Chính quyền Biden hôm 22.4 đã cam kết cắt giảm 50% - 52% lượng khí thải nhà kính của Mỹ so với mức năm 2005 vào 2030, một mục tiêu mới mà Mỹ hy vọng sẽ thúc đẩy các nước phát thải lớn khác nâng cao tham vọng chống lại biến đổi khí hậu.

Mỹ, Nhật, Anh cam kết gì tại hội nghị thượng đỉnh có lãnh đạo Việt Nam tham dự?

Nhân Hoàng | 22/04/2021, 20:10

Chính quyền Biden hôm 22.4 đã cam kết cắt giảm 50% - 52% lượng khí thải nhà kính của Mỹ so với mức năm 2005 vào 2030, một mục tiêu mới mà Mỹ hy vọng sẽ thúc đẩy các nước phát thải lớn khác nâng cao tham vọng chống lại biến đổi khí hậu.

Mục tiêu này được Mỹ công bố khi bắt đầu hội nghị thượng đỉnh về khí hậu kéo dài hai ngày 22.4 – 23.4 do Tổng thống Joe Biden chủ trì trong nỗ lực tìm cách giành lại vị trí lãnh đạo thế giới trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu. Trước đó, cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi các nỗ lực quốc tế nhằm cắt giảm khí thải.

Nó cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng trong kế hoạch rộng lớn hơn của Tổng thống Biden nhằm khử cacbon toàn nền kinh tế Mỹ vào năm 2050. Đây là chương trình nghị sự mà ông Biden nói có thể tạo ra hàng triệu việc làm với mức lương cao nhưng nhiều người theo đảng Cộng hòa sợ sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Việc cắt giảm khí thải dự kiến ​​sẽ đến từ các nhà máy điện, ô tô và các lĩnh vực khác trên toàn nền kinh tế, nhưng Nhà Trắng không đặt ra mục tiêu riêng cho các ngành đó.

"Đây là thập kỷ chúng ta phải đưa ra các quyết định để tránh những hậu quả tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu", ông Biden nói tại Nhà Trắng.

Ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh về khí hậu khai mạc, Nhật Bản đã nâng mục tiêu cắt giảm lượng khí thải lên 46% vào năm 2030, đáp lại chính sách ngoại giao của Mỹ và các công ty trong nước cùng các nhà bảo vệ môi trường, những người muốn có những mục tiêu cao hơn.

Mục tiêu mới của Mỹ tăng gần gấp đôi so với cam kết từ cựu Tổng thống Barack Obama về việc cắt giảm 26-28% lượng khí thải so với mức năm 2005 vào năm 2025. Các mục tiêu cụ thể theo ngành sẽ được đưa ra vào cuối năm nay.

Cách ông Biden dự định đạt được các mục tiêu khí hậu sẽ rất quan trọng để củng cố uy tín của Mỹ trước sự nóng lên toàn cầu, trong bối cảnh quốc tế lo ngại rằng cam kết từ Mỹ với một nền kinh tế năng lượng sạch có thể thay đổi mạnh mẽ từ chính quyền này sang chính quyền tiếp theo.

Kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 2.300 tỉ USD được giới thiệu gần đây của Tổng thống Biden với nhiều biện pháp, có thể cung cấp một số cách cắt giảm lượng khí thải cần thiết trong thập kỷ này, bao gồm tiêu chuẩn năng lượng sạch để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 trong ngành điện vào năm 2035 và thay thế đội xe bằng ô tô điện.

Thế nhưng, các biện pháp cần được Quốc hội Mỹ thông qua trước khi trở thành hiện thực.

Ông Biden tập trung vào việc khôi phục vai trò lãnh đạo về khí hậu của Mỹ trong chiến dịch tranh cử Tổng thống và những ngày đầu tiên nhiệm kỳ sau khi Trump, người hoài nghi về biến đổi khí hậu, rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris về sự nóng lên toàn cầu.

Thủ tướng Anh - Boris Johnson gọi mục tiêu mới của Mỹ là "thay đổi cuộc chơi" khi hai quốc gia khác đưa ra cam kết mới.

Thủ tướng Nhật Bản - Yoshihide Suga nâng mục tiêu cắt giảm khí thải của Nhật Bản lên 46% vào năm 2030, tăng từ 26%. Các nhà môi trường muốn cam kết ít nhất 50% trong khi vận động hành lang kinh doanh mạnh mẽ của Nhật Bản đã thúc đẩy các chính sách quốc gia có lợi cho than.

Trong khi đó, Thủ tướng Canada - Justin Trudeau đã nâng mục tiêu của nước mình lên mức cắt giảm 40% -45% vào năm 2030, tăng từ 30%.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không công bố mục tiêu phát thải mới, nói rằng Trung Quốc hy vọng lượng khí thải carbon của nước này sẽ đạt đỉnh trước năm 2030 và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.

Trung Quốc sẽ giảm dần việc sử dụng than từ năm 2025 đến 2030. Đi đầu trong công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo như tấm pin mặt trời, Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào than để phát điện.

Tổng thống Nga - Vladimir Putin đề xuất ưu đãi đầu tư nước ngoài vào các dự án năng lượng sạch, nhưng cũng thể hiện rõ rằng Mỹ là nước gây ô nhiễm khí nhà kính hàng đầu thế giới trong lịch sử.

my-cam-ket-gi-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-co-viet-nam-tham-du.jpg
Chính quyền Biden cam kết cắt giảm 50% - 52% lượng khí thải nhà kính của Mỹ so với mức năm 2005 vào 2030

Theo thông cáo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận lời mời của Tổng thống Joe Biden và cũng tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu vào ngày 22 - 23.4.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Tổng thống Biden khởi xướng sẽ tổ chức theo hình thức trực tuyến và được phát trực tiếp để công chúng theo dõi.

Ngoài Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Mỹ Biden còn mời 39 nguyên thủ quốc gia khác dự hội nghị, trong đó có Tổng thống Nga - Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình.

Hội nghị này là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Biden nhằm biến cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu trở thành ưu tiên hàng đầu.

Nhà Trắng cho biết mục tiêu chính của Hội nghị thượng đỉnh vào Ngày Trái đất sắp tới và cuộc họp riêng tại thành phố Glasgow (Scotland) vào tháng 11 tới sẽ là thúc đẩy nỗ lực duy trì mục tiêu hạn chế sự nóng lên của hành tinh ở mức 1,5 độ C.

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu sẽ quy tụ 17 quốc gia chịu trách nhiệm về 80% lượng khí thải toàn cầu và GDP toàn cầu.

Theo trang web Nhà Trắng, danh sách khách mời gồm 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Singapore, Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch, Canada, Mexico, Brazil, Argentina, Colombia, Chile, Israel, Ả Rập Xê Út, UAE, Kenya, Nigeria, Nam Phi, Congo, Gabon, Jamaica.

Các chủ đề chính của hội nghị sẽ bao gồm:

- Cổ vũ những nỗ lực của các nền kinh tế lớn trên thế giới nhằm giảm lượng khí thải trong suốt thập kỷ quan trọng này nhằm duy trì giới hạn sự nóng lên của hành tinh ở mức 1,5 độ C.

- Huy động tài chính của khu vực công và tư nhân để thúc đẩy quá trình chuyển đổi net-zero (mục tiêu khí nhà kính bằng 0) và giúp các nước dễ bị tổn thương đối phó với các tác động của khí hậu.

- Các lợi ích kinh tế của hành động khí hậu, trong đó nhấn mạnh đến việc tạo việc làm và tầm quan trọng của việc đảm bảo tất cả cộng đồng cùng người lao động được hưởng lợi từ việc chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch mới.

- Thúc đẩy các công nghệ chuyển đổi có thể giúp giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời tạo ra các cơ hội kinh tế mới to lớn và xây dựng các ngành công nghiệp của tương lai.

- Thúc đẩy các tổ chức địa phương và phi nhà nước cam kết phục hồi xanh và tầm nhìn công bằng để hạn chế sự nóng lên của hành tinh ở mức 1,5 độ C, đồng thời đang hợp tác chặt chẽ với các chính phủ quốc gia để thúc đẩy tham vọng và khả năng phục hồi.

- Thảo luận về các cơ hội để tăng cường năng lực bảo vệ cuộc sống và sinh kế khỏi tác động của biến đổi khí hậu, giải quyết các thách thức an ninh toàn cầu do biến đổi khí hậu gây ra...

"Mỹ đã trở lại"

Chính quyền Biden đã phải chịu áp lực từ các nhóm môi trường, một số lãnh đạo công ty, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và các chính phủ nước ngoài phải đặt mục tiêu cắt giảm ít nhất 50% lượng khí thải trong thập kỷ này để khuyến khích các nước khác đặt ra các mục tiêu phát thải đầy tham vọng của riêng mình.

Ông Biden đã công bố con số này khi bắt đầu hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hôm 22.4, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo từ các quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, bao gồm cả Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo thế giới đặt mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, ngưỡng mà các nhà khoa học cho rằng có thể ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Một trong những quan chức chính quyền Biden cho biết với mục tiêu mới của Mỹ, cam kết tăng cường từ Nhật Bản và Canada cùng mục tiêu trước đó từ Liên minh châu Âu và Anh, các quốc gia chiếm hơn một nửa nền kinh tế thế giới hiện đã cam kết cắt giảm lượng khí thải để đạt được mục tiêu 1,5 độ C.

"Khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh này vào 23.4, chúng tôi sẽ đưa ra thông điệp một cách rõ ràng... Mỹ đã trở lại", ông Biden nói.

Bài liên quan
Khi căng thẳng leo thang, Mỹ - Trung Quốc ra tuyên bố chung sau cuộc gặp ở Thượng Hải
Mỹ và Trung Quốc đồng ý rằng các cam kết mạnh mẽ hơn để chống biến đổi khí hậu nên được đưa ra trước vòng đàm phán quốc tế vào tháng 11 tới, hai nước cho biết trong tuyên bố chung hôm 18.4.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ, Nhật, Anh cam kết gì tại hội nghị thượng đỉnh có lãnh đạo Việt Nam tham dự?