Chính quyền Mỹ mới đây đã ban hành quy định mới nhằm thắt chặt điều kiện cấp thị thực đối với các nhà báo là công dân Trung Quốc, trả đũa việc Bắc Kinh trục xuất nhiều phóng viên Mỹ trong bối cảnh hai nước căng thẳng vì COVID-19.

Mỹ siết chặt thị thực các nhà báo Trung Quốc giữa lúc căng thẳng gia tăng

09/05/2020, 15:29

Chính quyền Mỹ mới đây đã ban hành quy định mới nhằm thắt chặt điều kiện cấp thị thực đối với các nhà báo là công dân Trung Quốc, trả đũa việc Bắc Kinh trục xuất nhiều phóng viên Mỹ trong bối cảnh hai nước căng thẳng vì COVID-19.

Căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng gần đây liên quan đến COVID-19 - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, quy định mới được Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) công bố hôm 8.5, các phóng viên Trung Quốc sẽ có thời hạn thị thực tối đa 90 ngày và có lựa chọn gia hạn. Tuy nhiên, quy định mới sẽ không áp dụng đối với các nhà báo có hộ chiếu từ hai vùng lãnh thổ Hồng Kông hoặc Macau của Trung Quốc. Quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 11.5. Thị thực sẽ phải được gia hạn nếu phóng viên chuyển sang làm việc tại một công ty khác.

Một quan chức cấp cao của DHS cho biết quy định cho phép cơ quan này thường xuyên xem xét các đơn xin thị thực của phóng viên Trung Quốc, bảo đảm giới hạn ở mức hợp lý số phóng viên Trung Quốc thường trú ở Mỹ. Vị quan chức này nhấn mạnh rằng "các quy định mới sẽ cải thiện khả năng bảo vệ an ninh quốc gia".

Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh leo thang trong những tháng gần đây khi coronavirus bùng phát trước tiên ở Vũ Hán lây lan ra toàn cầu, khiến hơn 4 triệu người nhiễm bệnh và hơn 276.000 người tử vong. Mỹ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh với hơn 1,3 triệu ca nhiễm và 78.000 người tử vong.

Đây là động thái mới nhất của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh hai nước căng thẳng vì đại dịch COVID-19. Theo đó, hai cường quốc đã tiến hành hàng loạt biện pháp đáp trả lẫn nhau nhằm vào các nhà báo trong những tháng gần đây.

Trước đó, Washington đã yêu cầu từ ngày 13.3, tổng số phóng viên thường trú tại Mỹ của 5 đơn vị truyền thông lớn Trung Quốc không được quá 100 người, giảm 60 người so với trước. Đây được xem là một động thái trả đũa của Mỹ sau việc Trung Quốc trục xuất 3 nhà báo của tạp chí Wall Street Journal (WSJ) có trụ sở tại New York (Mỹ), liên quan tới một bài viết đăng tải hôm 3.2 bình luận về công tác phòng chống COVID-19 mà chính quyền Bắc Kinh cho rằng "mang tính hạ thấp Trung Quốc và phân biệt chủng tộc".

Được biết, quyết định trục xuất 3 nhà báo WSJ của Bắc Kinh được đưa ra không lâu sau khi Washington hồi giữa tháng 2 thông báo sẽ siết chặt quản lý 5 cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc, gồm hãng thông tấn Tân Hoa Xã, Mạng lưới Truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN), Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc (China Radio), Tập đoàn báo chí China Daily Distribution Corporation chuyên in ấn, phát hành, quảng bá tờ China Daily (Trung Quốc nhật báo), và Công ty Phát triển Hai Tian (Hải Thiên) tại Mỹ chuyên phân phối tờ People s Daily (Nhân dân nhật báo) - cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong một động thái ngay sau đó vào hôm 17.3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tuyên bố trục xuất ít nhất 13 nhà báo Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu các nhà báo Mỹ làm việc cho các tờ New York Times, Washington Post Wall Street Journal nộp lại thẻ tác nghiệp trong 10 ngày.

Trong tương lai, những nhà báo này sẽ không được phép làm việc tại Trung Quốc, Hồng Kông và Macao. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã yêu cầu 3 tờ báo nói trên cùng báo Voice of America và tờ Time phải báo cáo thông tin tài sản và nhân sự chi tiết cho chính phủ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Trung Quốc thông báo sẽ áp đặt các biện pháp đáp trả tương tự việc Mỹ hạn chế nhà báo Trung Quốc liên quan đến các vấn đề như cấp thị thực đưa tin. Bộ Ngoại giao Trung Quốc giải thích hành động này là biện pháp đáp trả "hoàn toàn cần thiết và tương ứng" với sự "áp bức vô lý" mà các đơn vị truyền thông Trung Quốc đang phải đối mặt ở Mỹ.

Hoàng Vũ (theo Reuters)

Bài liên quan
Mỹ ngăn các công ty cung cấp linh kiện vũ khí, sợ bị chuyển tới Nga
Hãng Reuters dẫn lời Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Matthew Axelrod cho biết Mỹ yêu cầu các công ty nước này ngừng cung cấp hàng hóa cho hơn 600 thực thể nước ngoài vì lo ngại hàng bị chuyển đến Nga để phục vụ chiến tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Mục tiêu chống 'vàng hóa' đã thành công, nên bỏ độc quyền vàng miếng SJC
Các chuyên gia khẳng định mục tiêu chống "vàng hóa" đã thành công, họ đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ siết chặt thị thực các nhà báo Trung Quốc giữa lúc căng thẳng gia tăng