Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) hôm 16.1 nói rằng nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ" đang được áp dụng với Hồng Kông, có thể duy trì sau năm 2047, nhưng với điều kiện nhất định.
"Nếu chúng ta thực hiện nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ" một cách kiên trì, liên tục và đầy đủ, phù hợp với lợi ích của người dân Hồng Kông, có đủ lý do để tin rằng mô hình này sẽ không thay đổi sau năm 2047", bà Lâm nói trong lần xuất hiện đầu tiên tại Hội đồng Lập pháp Hồng Kông năm nay.
Nhà lãnh đạo Hồng Kông cho biết sự hiểu biết và thực hiện nguyên tắc cần có để duy trì nền tảng của “một đất nước” và tôn trọng sự khác biệt của “hai thể chế”, có như vậy việc áp dụng nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ" mới có tiến triển.
Ngoài ra, Trưởng đặc khu Lâm cũng kêu gọi thanh niên Hồng Kông, những người dẫn đầu trong các cuộc biểu tình thường xuyên, không vi phạm nguyên tắc này vì những hiểu lầm nhất thời.
“Tôi muốn nói với những người trẻ tuổi, những người hầu hết được sinh ra sau sự kiện Anh trao trả Hồng Kông năm 1997, rằng hãy tôn trọng nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ", thay vì phá hoại mô hình quan trọng này do sự thiếu hiểu biết và hiểu lầm nhất thời. Kịch bản mà họ lo lắng có thể được kích hoạt bởi chính tay họ”, bà Lâm nói.
Nữ lãnh đạo Hồng Kông cho biết chính quyền của bà đang chuẩn bị thành lập một ủy ban đánh giá độc lập để xem xét sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội và nguyên nhân sâu xa của tình trạng bất ổn đang diễn ra tại thuộc địacũ của Anh. Danh tính các thành viên ủy ban sẽ được tiết lộ vào tháng tới, bà cho biết thêm.
Cũng theo bà Lâm, “nhiều báo cáo không chính xác và thông tin giả mạo được phát tán trực tuyến đã làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín quốc tế của Hồng Kông”.
Trưởng đặc khu sau đó bày tỏ lo lắng về việc các doanh nghiệp đóng cửa và nhân viên bị sa thải sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng tin rằng nền kinh tế đặc khu nàycó thể phục hồi nếu trật tự xã hội được khôi phục trở lại.
Được biếtHồng Kông thành thuộc địa của đế quốc Anh vào cuối chiến tranh nha phiến lần đầu tiên vào năm 1842. Chủ quyền lãnh thổ được chính thức chuyển trảTrung Quốc vào năm 1997. Sau khiđược trả về cho Trung Quốc, Hồng Kông được duy trì "sự tự trị ở mức độ cao" cho đến năm 2047 theo mô hình "Một quốc gia, hai chế độ".
Dù số phận Hồng Kông sẽ được quyết định sau gần 30 năm nữa, nhưng đa phần giới trẻ Hồng Kông cho rằng sự phụ thuộc của nó vào đại lục theo thời gian sẽ làm lu mờ sự tự trị mà hiện nay họ đang hưởng. Nhiều phong trào biểu tình đòi dân chủ tại thuộc địa cũ của Anh đãbùng phát trong thời gian qua.
Đáng chú ý, phong trào biểu tình chống chính quyền kể từ tháng 6 năm ngoái đã làm rung chuyển Hồng Kông, khi Trưởng đặc khuLâm Trịnh Nguyệt Nga cố gắng đưa ra dự luật dẫn độ gây tranh cãi cho phép đưa nghi phạm sangTrung Quốc đại lục. Chính quyền đặc khu đã rút dự luật sau 3 tháng, song nhượng bộ này dường như vẫn chưa đủ để xoa dịu được làn sóng tức giận của người biểu tình khi họ vẫn xuống đường kêu gọi ủng hộ dân chủ và yêu cầu chính quyền đáp ứng các nguyện vọng của người dân.
Hoàng Vũ (theo SCMP, Reuters)