“Công nhân cũng phải biết quản trị ở phạm vi công việc của họ. Hiện nay, công nhân không được đào tạo kỹ năng quản trị, có chăng chỉ được đào tạo một chút kỹ năng mềm”, PGS-TS Nguyễn Đăng Minh nói.

Muốn tăng năng suất, phải đào tạo cả tay nghề lẫn kỹ năng quản trị cho công nhân

Lam Thanh | 03/08/2021, 17:36

“Công nhân cũng phải biết quản trị ở phạm vi công việc của họ. Hiện nay, công nhân không được đào tạo kỹ năng quản trị, có chăng chỉ được đào tạo một chút kỹ năng mềm”, PGS-TS Nguyễn Đăng Minh nói.

Tại tọa đàm "Giải pháp cho nguồn nhân lực vừa thừa vừa thiếu trong sản xuất" do báo VnExpress tổ chức ngày 3.8, các chuyên gia cho rằng kỹ năng, ý thức của người lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Doanh nghiêp hầu hết phải đào tạo lại

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động cả nước không ngừng gia tăng suốt một thập niên qua, từ 50,4 triệu người năm 2010 lên 56,2 triệu người năm 2020. Tuy nhiên, báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho thấy lao động không chính thức và phổ thông vẫn chiếm phần chủ yếu.

Theo đó, lực lượng đã qua đào tạo, có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, khoảng 24,5% năm 2020, trong khi nhân sự đã qua đào tạo lại chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Kỹ năng của lao động Việt Nam cũng bị đánh giá còn nhiều hạn chế, với 46/100 điểm (xếp thứ 103 trên thế giới), chỉ cao hơn Indonesia, Lào và kém rất xa so với nhóm ASEAN-4.

lo-dong.png
Các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm

Ngoài ra, cạnh tranh quốc tế bằng lao động phổ thông, nhân công giá rẻ không còn đem lại hiệu quả, khiến Việt Nam yếu thế, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và cuộc cách mạng 4.0.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng lao động của Việt Nam vừa thừa vừa thiếu là bài toán khá nan giải, từ cách đây 10 năm.

“Với tư cách nhà tuyển dụng thì hầu như chúng tôi phải đào tạo lại lao động, đặc biệt là công nhân. Đối với những lao động “cổ trắng” thì mất thời gian đào tạo lâu hơn, thậm chí phải đưa ra nước ngoài đào tạo từ 3-6 tháng”, bà Hương nói.

huong.png
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. Ảnh Trí Lâm

PGS-TS Nguyễn Đăng Minh, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn, Viện Quản trị tinh gọn GKM (Công ty GKM Việt Nam), giảng viên Trường đại học Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) cho biết Việt Nam đã đổi mới được 30 năm và cần phải vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, thoát khỏi tình trạng làm những việc gia công, đơn giản. Để thoát được thì phải làm được việc khó hơn, kiến tạo được sản phẩm dịch vụ, tham gia được nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thay thế được hàng nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu.

Theo ông Minh, yếu tố quan trọng nhất để thoát ra bẫy thu nhập trung bình là nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực có 3 cấp: Lãnh đạo, quản lý cấp trung, nhân viên. Nhân lực chất lượng cao phải có ở cả 3 khu vực này. Chất lượng cao là phải tham gia vào sản xuất được những sản phẩm, dịch vụ có nhiều giá trị. Hiện tại Việt Nam đang thiếu nhân lực chất lượng cao ở cả 3 cấp này.

Ông Minh cho rằng, trong tương lai, các nước cũng sẽ không tìm đến Việt Nam vì nguồn nhân công giá rẻ nữa vì giá nhân công sẽ tăng dần. Do đó, không còn cách nào khác phải tăng cường chất lượng nhân lực.

Ông Tào Bằng Huy, Phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cho rằng nhận định Việt Nam có nguồn lao động giá rẻ, dồi dào thì hiện nay không còn phù hợp, bởi tốc độ già hóa dân số đã làm giảm đi lợi thế này.

Cụ thể, tốc độ tăng lực lượng lao động của Việt Nam cũng đang giảm dần. Trước 2010 thì mỗi năm tăng 1,2 triệu người, nhưng các năm gần đây thì mỗi năm chỉ tăng 400.000 người. Đặc biệt năm ngoái lực lượng lao động còn giảm so với năm 2019 và tình trạng người lao động thiếu việc làm đang xảy ra khắp nơi.

huy.png
Ông Tào Bằng Huy, Phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội. Ảnh Trí Lâm (chụp qua màn hình)

“Thời gian tới, chúng ta vẫn sẽ thiếu lao động có tay nghề cao như công nghệ thông tin, sinh học, cơ điện tử; người lao động có kỹ năng kém sẽ khó tìm việc làm. Để đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thì phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung đào tạo lao động có tay nghề để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp”, ông Huy nói.

Đào tạo quản trị lẫn tay nghề để tăng năng suất

Về nguyên nhân tăng năng suất lao động chậm, theo ông Nguyễn Đăng Minh, năng suất lao động có ảnh hưởng lớn tới năng lực quản trị và năng lực nghề. Tổng thời gian đào tạo tay nghề nhiều hơn rất nhiều so với đào tạo kỹ năng quản trị. Tuy nhiên, năng suất lao động bằng kỹ năng quản trị nhân với kỹ năng nghề. Kỹ năng quản trị xuống và kỹ năng nghề lên thì năng suất lao động cũng không tăng. Muốn tăng năng suất thì phải tăng cả hai.

“Ngay cả công nhân cũng phải biết quản trị ở phạm vi công việc của họ. Hiện nay công nhân không được đào tạo kỹ năng quản trị, có chăng chỉ được đào tạo một chút kỹ năng mềm”, ông Minh nói.

Ví von điều này, ông Minh cho hay: “Chúng ta biết nấu cơm nhưng không biết quản trị việc nấu cơm thì thời gian nấu một bữa cơm rất dài, tốn nhiều nguyên vật liệu, rườm rà. Ngược lại, nếu quản trị tốt nhưng không biết kỹ thuật nấu cơm thì cũng không ra được cơm ngon”.

minh.png
PGS-TS Nguyễn Đăng Minh, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn, Viện Quản trị Tinh gọn GKM. Ảnh Trí Lâm (chụp qua màn hình)

Theo đó, cần phải đào tạo quản trị cho người lao động, chứ không chỉ là kỹ năng mềm. Lâu nay Việt Nam chỉ tập trung đào tạo quản trị cho người lãnh đạo, quản lý chứ không tập trung vào người lao động, trong khi người lao động chiếm tới 80% thứ tổng giá trị mà người ta hay nói về năng suất.

“Tôi nghĩ cần phải thay đổi lại các chương trình đào tạo từ cấp 1. Cái quan trọng của năng suất là sản phẩm, chứ không phải là điểm số, bằng cấp. Nhận thức về năng suất phải thay đổi. Cần chú trọng về sản phẩm cuối cùng chứ không phải sản phẩm trung gian như bằng cấp”, ông Minh nêu.

Theo bà Hương, người lao động Việt Nam đang thiếu cả tay nghề và ý thức lao động. Tác phong công nghiệp của lao động Việt Nam gần như là bằng 0, kể cả những sinh viên xuất thân từ các trường danh tiếng. Các doanh nghiệp Nhật họ có câu rất hay là “đã tốt rồi còn có thể tốt hơn”. Họ đạt được năng suất cao, sản phẩm tốt nhưng họ vẫn luôn luôn cải tiến, vẫn luôn tìm ra các thiếu sót để hoàn thiện hơn.

“Ý thức này không phải chỉ từ nhà lãnh đạo, quản lý mà họ cũng khuyến khích cả công nhân có ý thức luôn luôn cải tiến. Ý thức kỷ luật lao động, ý thức luôn luôn hoàn thiện bản thân phải được đào tạo từ khi còn trong nhà trường, từ bé”, bà Hương nêu.

Ở góc độ quản lý, ông Tào Bằng Huy cho rằng Việt Nam đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ví dụ quyết định 176 của Thủ tướng.

Hiện nay Bộ LĐ-TB-XH đang nghiên cứu xây dựng đề án đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực trọng yếu thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Ông Huy cho rằng cần tập trung vào việc đánh giá, dự báo được các ngành nghề mới trong tương lai, nhu cầu sử dụng lao động và kỹ năng của từng ngành nghề đó; tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là kỹ năng, tác phong… của người lao động, vì đây là yếu tố sát sườn nhất đối với các doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Huy cũng trao đổi về ý thức và tác phong lao động, cho rằng các trường cũng chỉ đào tạo được một phần thôi, nên các doanh nghiệp cũng cần tham gia vào việc đào tạo. Đồng thời, các trường phải xây dựng cơ chế đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp. Hiện nay các trường đào tạo theo cái mình có mà không phải lúc nào cũng đào tạo cái mà thị trường lao động, doanh nghiệp cần. Đây là câu chuyện từ nhiều phía chứ không đơn thuần chỉ là từ người lao động.

Bài liên quan
 Lương tăng nhanh hơn năng suất lao động tạo ra vòng xoáy luẩn quẩn
Theo PGS-TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, tốc độ tăng lương nhanh hơn tăng năng suất lao động sẽ ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, tích lũy tư bản chậm lại và không mở rộng được sản xuất để thu hút lao động. Điều này theo ông Thành lại tạo ra vòng xoáy luẩn quẩn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Muốn tăng năng suất, phải đào tạo cả tay nghề lẫn kỹ năng quản trị cho công nhân