Hãng tin Deutsche Welle dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo đại sứ quán nước này tại quần đảo Solomon - đảo quốc Thái Bình Dương ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc năm ngoái - đã đi vào hoạt động.
“Việc mở đại sứ quán không chỉ bố trí thêm nhân sự ngoại giao cho khu vực và còn giúp gắn kết hơn với các nước láng giềng Thái Bình Dương, kết nối chương trình cùng nguồn lực của Mỹ với nhu cầu tại chỗ, đồng thời xây dựng quan hệ nhân dân”, Ngoại trưởng Blinken phát biểu.
Đại sứ quán mới đặt tại Honiara đi vào hoạt động từ ngày 2.2 (giờ địa phương) với đội ngũ nhân viên ban đầu khá ít, đứng đầu là một đại biện (charge d'affaires) thay vì đại sứ.
Mỹ có đại sứ quán ở quốc đảo Solomon trong giai đoạn 1988-1993, sau đó đóng cửa bởi Washington thu hẹp hoạt động ngoại giao toàn cầu hậu Chiến tranh lạnh.
Lý do Mỹ mở lại đại sứ quán ở quốc đảo Solomon được nói rõ trong thông báo Bộ Ngoại giao Mỹ gửi lên Quốc hội nước này đầu năm ngoái. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết người dân Solomon trân trọng lịch sử giữa hai nước trong Thế chiến thứ 2, nhưng Mỹ có nguy cơ đánh mất mối quan hệ thiện cảm khi Trung Quốc ráo riết tìm cách lôi kéo các chính trị gia và doanh nhân đảo quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ ra rằng, để lôi kéo, Trung Quốc sử dụng cách thức quen thuộc như đưa ra nhiều cam kết quá mức, nhiều khoản vay phát triển cơ sở hạ tầng tốn kém kèm nguy cơ mắc nợ. Cơ quan này cũng nhận định: “Mỹ có lợi ích chiến lược trong việc tăng cường mối quan hệ chính trị, kinh tế và thương mại với Solomon - quốc đảo lớn nhất Thái Bình Dương không có đại sứ quán Mỹ”.
Tháng 4.2022, quốc đảo Solomon cùng Trung Quốc ký một hiệp ước an ninh song phương, bước đi tạo điền kiện cho Trung Quốc triển khai lực lượng đến Nam Thái Bình Dương.
Theo hiệp ước, tàu hải quân Trung Quốc được phép tiếp tế hậu cần, dừng chân hoặc quá cảnh tại Solomon. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có thể triển khai “lực lượng thích hợp” để bảo vệ nhân viên cùng dự án của nước này ở quốc đảo Solomon.
Phía Solomon có thể yêu cầu Trung Quốc điều động cảnh sát vũ trang, binh sĩ của nước này đến đảo quốc để thực hiện nhiệm vụ nhân đạo hoặc gìn giữ an ninh.
Dù Trung Quốc tuyên bố hiệp ước trên không đem lại rủi ro gì cho Mỹ, nhưng Mỹ cùng Úc, Nhật Bản và Đài Loan đều tỏ ý phản đối mạnh mẽ.