Mỹ và Trung Quốc đồng ý rằng các cam kết mạnh mẽ hơn để chống biến đổi khí hậu nên được đưa ra trước vòng đàm phán quốc tế vào tháng 11 tới, hai nước cho biết trong tuyên bố chung hôm 18.4.
Tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp giữa đặc phái viên khí hậu Trung Quốc - Xie Zhenhua và người đồng cấp Mỹ - John Kerry tại thành phố Thượng Hải vào 15.4 và 16.4, Bộ Môi trường Trung Quốc cho biết.
"Mỹ và Trung Quốc cam kết hợp tác với nhau và với các nước khác để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu", tuyên bố chung của hai nước cho biết.
Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục thảo luận về "các hành động cụ thể những năm 2020 để giảm lượng khí thải nhằm mục đích duy trì giới hạn nhiệt độ phù hợp với Thỏa thuận Paris trong tầm tay".
Ông John Kerry đến thành phố Thượng Hải vào đêm 14.4 theo các giao thức kiểm tra COVID-19 chặt chẽ và được chuyển đến một khách sạn hẻo lánh, không mở cửa cho công chúng. Sau thời gian ở Thượng Hải, ông John Kerry đã đến Seoul.
Đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên tới Trung Quốc của một quan chức chính quyền Biden kể từ khi tân Tổng thống Mỹ nhậm chức hôm 20.1. Vào tháng 3.2021, quan chức ngoại giao Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc khẩu chiến nảy lửa tại bang Alaska.
Cuộc hội đàm cũng đánh dấu việc nối lại đối thoại về khí hậu giữa hai quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới. Các cuộc thảo luận song phương bị đình trệ dưới thời chính quyền Donald Trump, người đã rút khỏi thỏa thuận Paris năm 2015 sau khi tuyên bố nó gây bất lợi cho các doanh nghiệp Mỹ.
Tổng thống Biden đã đưa Mỹ trở lại hiệp định khí hậu Paris. Chính quyền Biden dự kiến sẽ sớm đưa ra cam kết mới nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ nhằm giành lại lòng tin từ các đồng minh nước ngoài.
Li Shuo, cố vấn khí hậu cấp cao của tổ chức môi trường Greenpeace (Canada), cho biết Trung Quốc có thể sớm đáp ứng cam kết mới của Mỹ bằng một trong những cam kết riêng, dựa trên động lực từ các cuộc đàm phán ở Thượng Hải.
"Theo quan điểm của tôi, tuyên bố chung là tích cực về mặt chính trị: Nó gửi một thông điệp rất rõ ràng rằng về vấn đề cụ thể này thì Trung Quốc và Mỹ sẽ hợp tác. Trước các cuộc họp ở Thượng Hải, đây không phải là một thông điệp mà chúng tôi có thể giả định”, ông Li Shuo nói.
Ông Biden sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với khoảng 40 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Việt Nam, vào ngày 22.4 – 23.4 để thảo luận về biến đổi khí hậu, được truyền trực tiếp để công chúng xem. Các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu được lên lịch vào tháng 11 tới tại Glasgow (Scotland) sẽ thúc đẩy nỗ lực duy trì mục tiêu hạn chế sự nóng lên của hành tinh ở mức 1,5 độ C.
Tuyên bố chung cho biết hai nước cũng nhất trí thảo luận về các hành động giảm phát thải cụ thể bao gồm tích trữ năng lượng, thu giữ carbon và hydro. Họ cho biết sẽ hành động để tối đa hóa nguồn tài chính cho các nước đang phát triển chuyển sang các nguồn năng lượng carbon thấp.
Thỏa thuận Paris khuyến khích các quốc gia đệ trình các cam kết về khí hậu đầy tham vọng hơn nếu họ có thể làm như vậy. Trung Quốc đã hứa sẽ có những hành động tăng cường khi nước này cố gắng đạt được mục tiêu trở thành "trung tính carbon" vào năm 2060.
Theo trang web Nhà Trắng, danh sách khách mời tham gia hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu hôm 22 – 23.4 gồm 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Singapore, Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch, Canada, Mexico, Brazil, Argentina, Colombia, Chile, Israel, Ả Rập Xê Út, UAE, Kenya, Nigeria, Nam Phi, Congo, Gabon, Jamaica.
Các chủ đề chính của hội nghị sẽ bao gồm:
- Cổ vũ những nỗ lực của các nền kinh tế lớn trên thế giới nhằm giảm lượng khí thải trong suốt thập kỷ quan trọng này nhằm duy trì giới hạn sự nóng lên của hành tinh ở mức 1,5 độ C.
- Huy động tài chính của khu vực công và tư nhân để thúc đẩy quá trình chuyển đổi net-zero (mục tiêu khí nhà kính bằng 0) và giúp các nước dễ bị tổn thương đối phó với các tác động của khí hậu.
- Các lợi ích kinh tế của hành động khí hậu, trong đó nhấn mạnh đến việc tạo việc làm và tầm quan trọng của việc đảm bảo tất cả cộng đồng cùng người lao động được hưởng lợi từ việc chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch mới.
- Thúc đẩy các công nghệ chuyển đổi có thể giúp giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời tạo ra các cơ hội kinh tế mới to lớn và xây dựng các ngành công nghiệp của tương lai.
- Thúc đẩy các tổ chức địa phương và phi nhà nước cam kết phục hồi xanh và tầm nhìn công bằng để hạn chế sự nóng lên của hành tinh ở mức 1,5 độ C, đồng thời đang hợp tác chặt chẽ với các chính phủ quốc gia để thúc đẩy tham vọng và khả năng phục hồi.
- Thảo luận về các cơ hội để tăng cường năng lực bảo vệ cuộc sống và sinh kế khỏi tác động của biến đổi khí hậu, giải quyết các thách thức an ninh toàn cầu do biến đổi khí hậu gây ra...
Ngày 16.4 vừa qua, trong hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên tại Nhà Trắng kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản - Yoshihide Suga ra tuyên bố chung về Đài Loan, Biển Hoa Đông và Biển Đông khiến Trung Quốc tức giận.
"Thủ tướng Suga và tôi khẳng định sự ủng hộ chặt chẽ của chúng tôi với liên minh Mỹ-Nhật Bản và vì nền an ninh chung của chúng tôi. Chúng tôi cam kết làm việc cùng nhau để đối mặt với những thách thức từ Trung Quốc và các vấn đề như Biển Hoa Đông, Biển Đông cũng như Triều Tiên, để đảm bảo một tương lai của một Ấn Độ Dương Thái Bình Dương tự do và rộng mở", ông Biden nói trong một cuộc họp báo chung tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng.
Vài giờ sau khi Nhật Bản và Mỹ tuyên bố về Đài Loan lần đầu tiên sau 52 năm ở hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo tại Nhà Trắng, Trung Quốc đã phản pháo.
"Những vấn đề này phụ thuộc vào lợi ích cơ bản của Trung Quốc và không được phép can thiệp. Chúng tôi bày tỏ quan ngại mạnh mẽ và kiên quyết phản đối các bình luận liên quan trong tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo", người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ nói.
Tuyên bố cho biết Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương thuộc về "công việc nội bộ của Trung Quốc".
"Những bình luận này đã vượt xa phạm vi phát triển bình thường của quan hệ song phương. Kế hoạch của Mỹ và Nhật Bản đi ngược lại xu hướng thời đại và ý chí của người dân trong khu vực. Dù được thiết kế để làm suy yếu nước khác, nhưng cuối cùng nó sẽ chỉ làm tổn thương chính họ", Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ nói thêm. Xem chi tiết tại đây.