Nền kinh tế Nhật Bản đang nỗ lực cải cách, và họ cần thêm nhiều hơn các thị trường xuất khẩu tiềm năng mà châu Phi là một điển hình, và đó được xem là lý do chủ yếu cho việc tăng cường đầu tư mạnh mẽ của Nhật Bản vào châu lục này. Nhưng, đó mới chỉ là phần nổi của vấn đề.

Một con đường tơ lụa của Nhật Bản?

Nhàn Đàm | 09/09/2016, 11:06

Nền kinh tế Nhật Bản đang nỗ lực cải cách, và họ cần thêm nhiều hơn các thị trường xuất khẩu tiềm năng mà châu Phi là một điển hình, và đó được xem là lý do chủ yếu cho việc tăng cường đầu tư mạnh mẽ của Nhật Bản vào châu lục này. Nhưng, đó mới chỉ là phần nổi của vấn đề.

Một kết luận được nhiều nhà phân tích trên thế giới rút ra từ hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu vừa qua, đó là: Trung Quốc đang muốn chứng tỏ vị thế ngày càng tăng của nước này trên bản đồ thế giới.

Việc hội nghị G20 được tổ chức tại Hàng Châu – một thành phố không lớn nhưng lại mang đậm tính truyền thống so với các thành phố lớn và hiện đại như Bắc Kinh hay Thượng Hải, và nhất là màn thị uy đầy tranh cãi của một số quan chức Trung Quốc với phái đoàn của tổng thống Mỹ Obama tại sân bay, đang là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy chính phủ nước này muốn thể hiện sự tự tin và ưu việt về văn hóa lẫn vị thế của mình qua hội nghị lần này.

Điều này cũng được thể hiện qua các dự án kinh tế quy mô lớn mà điển hình là dự án “Con đường tơ lụa” hướng tới việc tạo ra một mạng lưới kinh tế phủ khắp ba châu lục Á-Âu-Phi trong đó Trung Quốc đóng vai trò trung tâm. Nhưng, khi mà Trung Quốc mới chỉ bắt tay vào dự án này trong khoảng 2 năm qua, thì đã có một quốc gia khácâm thầm làm điều tương tự từ nhiều năm trước, đó là Nhật Bản.

Sự kiện thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết gói hỗ trợ đầu tư trị giá 30 tỉ USD vào nền kinh tế các nước châu Phi trong vòng 3 năm cách đây ít tuần được hầu hết các nhà phân tích đánh giá là một nỗ lực cạnh tranh ảnh hưởng kinh tế với Trung Quốc tại lục địa đen của Tokyo.

Trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư số một tại châu Phi, và mới chỉ trong hội nghị vào cuối năm 2015 thôi, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết đầu tư khoản vốn lên tới 60 tỉ USD cho các nền kinh tế tại khu vực này. Nền kinh tế Nhật Bản đang nỗ lực cải cách, và họ cần thêm nhiều hơn các thị trường xuất khẩu tiềm năng mà châu Phi là một điển hình, và đó được xem là lý do chủ yếu cho việc tăng cường đầu tư mạnh mẽ của Nhật Bản vào châu Phi. Nhưng, đó mới chỉ là phần nổi của vấn đề.

Một thực tế là, Nhật Bản đã là nhà đầu tư và cung cấp vốn vay phát triển hàng đầu trong nhiều năm qua không chỉ tại châu Phi, mà còn ở nhiều khu vực khác trên khắp châu Á. Tổng cộng các khoản vốn vay ưu đãi và vốn đầu tư vào nền kinh tế các nước châu Phi của Nhật Bản từ trước đến nay đã đạt tổng cộng 50 tỉ USD, và nhất là đã diễn ra rất lâu trước khi Trung Quốc bắt đầu để ý đến lục địa này.

Điều tương tự cũng diễn ra tại các khu vực quan trọng khác của châu Á như Đông Nam Á, Nam Á hay Trung Á. Tại Đông Nam Á và cả Nam Á, Nhật Bản hiện đang là quốc gia dẫn đầu danh sách cung cấp vốn vay ưu đãi và đầu tư vào các nước trong hai khu vực này, vượt xa cả Mỹ và Ngân hàng thế giới.

Chẳng hạn như viện trợ phát triển của Nhật Bản cho Ấn Độ trong năm 2013 là 1,4 tỉ USD, gấp đôi so với viện trợ phát triển của Đức dành cho Ấn Độ, và gấp 14 lần so với Mỹ. Nhật Bản hiện cũng đang dẫn đầu danh sách cung cấp vốn vay ưu đãi cho hầu hết các nước Đông Nam Á mà điển hình là Việt Nam, Indonesia hay Myanmar.

Trung Á cũng đang là đối tượng kế tiếp cho nỗ lực mở rộng cung cấp vốn đầu tư và vốn vay ưu đãi của Nhật Bản, mà điển hình là Kazakhstan. Nói cách khác, tầm ảnh hưởng về kinh tế của Nhật Bản đang phủ rộng khắp phần lớn khu vực châu Á, và còn đang vươn sang châu Phi một cách mạnh mẽ - vốn là tiền đề quan trọng để thiết lập các tuyến thương mại sầm uất.

Tuy nhiên, mục tiêu mà Nhật Bản hướng tới thông qua việc cung cấp vốn vay ưu đãi và vốn đầu tư đầy hào phóng với các khu vực tại châu Á và châu Phi có những điểm khác biệt với cách mà Trung Quốc hiện đang làm. Kế hoạch “Con đường tơ lụa” của ông Tập đang đứng trước nhiều hoài nghi về cách thức thực hiện, tính thực tế và bền vững, cũng như chi phí cần thiết.

Điều mà Trung Quốc hướng tới trong dự án này là xây dựng các cảng biển, các tuyến đường nhằm kết nối nền kinh tế các nước trong kế hoạch với thị trường khổng lồ của Trung Quốc. Điều này cũng tương tự với lập luận rằng, kết nối giữa các nền kinh tế được thực hiện bằng hạ tầng chứ không phải do nhu cầu thực sự.

Xuất khẩu của các nước như Thái Lan hay Singapore đến Trung Quốc đã giảm tới 30% kể từ khi nền kinh tế số hai thế giới giảm tốc độ tăng trưởng, trong khi các nước này có lẽ không thiếu cảng biển hay đường cao tốc để kết nối và vận chuyển hàng hóa của mình tới Trung Quốc.

Ấn tượng quan trọng nhất mà dự án “Con đường tơ lụa” này đem lại cho những ai quan tâm, là việc nó đang cố gắng củng cố ý tưởng rằng Trung Quốc sẽ lại là một vương quốc trung tâm của một khu vực kinh tế rộng lớn phủ khắp ba châu lục Á-Âu-Phi.

Thay vì đầu tư có phần vô tội vạ như Trung Quốc, chiến lược đầu tư và cho vay vốn ưu đãi của Nhật Bản tỏ ra thực tế hơn. Các dự án đầu tư và cho vay vốn ưu đãi của Nhật Bản tập trung nhiều các lĩnh vực vừa có thể thúc đẩy phát triển kinh tế nước sở tại, vừa là những thế mạnh của các tập đoàn và công ty Nhật Bản – thường là những người chịu trách nhiệm thi công và triển khai dự án.

Như nhiều nhà phân tích nhận định, mục tiêu mà những khoản vay ưu đãi và vốn đầu tư của Nhật Bản hướng tới tại các quốc gia là tạo ra các “mạch máu kinh tế”, nói cách khác là một sự hợp tác theo kiểu “win-win” – hai bên cùng có lợi. Sự phát triển kinh tế của các nước sở tại cũng mở rộng cơ hội đầu tư cho các công ty và doanh nghiệp Nhật Bản cũng như các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của đất nước mặt trời mọc.

Cách thức tiếp cận này khác biệt lớn so với việc cố gắng tạo sự kết nối giữa các nền kinh tế tại châu Á và châu Phi thông qua các cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Sự ổn định và bền vững của một tuyến thương mại phụ thuộc vào cung cầu giữa các bên chứ không phụ thuộc vào việc chúng có được kết nối với nhau bởi các công trình giao thông hay không.

Xét trên tiêu chí đó thì Nhật Bản đang làm tốt hơn hẳn so với Trung Quốc khi tập trung vào các dự án và lĩnh vực có thể thúc đẩy kinh tế tại các nước sở tại. Hiện Trung Quốc tuy là nhà đầu tư lớn nhất tại châu Phi, nhưng lại xếp khá xa trong danh sách các quốc gia đầu tư lớn nhất vào những khu vực kinh tế quan trọng khác như Đông Nam Á hay Nam Á, và thua xa Nhật Bản.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan
Chủ tịch nước gặp Thủ tướng Nhật Bản nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2024
Sáng 16.11 (giờ địa phương), nhân dịp dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima (Peru), Chủ tịch nước Lương Cường đã có cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
15 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một con đường tơ lụa của Nhật Bản?