Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu muộn nhất là ngày 15.1, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn phải đi vào hoạt động trở lại đủ công suất.

Muộn nhất 15.1, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn phải hoạt động trở lại đủ công suất

Tuyết Nhung | 12/01/2023, 15:04

Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu muộn nhất là ngày 15.1, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn phải đi vào hoạt động trở lại đủ công suất.

Trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ngày 12.1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP).

locdaunghison16456973-6317-6209-1645697612.jpg
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Ông Lê Nguyễn Quốc Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn cho biết, ngày 25.12.2022, nhà máy phát hiện có khí thải rò rỉ tại khớp nối giãn nở nhiệt giữa tháp tái sinh xúc tác tầng 1 và tầng 2 và tiến hành giám sát, theo dõi. Đến sáng ngày 28.12 có thêm xúc tác rò rỉ cùng với dòng khí thải nên nhà máy đã đánh giá tình hình và chủ động quyết định dừng để sửa chữa nhanh khớp nối, dự kiến thời gian sửa chữa trong khoảng 4 đến 5 ngày.

Sau khi tiến hành dừng, làm nguội để sửa chữa khớp nối, nhà máy đã dùng cơ hội này để mở, kiểm tra bổ sung bên trong tháp tái sinh nhằm có thêm thông tin liên quan đến một vài thông số vận hành của tháp trong thời gian qua, và chuẩn bị cho đợt bảo dưỡng vào tháng 8.2023.

Khi kiểm tra bên trong, nhà máy phát hiện có hỏng hóc phát sinh tại vòng cấp khí. Do đó, nhà máy đã đánh giá và chủ động tiến hành kết hợp sửa chữa bổ sung để đảm bảo an toàn và ổn định vận hành phân xưởng trong năm 2023.

Hiện nhà máy đã chuẩn bị, huy động đủ và kịp thời các nguồn nhân lực, vật tư và dụng cụ cần thiết để tiến hành công việc từ ngày 4.1, sau khi rút xúc tác và làm nguội thiết bị. Đến thời điểm hiện tại (sáng ngày 12.1), tiến độ sửa chữa khớp nối đã hoàn thành, tiến độ sửa chữa vòng cấp khí đạt 94%, công việc còn lại là 2 mối hàn đang thực hiện và đắp vật liệu cách nhiệt xung quanh vùng mối hàn, tháo giàn giáo và đóng thiết bị.

Dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ và bàn giao thiết bị để khởi động lại trong sáng ngày 14.1.2023. Sau khoảng 3 đến 4 ngày phân xưởng RFCC sẽ ổn định ở công suất 100% và sẽ tăng lên đến 105-107% để bù đắp sự thiếu hụt.

Theo đại diện lãnh đạo của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, năm 2023, Công ty sẽ tiến hành tổ chức thực hiện công tác bảo dưỡng tổng thể lần đầu cho toàn nhà máy với tổng thời gian thực hiện theo kế hoạch là 55 ngày, bắt đầu từ 25.8.2023. Kế hoạch công suất năm 2023 đề ra là 79,6% (giảm do có gần 2 tháng bảo dưỡng tổng thể), tương ứng với khoảng 7,96 triệu tấn dầu thô sẽ được chế biến.

Hiện tại, sản lượng xăng dầu sản xuất và cung cấp ra thị trường duy trì là 17.000m3/ngày (5.000m3 xăng +12.000m3 Diesel); Lượng tồn kho tại thời điểm ngày 12.1 đối với xăng là 67.535m3 (32,5%), dầu Diesel là 58.738m3 (32,4%) và Jet A1 là 14.863m3 (50,5%), đáp ứng đủ thông báo với Bên bao tiêu sản phẩm và các thương nhân đầu mối.

Tổng sản lượng cung cấp ra thị trường trong tháng 1.2023 sẽ đạt 600.000m3, giảm một phần do công suất nửa đầu tháng 1.2023. Sản lượng xăng dầu kế hoạch đã báo cáo (tối thiểu) của tháng 2 sẽ là 620.000m3 và tháng 3 là 770.000m3. Tổng khối lượng quý 1/2023 giảm một ít so với kế hoạch. Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ tập trung tăng công suất trong nửa sau tháng 1.2023 và các tháng tiếp theo để bù lại phần bị sụt giảm.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong năm qua, thị trường xăng dầu đã gặp khó khăn 2 lần khi nhà máy gặp sự cố. Do đó, phải bằng mọi cách, mọi giá Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cùng với bên bao tiêu của PVN bảo đảm nguồn cung ra thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Những sự cố mà doanh nghiệp đang gặp phải được khắc phục nhanh và chứng minh bằng việc bảo đảm nguồn cung ra thị trường như sản lượng đã cam kết.

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu nhà máy phải nỗ lực thật cao để hoàn thành việc sự cố kỹ thuật ngay trong hôm nay hoặc ngày mai, muộn nhất là ngày 15.1 phải đi vào hoạt động, trở lại đủ công suất. Bên cạnh đó, nhà máy cũng phải huy động nguồn dự trữ thương mại kể cả thành phẩm, bán thành phẩm, liên kết với Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn và trong các kho dự trữ bảo đảm sản lượng giao cho các doanh nghiệp đầu mối không được giảm so với cam kết. Nếu nhà máy giảm thì doanh nghiệp phân phối cũng giảm, dẫn tới việc thiếu hụt xăng dầu.

Không chỉ trước, trong sau Tết, đặc biệt là tháng 8 khi bảo dưỡng định kỳ, Bộ trưởng đề nghị ngay sau khi khắc phục sự cố thì phải khẩn trương đẩy công suất đến tối đa để có lượng hàng tối đa bù đắp cho khoảng hơn 50 ngày nhà máy thực hiện bảo dưỡng định, kể cả sản phẩm và bán thành phẩm, bằng việc tăng công suất kho chứa, thậm chí phải thuê để có sản lượng hàng dự trữ lớn nhất.

"Nhà máy đã đặt ra kế hoạch bảo dưỡng định kỳ thì cố gắng giữ vững kỷ cương về mặt thời gian, dự kiến là 50 thì phải đúng 50 ngày, không được kéo dài. Bởi phía Nhà máy phải thông báo chắc chắn, rõ ràng bao nhiêu thời gian để Nhà máy có thể cung ứng được sản lượng thì Bộ Công Thương mới có cơ sở điều hành thị trường, tăng sản lượng phân giao", Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh.

Bài liên quan
Lọc dầu Nghi Sơn không cung cấp đủ xăng dầu, trách nhiệm thuộc về ai?
Người đứng đầu ngành Công Thương đề nghị cần phải có cam kết pháp lý nếu Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không cung cấp đủ xăng dầu

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Muộn nhất 15.1, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn phải hoạt động trở lại đủ công suất