Trưởng phòng Nghiên cứu và thiết kế của Lầu Năm Góc Michael Griffin cho biết quân đội Mỹ cần chọn đầu tư vào các hệ thống cần thiết nếu muốn đủ khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công tên lửa từ Trung Quốc và Nga.

Mỹ bừng tỉnh trước tham vọng tên lửa của Nga và Trung Quốc

18/08/2019, 06:31

Trưởng phòng Nghiên cứu và thiết kế của Lầu Năm Góc Michael Griffin cho biết quân đội Mỹ cần chọn đầu tư vào các hệ thống cần thiết nếu muốn đủ khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công tên lửa từ Trung Quốc và Nga.

Mỹ bắt đầu cảnh giác với tên lửa Trung Quốc - Ảnh: Internet

Michael Griffin cho biết chính sách quốc gia trong lịch sử Mỹ chưa coi việc chống lại tên lửa nước khác là ưu tiên (có lẽ vì Mỹ luôn nghĩ mình trong tư thế chủ động). "Các hệ thống phòng thủ ngày nay được thiết kế để chống lại các quốc gia bất hảo", Michael Griffin nói tại Viện Hudson hôm thứ ba. "Nếu bạn muốn nhiều hơn, bạn phải chi thêm. Nhưng chúng ta lại chọn không làm điều đó".

Nhưng lúc này Mỹ có vẻ bị sốc và thức tỉnh sau khi Nga thử tên lửa hành trình dùng nhiên liệu là năng lượng hạt nhân. Một vụ nổ ở Nga hôm 8.8 ngoài khơi bờ biển phía bắc Nga, làm bức xạ trong khu vực tăng gấp 200 lần so với mức bình thường.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 8.8 cho biết vụ nổ tại căn cứ hải quân Nga ở thành phố Arkhangelsk cùng ngày xuất phát từ quá trình thử nghiệm động cơ tên lửa khiến 2 người chết, 6 người khác bị thương nhưng họ nói tên lửa đó dùng nhiên liệu lỏng chứ không phải hạt nhân.

Một số chuyên gia và quan chức tình báo Mỹ cho rằng đó là kết quả của một vụ thử thất bại tên lửa Skyfall mới của Nga, loại tên lửa phóng bằng năng lượng hạt nhân. "Động cơ tên lửa dùng nhiên liệu lỏng nếu nổ không tạo ra phóng xạ, chúng ta biết rằng Nga đang nghiên cứu một số loại động cơ hạt nhân cho tên lửa hành trình", chuyên gia Ankit Panda thuộc Liên đoàn Khoa học Mỹ nhấn mạnh.

Lầu Năm Góc lúc này đã ý thức việc chuyển trọng tâm để chống lại các mối nguy hiểm mà Trung Quốc và Nga đặt ra. Trong gần hai thập niên trước, các quan chức Mỹ luôn cho rằng mối đe dọa tên lửa lớn nhất đối với Mỹ đến từ các quốc gia như Triều Tiên hoặc Iran mà bỏ quên Nga và Trung Quốc. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc liên tục mở rộng và đầu tư vào kho dự trữ tên lửa của họ nên có những lo ngại từ Mỹ rằng nước này đã tụt lại phía sau.

Giả thuyết về tên lửa Hypersonic (hay còn gọi là Siêu vượt âm) là mối lo ngại lớn nhất. Thứ vũ khí tối tân này nhanh hơn các tên lửa khác, khiến chúng có khả năng tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường. Griffin giải thích rằng tên lửa Hypersonic hoạt động trong một không gian giữa khu vực phòng không và phòng thủ tên lửa. Chúng "mờ" gấp 10 đến 20 lần so với các tên lửa khác, nghĩa là vào thời điểm chúng được radar phát hiện được thì thường là quá muộn để vô hiệu hóa.

Nga và Trung Quốc đều được cho là đã có những tiến bộ đáng kể trong nghiên cứu tên lửa Hypersonic mà Mỹ lại đứng ngoài cuộc. "Chúng tôi đã chọn không vũ khí hóa ở đó (cấp độ Hypersonic)", Griffin nói. "Từ góc độ chính sách, bạn biết đấy, chúng tôi vốn không nghĩ rằng thế giới cần một loại vũ khí mới".

Nga liên tục đầu tư vào phát triển tên lửa

Để phòng thủ trước tên lửa thuộc Hypersonic, Griffin cho biết Mỹ cần một hệ thống phát hiện trong lớp không gian mới, hoạt động trong quỹ đạo thấp. “Các vệ tinh ngày nay có quỹ đạo quá cao, trong khi số lượng radar tầm xa được triển khai trên mặt đất cần thiết để có thể chống lại mối đe dọa sẽ là không thực tế”, Griffin nói với ý dùng radar phải cần số lượng rất nhiều mới đủ phát hiện tên lửa Hypersonic.

"Tổng thống Trump, hoàn toàn chính xác, đã đưa ra nhu cầu về một lớp phòng thủ như vậy và ngân sách của chúng ta đã không thể đáp ứng điều đó", ông Griffin nói. Thay vào đó, chính quyền đã quyết định tập trung vào việc sản xuất các tên lửa mang nặng tính năng tấn công để ngăn chặn kiểu phủ đầu trước. Griffin và các đồng nghiệp khẳng định Mỹ cần chi thêm ngân sách để nghiên cứu và phát triển cho hệ thống phát hiện tên lửa Hypersonic trong năm tới.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiết lộ tên lửa Hypersonic vào tháng 3.2018, tuyên bố rằng nó làm cho các hệ thống phòng thủ "vô dụng". Tên lửa Burevestnik (phương Tây gọi là Skyfall) là một trong 6 siêu vũ khí được Tổng thống Putin đề cập khi ấy. Về lý thuyết, việc trang bị động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân giúp "siêu tên lửa hành trình" này có tầm bắn không giới hạn và có thể bay theo những quỹ đạo khó lường nhất nhằm xuyên thủng lá chắn tên lửa đối phương.

Đáp lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khoe về công nghệ tên lửa của Mỹ trong tweet hôm thứ hai 12.8. "Mỹ đang học hỏi nhiều từ vụ nổ tên lửa thất bại ở Nga", ông tweet. "Chúng tôi có công nghệ tương tự, mặc dù tiên tiến hơn. Vụ nổ Skyfall của Nga khiến mọi người lo lắng về không khí xung quanh và ngoài xa khu vực đó. Không tốt".

Trong khí động học, Hypersonic hay tốc độ siêu vượt âm là một tốc độ vượt xa tốc độ âm thanh, thường được ghi nhận là bắt đầu từ tốc độ Mach 5 trở lên, tức là gấp 5 lần vận tốc âm thanh (vốn khoảng 350 m/giây). Số Mach chính xác mà một vật thể đang bay ở tốc độ siêu vượt âm (hay còn gọi là cực thanh) thường không cố định, do những thay đổi vật lý riêng lẻ trong luồng khí (như phân ly và ion hóa) xảy ra ở các tốc độ khác nhau.

Hiện đã có một số loại tên lửa đạt tốc độ Hypersonic nhưng chúng chỉ là các tên lửa tầm ngắn.

Tên lửa Shaurya do Ấn Độ đang sản xuất, có thể đạt tốc độ 7,5 Mach nhưng chỉ có thể phóng trong phạm vi 700km.

Tên lửa BrahMos-II do Nga và Ấn Độ hợp tác nghiên cứu có tốc độ 8 Mach cũng chỉ có tầm phóng dưới 700km

Tên lửa 9K720 Iskander của Nga có tốc độ 6 Mach với tầm bắn dưới 500km.

Do vậy, nếu có một tên lửa hành trình đạt tốc độ Hypersonic thì đó sẽ là đột phá mới trong công nghệ tên lửa khi nó vừa nhanh lại vừa có phạm vi phóng rộng. Trong đó, nhiên liệu để giúp tên lửa vừa phóng nhanh, vừa phóng xa là điểm công nghệ then chốt nhất.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ bừng tỉnh trước tham vọng tên lửa của Nga và Trung Quốc