Bi kịch của nền thể thao Việt Nam là chỉ giỏi tung hoành ở vùng trũng ao tù nước đọng Đông Nam Á với những chiếc HCV đếm mỏi miệng nhưng khi bước ra ngoài đấu trường châu lục lại xếp re, chờ đỏ mắt không kiếm nổi chiếc HCV.
1.Cho đến 19h30 của ngày thi đấu thứ 11 của Asian Games 2014 (ngày 30.9), tức Đại hội chỉ còn 4 ngày thi đấu nữa là kết thúc thì số HCV của Việt Nam vẫn dừng lại ở con số 1 của VĐV Dương Thúy Vi đạt được ở môn wushu. Thứ hạng của Việt Nam đã tụt xuống hạng 20
Hy vọng lấy thêm 1 chiếc HCV nữa ngày càng lịm dần, le lói như ngọn đèn cạn dầu. Đoàn thể thao VN (TTVN) cho đến giờ chỉ còn trông mong vào sự “thần kỳ” ở môn Karatedo trong ngày thi đấu cuối cùng để cứu vãn sự thảm bại giống như trước đây nhiều lần Karatedo đã làm được ở phút chót.
Asian Games 2002 ở Busan, 2/4 HCV của Việt Nam thuộc về hai nữ võ sỹ Bảo Ngọc và Vũ Kim Anh ở nội dung đối kháng (kumite).
Asian Games 2006 ở Doha-Qatar thì Vũ Thị Nguyệt Ánh cũng giành chiếc HCV đầy bất ngờ ở nội dung kumite 48kg nữ và cùng với 2 chiếc HCV xuất thần ở của tuyển cầu mây nữ đã đem về 3 chiếc HCV cho đoàn Việt Nam trước khi Đại hội khép lại.
Lê Bích Phương bật khóc khi thắng Kobayashi Miki ở chung kết kumite 55kg tại Asiad 16 |
Asian Games 2010 tại Quảng Châu, võ sỹ vô danh Lê Bích Phương đã bất ngờ hạ nhà ĐKVĐ thế giới người Nhật Bản Kobayashi Miki ở chung kết hạng cân 55kg. Chiếc HCV của võ sỹ 18 tuổi ở Gia Lâm (Hà Nội) cũng là tấm HCV duy nhất của đoàn VN ở kỳ Asiad 16.
Bây giờ võ sỹ nào của Karatedo sẽ đóng vai trò cứu tinh cho TTVN ở kỳ Asiad 17 này? Chúng tôi không biết và chính những người trong đoàn TTVN cũng không biết. Tất cả đều chờ đợi theo kiểu… hên-xui.
2.Lẽ ra TTVN còn có Taekwondo để làm chỗ dựa ở đấu trường châu lục như trước khi Trần Quang Hạ (Asiad 1994), Hồ Nhất Thống (Asiad 1998) đang đứng trên bục cao nhất nhưng về sau thành tích cao nhất của taekwondo VN cũng chỉ lọt vào chung kết rồi… thua. So với các kỳ Asiad trước, lực lượng taekwondo VN kỳ Asiad 17 này được xem là kém nhất, lại thi đấu ngay tại đất Hàn Quốc là quê hương của taekwondon nên khả năng lấy HCV đã khó lại càng khó.
Một trong những nguyên nhân khiến taekwondo VN ngày càng khó tranh chấp HCV vì vì môn này đã đi vào hệ thống thi đấu Olympic từ năm 2000 tại Sydney. Điều đó có nghĩa Hàn Quốc đã thành công trong việc vận động đưa taekwondo vào Olympic nên từ đó về sau này Hàn Quốc sẽ không còn thi đấu theo kiểu “nhường nhịn” cho các đoàn khác lấy thành tích.
Không chỉ taekwondo mà bất kỳ môn nào đã vào hệ thống Olympic thì đồng nghĩa nhiều quốc gia khác cũng đầu tư cho môn đó mạnh mẽ nên tính cạnh tranh thêm khốc liệt.
3.Bi kịch và cũng tiếc nuối là trong khi số HCV thì đến giờ chỉ có 1 thì bản danh sách HCB và HCĐ của Đoàn TTVN ở Asiad 17 tính đến ngày 30.9 cứ nối dài dằng dặc với 9 HCB và 22 HCĐ. Tính về số huy chương thì với 32 huy chương các loại Việt Nam đứng hạng 9.
9 chiếc HCB cũng đồng nghĩa với 9 lần các VĐV của Việt Nam đã ngã trước ngưỡng cửa thiên đường. Trong thể thao, chỉ một ngưỡng nhỏ từ “bạc” đến “vàng” lại là một khoảng cách diệu vợi, bởi thế nên người ta sẵn sàng đổi 100 chiếc HCB chỉ để lấy 1 chiếc HCV là lẽ thế.
Thể thao luôn vinh danh người chiến thắng chứ ít khi nhớ đến kẻ chiến bại dù đôi khi kẻ thua cuộc luôn được an ủi bằng những mỹ từ như “kẻ thất bại vĩ đại” hay “thua trong thế ngẩng cao đầu” hoặc AQ hơn là “HCB mà quý như… vàng”. Không, làm gì có, bạc là bạc mà vàng luôn là vàng !
Trong thể thao người ta chỉ vinh danh người chiến thắng chứ ít khi nhớ kẻ chiến bại dù kẻ chiến bại rất giỏi như lực sỹ Thạch Kim Tuấn |
4.Ở đấu trường Đông Nam Á là SEA Games, đoàn TTVN cứ đến kỳ lại đếm vàng mỏi tay. Tại SEA Games 2013 với 74 HCV, Việt Nam đứng hạng Ba sau Myanmar (86 HCV) và Thái Lan (107 HCV) nhưng thực chất là chỉ đứng Nhì sau Thái Lan vì Myanmar là…nước chủ nhà.
Ở SEA Games 2011, Việt Nam đạt đến 96 HCV đứng hạng Ba và chỉ sau Thái Lan (109) và Indonesia (182) mà tính thực chất thì chỉ đứng sau Thái Lan vì Indonesia cũng là nước… chủ nhà.
Một nền thể thao có tiếng đứng nhì khu vực ĐNÁ vậy mà bước ra đấu trường châu lục Asiad lại kém xa Thái Lan, Malaysia và đang bị Singapore, Indonesia, Myanmar vượt mặt. An ủi cho Việt Nam là kỳ Asiad 17 tính đến giờ Philippines thi đấu sa sút nên đến ngày thứ 11 vẫn chưa có HCV nào nên tính ra Việt Nam vẫn đứng… hạng 6 ở khu vực. Tuy nhiên, khi Philippines bước vào thế mạnh nhất ở môn boxing thì chuyện VN rớt xuống hạng 7 trong các nước ĐNÁ dự Asiad 17 là điều thấy trước.
Đứng nhì SEA Games mà bước ra Asiad lại đứng tận hạng 6-7 đã chỉ ra rằng thể thao VN bản chất chỉ là nền thể thao làng nhàng, đầu tư dàn trải theo kiểu cào bằng nên không có môn mũi nhọn, thế mạnh đặc trưng và cũng không có những VĐV thực sự đẳng cấp.
Làm ăn theo kiểu hên xui thì thành tích cũng đành xui-hên. Chung quy, lại rút kinh nghiệm là xong ấy mà!
Nam Kha