Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào hôm nay do lo ngại Nga có thể tấn công Ukraine bằng bom và tên lửa bất cứ lúc nào.
Như vậy, áp lực của chiến tranh đã lên rất cao buộc Mỹ phải chủ động nói chuyện với Nga.
Trước đó, Tổng thống Pháp từng đến Moscow đàm phán nhưng Nga chê theo kiểu Pháp "chưa đủ tuổi" nói chuyện. Điện Kremlin đã ra tuyên bố rằng: "“Pháp giữ chức chủ tịch Hội đồng EU, và Pháp là thành viên của NATO, nơi Paris không có quyền lãnh đạo. Trong khối này, quyền lãnh đạo thuộc về một quốc gia hoàn toàn khác. Chúng ta có thể nói về những giao dịch nào đây?”. Rõ ràng, điện Kremlin chỉ muốn nói chuyện với trùm cuối của NATO, tức là Mỹ để giải quyết khủng hoảng Ukraine.
Tiếp đến, Ngoại trưởng Anh đến Moscow nhưng bà Liz Truss lại bị Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chơi một vố đau về kiến thức địa lý khi gài bà bác bỏ chủ quyền của Nga với vùng Rostov và Voronezh trong khi đây là 2 tỉnh thuộc Nga lâu đời. Đại sứ Anh tại Nga đã phải nhắc bà Truss về hớ hênh này. Cuộc họp Nga - Anh được Nga mỉa mai là cuộc nói chuyện giữa người câm với người điếc.
Các cuộc đàm phán mang tính cấp cao nhất giữa Mỹ và Nga diễn ra giữa thời điểm mà các quan chức Mỹ mô tả là một điểm mấu chốt quan trọng trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Một sự gia tăng đáng kể của lực lượng quân đội và khí tài quân sự của Nga đã bao vây Ukraine và chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Cho tới 11.2, Nhà Trắng cho biết họ vẫn chưa rõ về ý định của ông Putin. Nhưng điều đó không ngăn được các quan chức Mỹ tăng cường cảnh báo "khả năng khác biệt" về một cuộc tấn công có thể xảy ra nhanh chóng.
Cuộc nói chuyện qua điện thoại của Biden với Putin - dự kiến vào 11 giờ sáng nay theo giờ miền đông (tối muộn giờ Việt Nam). Đây sẽ là cuộc nói chuyện đầu tiên của lãnh đạo Nga – Mỹ kể từ cuối tháng 12. Kể từ đó, theo đánh giá của tình báo Mỹ, số lượng quân Nga ở gần Ukraine đã tăng lên và triển vọng của một cuộc chiến tranh cũng tăng lên.
Một loạt nhà lãnh đạo phương Tây đã thực hiện các nỗ lực đàm phán mà cho đến nay dường như không có kết quả trong việc xoa dịu tình hình. Hôm qua, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc các nước phương Tây và giới truyền thông đang lan truyền một "chiến dịch thông tin sai lệch quy mô lớn", nhằm quảng bá luận điểm về “một cuộc xâm lược” được cho là của Nga nhắm vào Ukraine.
Moscow nêu: "Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, không gian thông tin toàn cầu phải đối mặt với một chiến dịch truyền thông chưa từng có về quy mô và mức độ tinh vi. Mục đích là thuyết phục cộng đồng thế giới rằng Liên bang Nga đang chuẩn bị xâm lược lãnh thổ Ukraine”, đồng thời Bộ ngoại giao Nga cáo buộc các quốc gia và phương tiện truyền thông phương Tây lan truyền thông tin sai lệch "nhằm chuyển hướng sự chú ý khỏi các hành động gây hấn của chính họ".
Hôm qua, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga sẽ nói chuyện qua điện thoại nhưng không nói rõ khi nào. Tổng thống Biden vốn đã lên kế hoạch cho kỳ nghỉ cuối tuần tại trại David.
Trước đó, chính ông Sullivan cảnh báo một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine có thể sớm tiến hành, bắt đầu bằng các cuộc ném bom trên không và các cuộc tấn công bằng tên lửa. Ông khuyên tất cả người Mỹ nên rời khỏi đất nước vì sự an toàn của chính họ càng nhanh càng tốt.
"Bất kỳ người Mỹ nào ở Ukraine cũng nên rời đi càng sớm càng tốt, và trong vòng 24 đến 48 giờ tới, bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra. Chúng tôi rõ ràng không thể đoán trước được tương lai, chúng tôi không biết chính xác điều gì sẽ xảy ra. Nhưng rủi ro hiện đã đủ cao và mối đe dọa hiện nay đủ để đòi hỏi sự thận trọng ngay lập tức".
"Nếu một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine tiến hành, nó có khả năng bắt đầu bằng các cuộc ném bom trên không và các cuộc tấn công tên lửa rõ ràng có thể khiến thiệt mạng dân thường không phân biệt quốc tịch. Một cuộc xâm lược mặt đất tiếp theo rõ ràng sẽ liên quan đến sự tấn công của một lực lượng lớn".