Biến đổi khí hậu, COVID-19 và sự cưỡng ép của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ là những chủ đề chính của chương trình nghị sự của Bộ tứ (Quad) nhóm họp tại Úc hôm 11.2.
Theo Reuters, các vấn đề về biến đổi khí hậu, COVID-19 và "sự ép buộc" của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ đứng đầu chương trình nghị sự khi các ngoại trưởng của "Bộ tứ kim cương" - Quad (gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ) - nhóm họp tại Melbourne (Úc) hôm 11.2. Khủng hoảng leo thang giữa phương Tây và Nga về vấn đề Ukraine cũng được cho là sẽ thảo luận tại sự kiện này.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Úc trong tuần này khi Washington đang vật lộn với thế trận nguy hiểm với Nga, quốc gia đã tập trung khoảng 100.000 quân gần biên giới Ukraine và khiến phương Tây lo ngại về một cuộc xâm lược. Nga phủ nhận họ có kế hoạch như vậy.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Joe Biden muốn cho thế giới thấy rằng trọng tâm chiến lược dài hạn của Mỹ vẫn là ở châu Á - Thái Bình Dương và rằng một cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại lớn ở một khu vực trên thế giới không làm nước này sao lãng các ưu tiên chính.
Phát biểu trước khi bắt đầu cuộc gặp song phương với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Úc Marise Payne cho biết ngoài hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và COVID-19, hai nhà ngoại giao cũng sẽ thảo luận về Trung Quốc, Triều Tiên và Ukraine.
"Nhiều hơn một chế độ độc tài đang nổi lên trên thế giới hiện nay như một thách thức. CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc - họ sẽ là một phần trong các cuộc thảo luận của chúng tôi. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ sự lãnh đạo của Mỹ về những thách thức này", bà Payne nhấn mạnh.
"Tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ nói chuyện hôm nay về các mối đe dọa đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", bà nói thêm.
Anh cho biết "thời điểm nguy hiểm nhất" trong cuộc đối đầu giữa phương Tây với Moscow sắp xảy ra, khi Nga tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở Belarus và Biển Đen sau khi lực lượng của họ được tăng cường gần Ukraine.
Trao đổi với các nhân viên tại Lãnh sự quán Mỹ ở Melbourne hôm 10.2, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết Washington làm việc “24/7” về cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng vẫn chú trọng đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - một khu vực mà ông cho là quan trọng trong việc định hình thế kỷ 21.
“Điều quan trọng là chúng ta phải hiện diện, chúng ta gắn bó và dẫn đầu trong khu vực này", Blinken cho hay.
Cả hai ngoại trưởng Mỹ và Úc đều khẳng định yếu tố quan trọng của cuộc thảo luận Quad sẽ tập trung vào việc thiết lập một môi trường khu vực không bị "ép buộc", ám chỉ tham vọng kinh tế và quân sự ngày càng mở rộng của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Phát biểu trước Quốc hội Úc, bà Payne cho biết sự hợp tác của Quad trong việc ứng phó COVID-19 tại khu vực là “thiết yếu nhất”. Bên cạnh đó, an ninh mạng, an ninh hàng hải, hạ tầng cơ sở, hành động khí hậu và cứu trợ thảm họa - đặc biệt là sau vụ núi lửa phun trào tại Tonga gần đây - cũng được chú trọng.
Trao đổi với các phóng viên trên máy bay trên đường tới Melbourne, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cũng mô tả Quad là một "cơ chế mạnh mẽ" để cung cấp vắc xin trên toàn thế giới, cũng như đẩy lùi "hành động xâm lược và cưỡng bức" ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhưng không nêu đích danh Trung Quốc.
Hãng tin Reuters nhận định, các ngoại trưởng của nhóm Quad sẽ làm việc để thúc đẩy các mục tiêu kể trên nhưng không công bố các cam kết mới mà phải chờ đến hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Quad vào tháng 5 ở Nhật Bản - nơi Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến tham dự.
Chuyến công du của ông Blinken diễn ra vài ngày sau khi Trung Quốc và Nga tuyên bố vào tuần trước là quan hệ đối tác chiến lược "không có giới hạn". Đây được coi là lời cảnh báo quyết đoán và chi tiết nhất của Moscow và Bắc Kinh nhằm đối phó Mỹ cũng như để xây dựng một trật tự quốc tế mới dựa trên cách diễn giải của riêng họ về nhân quyền và dân chủ.
Mối quan hệ Mỹ - Trung hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ khi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới bất đồng về các vấn đề từ Hồng Kông, Đài Loan đến Biển Đông và cách đối xử của Trung Quốc với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Tổng thống Biden hồi tháng 10 năm ngoái đã nói với các nhà lãnh đạo châu Á rằng Mỹ sẽ khởi động các cuộc đàm phán về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có nhiều chi tiết liên quan được hé lộ và chính quyền Mỹ "miễn cưỡng" cho phép các nước châu Á tiếp cận thị trường nhiều hơn như họ mong muốn vì e rằng việc này sẽ đe dọa việc làm của người Mỹ.
Những nhà phê bình cho rằng thiếu sự giao tiếp kinh tế của Mỹ là điểm yếu quan trọng trong cách tiếp cận của chính quyền Biden tại khu vực, nơi Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của nhiều quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.