầu tư như Peter Thiel và Sam Altman (Giám đốc điều hành OpenAI).

Hermeus đang phát triển hàng loạt máy bay siêu thanh có thể di chuyển với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Công ty cho biết đã thử nghiệm các nguyên mẫu có thể di chuyển ở tốc độ Mach 5 (khoảng 6125 km/giờ). Năm 2020, Không quân Mỹ đã ký hợp đồng với Hermeus để phát triển một máy bay phản lực siêu thanh dành cho Tổng thống.

Năm 2022, Không quân Mỹ đã trao cho Hermeus hợp đồng trị giá 950 triệu USD khác để giúp phát triển Hệ thống Quản lý Chiến đấu tiên tiến. Đây là hệ thống điều khiển và liên lạc thế hệ tiếp theo của Không quân Mỹ.

SpaceX

Năm 2022, SpaceX đã ra mắt vệ tinh Starshield, tương tự như vệ tinh Starlink nhưng được thiết kế để chính phủ sử dụng và nhằm mục đích "hỗ trợ các nỗ lực an ninh quốc gia".

Công ty cũng cung cấp kết nối vệ tinh thông qua Starlink cho các lực lượng quân sự ở Ukraine. Elon Musk (Giám đốc điều hành SpaceX) đã phải đối mặt với áp lực từ nhiều chính phủ và tổ chức để tận dụng mạng lưới vệ tinh Starlink. Một nghị sĩ Mỹ đã gây áp lực với Elon Musk vào tháng 2 để cung cấp dịch vụ Starlink cho lực lượng quân sự ở Đài Loan.

Tháng 5, Reuters đưa tin SpaceX đã nhận được thỏa thuận trị giá 1,8 tỉ USD từ chính phủ Mỹ năm 2021 để tạo ra "hàng triệu vệ tinh do thám" mà các nguồn tin cho biết sẽ khiến "không ai có thể ẩn náu".

Bài liên quan
Nhật Bản thúc đẩy nghiên cứu công nghệ quốc phòng, cho tư nhân tham gia
Trí tuệ nhân tạo (AI) và máy bay không người lái (UAV) sẽ là hai công nghệ cần thiết khi Tokyo quyết định thúc đẩy mạnh công nghệ quốc phòng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBQH đề nghị xây dựng bảng lương riêng, đãi ngộ phù hợp cho nhà giáo
29 phút trước Theo dòng thời sự
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng đội ngũ nhà giáo chiếm 70% số lượng viên chức, kể cả có nâng thành mức cao nhất trong bảng lương vẫn không phù hợp. Do đó, cần xây dựng bảng lương riêng để phù hợp với đặc điểm, vị trí công việc của nhà giáo
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
10 startup công nghệ hàng đầu Thung lũng Silicon làm biến đổi ngành công nghiệp quốc phòng