Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã lên án mạnh mẽ Trung Quốc vì công khai các bức ảnh và thông tin cá nhân của một nhà ngoại giao Mỹ, người gặp gỡ các lãnh đạo sinh viên của phong trào ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông.
Lời chỉ trích này được đưa ra trong lúc Bắc Kinh và Washington đang lâm vào cuộc chiến thương mại và căng thẳng leo thang liên quan đến những tranh cãi khác như về Đài Loan, Biển Đông.
Phát biểu tại cuộc họp báo tại Washington D.C hôm 8.8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết: “Tôi nghĩ rằng không nên tiết lộ thông tin cá nhân, hình ảnh của một nhà ngoại giao Mỹ, tên tuổi con cái họ, tôi không nghĩ việc đó là một sự phản kháng đúng thủ tục”.
“Đó không phải là cách mà một quốc gia có trách nhiệm sẽ hành xử. Làm rò rỉ tin tức cá nhân của một nhà ngoại giao Mỹ là hoàn toàn không thể chấp nhận được”, bà Ortagus nhấn mạnh.
Nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã không nêu tên nhà ngoại giao đã gặp gỡ các lãnh đạo sinh viên của phong trào ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông, hoặc giải thích thêm về những loại thông tin cá nhân hoặc thông tin chi tiết về những đứa trẻ đã bị truyền thông của Trung Quốc tiết lộ.
Bà Ortagus cũng khẳng định rằng việc các nhà ngoại giao Mỹ gặp gỡ mọi người là công việc bình thường. “Đó không chỉ là điều mà các nhà ngoại giao Mỹ làm. Đó là điều mà nhà ngoại giao của các nước khác cũng làm”.
Phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra sau khitờ Ta Kung Pao - một tờ báothân Trung Quốc của Hồng Kông đã đăng tải một bức ảnh cho thấy nhà ngoại giao Mỹ được xác định là bà Julie Eadeh, người đứng đầu bộ phận phụ trách chính trị thuộc Tổng lãnh sự Mỹ tại Hồng Kông, đang nói chuyện với các lãnh đạo sinh viên phong trào dân chủ Hồng Kông tại một hành lang của khách sạn sang trọng. Ngoài ra, chi tiết thông tin cá nhân cũng như gia đình của bà Eadeh cũng bị đăng tải.
Đáng chú ý, tờ báo này đăng ảnh nhà ngoại giao Mỹ kèm dòng tựa: “Lực lượng nước ngoài can thiệp”.
Theo New York Times, đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) thậm chí đã gọi nhà ngoại giao Mỹ bị tờ Ta Kung Pao tiết lộ danh tính là “bàn tay đen phía sau hậu trường tạo ra sự hỗn loạn tại Hồng Kông” - thuật ngữ đã từng được sử dụng để chống lại những người lãnh đạo các phong trào biểu tình tại Thiên An Môn năm 1989.
Cũng trong ngày 8.8, văn phòng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Hồng Kông đã yêu cầu Mỹ giải thích về các báo cáo trên truyền thông Trung Quốc rằng giới ngoại giao của Mỹ liên lạc với lãnh đạo sinh viên của các cuộc biểu tình vốn đã làm rung chuyển Hồng Kông thời gian qua.
Ước tính hàng triệu người Hồng Kông đã xuống đường biểu tình trong 3 tháng qua để phản đối dự luật dẫn độ sẽ cho phép nghi phạm được gửi đến Trung Quốc đại lục để xét xử tại các tòa án do Bắc Kinh kiểm soát.
Các cuộc biểu tình đã tạo nên một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất ở Hồng Kông kể từ khi được trao trảvề Trung Quốc 22 năm trước. Điều này cũng đặt ra một thách thức lớn đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trước áp lực của các cuộc biểu tình, đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga hôm 9.7 đã tuyên bố dự luật dẫn độ gây tranh cãi “đã chết”, đồng thời thừa nhận chính quyền đã “thất bại hoàn toàn” trong tiến trình thông qua dự luật.
Tuy nhiên, những nhượng bộ do bà Lâm đưa ra dường như vẫn chưa đủ thuyết phục để làm dịu cơn giận dữ của những người biểu tình, vì không có yêu cầu chính nào của họ - bao gồm rút lại hoàn toàn dự luật, bỏ các cáo buộc chống lại một số người biểu tình, bầu cử lãnh đạo trực tiếp và sự từ chức của bà Lâm, được đáp ứng.
Hoàng Vũ (theo Reuters, Sputnik)