Sau khi vua Lý Nhân Tông bắt đầu tự mình nắm quyền thì vẫn kiên trì trong việc đòi đất. Tuy nhiên, Nhân Tông lại chủ trương trọng quan văn như Lê Văn Thịnh trong việc đàm phán với nhà Tống nên không có sự mạnh mẽ, quyết đoán như Lý Thường Kiệt.

Muốn nhà Tống trả đất, không thể dùng lý lẽ suông

19/02/2017, 23:12

Sau khi vua Lý Nhân Tông bắt đầu tự mình nắm quyền thì vẫn kiên trì trong việc đòi đất. Tuy nhiên, Nhân Tông lại chủ trương trọng quan văn như Lê Văn Thịnh trong việc đàm phán với nhà Tống nên không có sự mạnh mẽ, quyết đoán như Lý Thường Kiệt.

Quân đội nhà Tống

Kỳ 1: Cha ông ta từng chỉ huy liên quân Đông Nam Á chống lại phương Bắc

Kỳ 2: Đinh Tiên Hoàng tự coi là cửa trên khiến phương Bắc bực dọc

Kỳ 3: Sứ giả phương Bắc bị hù dọa không dám bước chân vào nước ta

Kỳ 4: Vua Tống chém tướng kiếm chuyện ngoài biên giới để làm vui lòng Đại Việt

Kỳ 5: Vua Tống sợ trái ý Ngọa Triều nhà Lê​

Kỳ 6: Đại Việt tặng ngựa, nhà Tống thất kinh​

Kỳ 7: Hai nhà sư Việt bẻ gãy dã tâm của phương Bắc​

Kỳ 8: Chính sách gả công chúa để phá âm mưu của phương Bắc

Kỳ 9: Khi nhà Tống lấn đất, ông cha ta sẵn sàng tuốt gươm

Kỳ 10: Trước Lý Thường Kiệt, quân ta nhiều lần Bắc phạt sang đất Tống​

Kỳ 11: Chư hầu của Đại Việt uy hiếp nhà Tống, vua Lý toan động binh​

Kỳ 12: Lý Thường Kiệt dùng vũ lực lấy lại đất yết hầu vùng biên trong tay quân Tống​

Kỳ 13: Sợ Lý Thường Kiệt bắc phạt lần 2, vua Tống tính cắt đất​

Kỳ 14: Bị áp lực từ biên giới, vua Tống phải nghiến răng trả đất​

Kỳ 15: Lý Thường Kiệt dùng tù binh mở cho vua Tống con đường thể diện

Khi còn Lý Thường Kiệt nắm quyền triều Lý thì nhà Tống rất nể sợ Đại Việt, đặc biệt trong vấn đề ngoại giao đòi đất. Có thể nói rằng Lý Thường Kiệt không chỉ có công lớn trong việc Bắc phạt hay đánh tan đạo quân xâm lược của Quách Quỳ, Triệu Tiết mà còn là người giữ vai trò chính trong việc thu hồi các vùng đất bị nhà Tống chiếm giữ. Chính nhờ chính sách vừa đánh vừa đàm, dùng cả kỳ binh lẫn chính binh mà Lý Thường Kiệt đã giúp nhà Lý thu về những vùng đất quan trọng như châu Quang Lang, châu Quảng Nguyên...

Lý Thường Kiệt còn muốn tiếp tục dùng các biện pháp quân sự và ngoại giao sòng phẳng để đòi lại 2 động là Vật Dương và Vật Ác vốn bị họ Nùng dâng cho nhà Tống (theo nhà sử học Hoàng Xuân Hãn, động Vật Dương là đất Nùng Trí Hội nộp Tống vào năm 1064 và được Tống đổi tên ra Qui Hóa; động Vật Ác là đất Nùng Tông Đán nộp Tống từ năm 1057 và được Tống đổi ra châu Thuận An. Hai động này ở phía bắc biên thùy huyện Thạch lâm tức là phần tây bắc Cao Bằng, và thuộc các châu Trấn An và Qui Thuận của Trung Quốc). Dựa vào lý của ta thì họ Nùng vốn theo ta trước đây thì đất phải thuộc ta còn nhà Tống lại cho rằng họ Nùng theo hàng họ nên đất đó thuộc về Tống. Chuyện tranh cãi kiểu này trước đây được Lý Thường Kiệt dùng tiền lễ hậu binh để giải quyết rốt ráo .

Nhưng đáng tiếc là năm 1082, Lý Thường Kiệt được điều về trấn thủ Thanh Hóa nên ảnh hưởng của ông trong việc ngoại giao đòi đất với nhà Tống hầu như không còn. Nhà sử học Hoàng Xuân Hãn nhận xét: "Ở triều Lý, chính sách ngoại giao trước năm Nhâm tuất 1082 hoàn toàn bởi tay Lý Thường Kiệt điều khiển. Từ năm Nhâm Tuất về sau, vua Lý đã trưởng thành và đã tự mình coi việc nước. Còn Lý Thường Kiệt đi ra giữ trấn Thanh Hóa. Cho nên nếu ông còn có ảnh hưởng ở triều, thì ảnh hưởng ấy không lớn như trước nữa".

Thực ra, sau khi vua Lý Nhân Tông bắt đầu tự mình nắm quyền thì vẫn kiên trì trong việc đòi đất. Tuy nhiên, Nhân Tông lại chủ trương trọng quan văn như Lê Văn Thịnh trong việc đàm phán với nhà Tống nên không có sự mạnh mẽ, quyết đoán như Lý Thường Kiệt.

Lê Văn Thịnh là trạng nguyên đầu tiên của nước ta, người có tài đối đáp rất thông minh và theo Đại Việt sử lược, Lê Văn Thịnh còn được vua Tống ban chức Long đồ các Đãi chế. Trong sứ mệnh đòi 2 động Vật Dương và Vật Ác thì Lê Văn Thịnh cũng dốc nhiều công sức, nhiều lần tranh luận khiến đại diện nhà Tống phải cứng miệng.

Một câu chuyện tiêu biểu được ghi vào sử sách là có lần Văn Thịnh biện rõ rằng hai châu Qui Hóa và Thuận An nguyên là đất Vật Dương và Vật Ác của nước ta, đã bị các tù trưởng lấy trộm đem nộp Tống. Một phái viên Tống nói: "Những đất mà quân nhà vua đã đánh lấy, thì đáng trả cho Giao Chỉ. Còn những đất, mà các người coi giữ, lại mang nộp để theo ta, thì khó mà trả lại".

Văn Thịnh trả lời: "Đất thì có chủ. Các viên coi giữ mang nộp và trốn đi, thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Sự chủ giao cho mà tự lấy trộm đã không tha thứ được, mà trộm của hay tàng trữ thì pháp luật cũng không cho phép. Huống chi nay, chúng lại mang đất trộm dâng, để làm nhơ bẩn sổ sách nhà vua!". Thực ra Lê Văn Thịnh đã dẫn một điển tích thời Xuân Thu được người Hán ca ngợi nên sứ Tống không thể đáp lại nổi. Dù vậy, phía Tống vẫn không trả đất.

Nhà Lý đã 2 lần gửi thư đòi vua Thần Tông nhà Tống phải trả 2 động nhưng vua Tống tìm mọi cách thoái thác. Sau khi Tống Thần Tông qua đời, Tống Triết Tông lên ngôi thì Thái hoàng thái hậu họ Cao nắm quyền nhiếp chính. Triều Lý tiếp tục gửi thư, cử sứ nói lý lẽ đề cập việc trả 2 động trên đến 4 lần nữa. Thế nhưng, Cao hậu đã khước từ cả 4 lần. Từ đó, vua Lý phải thôi hẳn, không thể nhắc đến việc hai động nữa.

Điều này quả là đáng tiếc vì khi ấy, nước ta cực thịnh trong khi nhà Tống lại đang suy lại không tận dụng được thời cơ. Vấn đề là vua Lý Nhân Tông không phải vị vua trưởng thành trên lưng ngựa như 3 vị vua đời trước là Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông nên không quyết liệt mạnh mẽ trong việc đấu tranh với phương Bắc. Còn Lý Thường Kiệt sau khi về trấn Thanh Hóa thì ảnh hưởng ông đối với Nhân Tông hình như cũng giảm đi nhiều.

Ngay cả sau khi Thái hoàng thái hậu nhà Tống mất (năm Quí Hợi 1093), vua Tống cầm quyền nhu nhược, đảng phái tân cựu lại khynh đảo nhau rất kịch liệt, quân Hạ đe dọa Tống ở miền bắc, mà vua Lý cũng không biết nhân cơ hội, cố đòi lại đất còn mất.

Có thể thấy rằng việc nhà Lý đấu tranh đòi đất với nhà Tống thì không thể chỉ ngồi nói lý lẽ suông được. Ngay cả khi có một người giỏi biện bác như Lê Văn Thịnh khiến người Tống cứng họng thì họ cũng không dễ dàng trả lại đất đã chiếm trong tay. Chỉ có Lý Thường Kiệt với chính sách khôn ngoan cả nhu lẫn cương, sẵn sàng dùng quân sự thì mới khiến vua tôi nhà Tống phải chấp thuận trả đất.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khánh thành và khai thác cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Diễn Châu – Bãi Vọt
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Chiều 28.4, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức lễ khánh thành Dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe đưa vào khai thác dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Muốn nhà Tống trả đất, không thể dùng lý lẽ suông