Bộ Thương mại Mỹ ngày 21.5 đã ra quyết định áp thuế nhập khẩu mạnh lên các sản phẩm thép từ Việt Nam nhưng có nguồn gốc được cho là từ Trung Quốc, sau khi kết quả điều tra cuối cùng xác định những sản phẩm thép này "né" thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ.
Quyết định này đánh dấu một chiến thắng lớn với cácnhà sản xuất thép của Mỹ, bởi vì năm 2015 và 2016 khi các công ty thép Mỹ thắng trong vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp nhằm vào thép Trung Quốc, nhưng các sản phẩm thép từ Trung Quốcvẫn "tuồn" vào thị trường Mỹ thông qua nhiều quốc gia khác. Trước tình hình trên, Mỹ xác định thép Trung Quốc đang được chuyển sang quốc gia khác để xuất vào thị trường Mỹ nhằm né thuế.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết Cơ quan hải quan Mỹ sẽ thu thuế chống bán phá giá lên mức 199,76% và thuế chống trợ cấp 256,44% đối với thép cuộn cán nguội được sản xuất tại Việt Nam nhưng có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Bộ này cũng cho biết sẽ áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tương tự đối với thép chống gỉ và thép cuộn cán nguội từ Việt Nam có nguồn gốc là thép cuộn cán nóng từ Trung Quốc. Theo đó, thép chống gỉ từ Việt Nam sẽ chịu mức thuế chống bán phá giá 199,43% và thuế chống trợ cấp 39,05%.
Ngành công nghiệp thép toàn cầu hiện phải đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung, trong đó chủ yếu là từ Trung Quốc, gây sức ép lớn khiến giá thép giảm mạnh.
Quyết định áp thuế Việt Nam của Mỹ được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu (EU) phát hiện vào tháng 11.2017 các lô hàng thép từ Việt Nam vào EU trốn thuế. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất thép Mỹ: Arcelor Mittal, Nucor, AK Steel và United States Steel... cũng đệ đơn kiện cáo buộc các nhà sản xuất thép Trung Quốc chuyển thép sang Việt Nam ngay sau khi bị Mỹ áp thuế.
Bộ Thương mại cho biết sau khi áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm thép của Trung Quốc trong năm 2015, các lô hàng thép cán nguội từ Việt Nam vào Mỹ đã tăng tới 215 triệu USD mỗi năm từ 9 triệu USD, trong khi nhập khẩu thép chống ăn mòn tăng lên 80 USD triệu USD từ mức 2 triệu USD.
Quyết định áp thuế cao của Mỹ được cho làgây khó khăn đến việc xuất khẩu thép Việt Nam. Bởi vì khi thuế tăng cao, các doanh nghiệp buộc phải nâng giá thành sản phẩm, từ đó rất khó để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trong thời gian qua, thép Việt đã chịu không ít áp lực từ phía Mỹ, một thị trường xuất khẩu thép lớn của Việt Nam, chiếm tới hơn 11%. Cụ thể, vào giữa tháng 1.2018, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra quyết định sơ bộ trong vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam do quốc gia này nghi ngờ 90% thép Việt Nam xuất sang Mỹ là có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trước tình hình này, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam đã lên tiếng khẳng định 90% thép Việt Nam vận chuyển sang Mỹ được sản xuất tại Trung Quốc là không chính xác.
Tuyết Nhung