Mỹ và nhiều chuyên gia vũ khí đã tỏ ra nghi ngờ về khả năng thử nghiệm thành công bom H của Triều Tiên, một quốc gia tự cô lập và cần thêm nhiều năm nữa để hoàn thành công nghệ bom hạt nhân.
Ngày 6.1, Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm thành công một quả bom hạt nhân. Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng chỉ trích động thái của Bình Nhưỡng, trong khi Mỹ và một số chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về khả năng của quốc gia này. Washington cho rằng một đất nước cô lập như Triều Tiên hiện không đủ khả năng chế tạo bom H.
Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Bình Nhưỡng đã tiến hành một vụ thử nghiệm hạt nhân, nhưng chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang thảo luận về khả năng thành công của cuộc thử nghiệm. Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói với các phóng viên rằng: “Các phân tích ban đầu không cho thấy Triều Tiên đã thử nghiệm thành công bom H”.
Sẽ mất vài ngày để xác thực những tuyên bố của Triều Tiên bằng những thiết bị giám sát hạt nhân như các cảm biến hay máy bay thu thập chứng cứ. Bom H có thể gây ra một vụ nổ mạnh hơn nhiều so với bom nguyên tử, khi sử dụng 2 quá trình phân hạch và nhiệt hạch để giải phóng năng lượng.
Cơ quan tình báo Hàn Quốc và một số nhà phân tích cũng đặt câu hỏi liệu vụ nổ vào ngày 6.1 là một thử nghiệm bom H, hay chỉ tương tự như các vụ thử nghiệm hạt nhân bom A (nguyên tử) từng được tiến hành vào năm 2013.
Theo thông tin từ văn phòng của một quan chức thuộc Ủy ban tình báo thuộc Quốc hội Hàn Quốc, vụ thử nghiệm vừa tuyên bố của Triều Tiên có sức công phá tương đương với 6-7 tấn TNT, khá giống với cuộc thử nghiệm bom A trước đó.
Yang Ukraine, một nhà nghiên cứu cấp cao của Diễn đàn an ninh và quốc phòng Hàn Quốc nhận định: “Với sức mạnh đã thể hiện, rất khó để tin rằng đây là một quả bom H thực sự. Do có sử dụng hydrogen, nên Bình Nhưỡng tuyên bố quả bom là bom H. Tuy nhiên, nó không phải là một quả bom nhiệt hạch đúng chất với khả năng sản sinh lượng megaton lớn”.
Ông Earnest cho biết kế hoạch thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên “vi phạm trắng trợn” nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Nga đã lên tiếng chỉ trích động thái của Bình Nhưỡng. Bắc Kinh, nước hậu thuẫn kinh tế và ngoại giao cho Triều Tiên, khẳng định sẽ tiến hành các hoạt động ngăn chặn kế hoạch của quốc gia láng giềng.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ban hành các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng kể từ khi quốc gia này tiến hành các vụ thử nghiệm hạt nhân vào năm 2006, và có thể đối mặt với các biện pháp xử phạt bổ sung nếu cố tình vi phạm các quy định. Giới chức Hội đồng Bảo an cho biết sẽ ngay lập tức bàn bạc về các lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên.
Cuộc thử nghiệm hạt nhân vào ngày 6.1 diễn ra trước sinh nhật của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un 2 này. Chính quyền Bình Nhưỡng tỏ ra tự hào với thành công của cuộc thử nghiệm và nhấn mạnh đến sức mạnh quân sự của Triều Tiên. Quốc gia Đông Á này cũng cho biết bom hạt nhân là yêu cầu nhất thiết để bảo vệ đất nước khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài và duy trì kiểm soát trong nước.
Hàn Giang (theo Reuters)