Bộ trưởng Tài chính Mỹ nghi ngờ về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, đánh dấu tuyên bố rõ ràng đầu tiên từ chính quyền Biden về thỏa thuận từ thời Trump.

Mỹ nghi ngờ về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc

Hoàng Vũ | 19/07/2021, 17:23

Bộ trưởng Tài chính Mỹ nghi ngờ về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, đánh dấu tuyên bố rõ ràng đầu tiên từ chính quyền Biden về thỏa thuận từ thời Trump.

"Quan điểm cá nhân của tôi là thuế quan đã không được áp dụng với Trung Quốc theo cách hợp lý. Thuế quan đã nhắm vào người tiêu dùng. Trong một số trường hợp, đối với tôi, dường như những gì chúng ta đã làm lại gây tổn thương cho người tiêu dùng Mỹ và loại thỏa thuận mà chính quyền tiền nhiệm đàm phán thực sự không giải quyết được nhiều vấn đề cơ bản mà nước Mỹ gặp phải với Trung Quốc", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói với tờ New York Times tuần trước.

372709185.jpg
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen - Ảnh: Bloomberg

Được biết, Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thương mại Giai đoạn một dưới thời chính quyền Donald Trump vào tháng 1 năm ngoái để cùng nhau chấm dứt một cuộc chiến thương mại gây thiệt hại khi dẫn đến các mức thuế đối với hàng hóa trị giá hàng tỉ USD.

Giờ đây, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ phải quyết định liệu họ sẽ giữ lại thỏa thuận với Trung Quốc, hay hủy bỏ hoặc thay thế bằng một thỏa thuận mới trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung dường như vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt liên quan tới hàng loạt vấn đề như Hồng Kông, Tân Cương, Đài Loan cũng như tranh cãi về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.

Về phần mình, Bắc Kinh vẫn lên tiếng ca ngợi thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, dù thường xuyên chỉ trích các hành động và tuyên bố của Mỹ trong các lĩnh vực căng thẳng khác.

"Giai đoạn đầu của thỏa thuận có lợi cho Trung Quốc, cho Mỹ và cho toàn thế giới", người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nói với các phóng viên tại Bắc Kinh tuần trước.

Tuy nhiên, một số chuyên gia Trung Quốc vẫn bi quan về tương lai của thỏa thuận.

“Sự tĩnh lặng trên mặt trận thương mại dường như không biểu thị những ngày huy hoàng mà là những cơn giông bão. Mặc dù vẫn đang xem xét lại lập trường của mình đối với Trung Quốc, chính quyền Biden có thể sẽ hành động quyết liệt và mạnh mẽ hơn vào cuối năm nay", cựu quan chức ngoại giao và thương mại Zhou Xiaoming nhận định.

Bên cạnh đó, thỏa thuận giai đoạn một dường như không làm giảm thâm hụt thương mại Mỹ - Trung, một trong những mục tiêu của cựu tổng thống Trump. Lượng hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã đạt kỷ lục trong quý đầu tiên, song lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc về Mỹ cũng tăng vọt, đặc biệt là khẩu trang và đồ bảo hộ cho tới đồ điện tử, thiết bị gia dụng.

Hiện vẫn chưa rõ liệu tương lai của thỏa thuận thương mại có được giải quyết trong năm nay hay không. Tuy nhiên, việc hai bên không đạt được đồng thuận về chuyến thăm Trung Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman trong tuần này không phải là điềm báo tốt cho các cuộc đàm phán thương mại sớm.

Theo dự kiến, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc Tạ Phong tại Thiên Tân, nơi hai bên dự kiến thảo luận về triển vọng tiến hành một cuộc gặp cấp cao giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Cuộc gặp này là yếu tố cần thiết để “mở đường” cho những tiếp xúc cao hơn giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Tiền tệ của Bộ Ngoại giao Mỹ Susannah Cooper tháng trước cũng cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken không có kế hoạch tiến hành thảo luận với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề của Hội nghị cấp bộ trưởng Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở Ý vào tháng này.

Trước đó, nhiều đơn vị truyền thông dẫn các nguồn thạo tin cho hay Mỹ và Trung Quốc đang thảo luận khả năng tổ chức một cuộc họp giữa Ngoại trưởng hai nước bên lề Hội nghị cấp bộ trưởng Nhóm G20.

Bài liên quan
ASML bị Mỹ ngăn bảo trì một số thiết bị chip bán cho Trung Quốc
Peter Wennink, Giám đốc điều hành sắp nghỉ hưu của ASML, hôm 24.4 cho biết chính phủ Mỹ sẽ ngăn công ty Hà Lan bảo trì một số máy từng bán cho khách hàng Trung Quốc trong một số trường hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ nghi ngờ về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc