Mỹ đã tăng cường hơn nữa sự hiện diện quân sự của mình ở Biển Đông khi điều nhiều tàu chiến tới khu vực trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc gia tăng.

Mỹ tăng cường hiện diện trên Biển Đông gây áp lực mạnh với Trung Quốc

Hoàng Vũ | 09/04/2021, 12:21

Mỹ đã tăng cường hơn nữa sự hiện diện quân sự của mình ở Biển Đông khi điều nhiều tàu chiến tới khu vực trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc gia tăng.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Tổ chức Sáng kiến tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) đặt trụ sở tại Bắc Kinh trích xuất dữ liệu vệ tinh cho thấy nhóm tác chiến đổ bộ USS Makin Island (ARG) đã vượt eo biển Malacca để tiến vào Biển Đông hôm 8.4. Nhóm tác chiến này bao gồm tàu đổ bộ USS Makin Island và tàu tuần dương hạng nhẹ USS San Diego.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của hải quân Mỹ hôm 8.4 cho biết các thủy thủ trên tàu tấn công đổ bộ USS Makin đang tiến hành “một cuộc tập trận bắn đạn thật”, đồng thời nhấn mạnh ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Trước đó, trong hai ngày 6 và 7.4, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của hải quân Mỹ đã tiến hành tập trận với không quân Hoàng gia Malaysia ở Biển Đông sau khi nhóm tàu này ngày 4.4 vào khu vực từ Ấn Độ Dương qua ngả Malacca.

uss-makin.png
Tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island - Ảnh: Hải quân Mỹ

Nhóm tàu tác chiến đổ bộ USS Makin Island đến Biển Đông sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 7.4 đã cảnh báo sẽ thực hiện các hành động thiết thực trước những động thái được cho là gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Ông Price hồi giữa tháng 3 cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng nhiều tàu được cho là thuộc dân quân biển Trung Quốc hiện diện trái phép trong khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Ông Price kêu gọi “Bắc Kinh dừng sử dụng dân quân biển để dọa dẫm và khiêu khích nước khác, tình trạng này làm suy yếu hòa bình và an ninh trong khu vực”.

Các nhà phân tích cho rằng sự hiện diện của hải quân Mỹ ở vùng biển lân cận Trung Quốc là tín hiệu từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới các đồng minh trong khu vực và với Bắc Kinh rằng họ cam kết duy trì sự hiện diện quân sự trong khu vực để chống lại Trung Quốc. Bắc Kinh đã hy vọng quan hệ với Washington sẽ được cải thiện sau khi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump rời nhiệm sở, nhưng không có thay đổi đáng chú ý trong các hoạt động quân sự của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dưới thời Biden.

Nhà bình luận quân sự Trung Quốc Song Zhongping cho biết: “Trong bối cảnh quan hệ Trung - Mỹ đang tương đối căng thẳng, Mỹ đang tăng cường năng lực quân sự của mình ở các khu vực gần Trung Quốc. Việc hiện diện quân sự tại Biển Đông và các khu vực tây Thái Bình Dương là một tình huống bình thường”.

Tàu khu trục USS John McCain của Mỹ cũng đi qua eo biển Đài Loan hôm thứ tư, bị Trung Quốc tố cáo là đã gửi "tín hiệu sai" cho chính phủ Đài Loan.

Collin Koh, một nhà nghiên cứu từ Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, cho biết đây không phải là lần đầu tiên một nhóm tàu tác chiến đổ bộ của Mỹ đi qua Biển Đông, nhưng điều đó có ý nghĩa quan trọng với tình hình căng thẳng hiện nay ở vùng biển chiến lược này.

“Nhóm tàu USS Makin Island đang được điều động dựa trên các hoạt động của USS Theodore Roosevelt ở Biển Đông để thể hiện cam kết an ninh của Mỹ đối với khu vực, đặc biệt là nghĩa vụ của Washington đối với liên minh Philippines - Mỹ”, Koh nói.

Trong khi đó, nhà bình luận quân sự Liang Guoliang cho biết: “Tàu USS Makin Island sẽ phô diễn sức mạnh của hải quân Mỹ. Động thái này gửi một thông điệp với quân đội Trung Quốc rằng mặc dù Bắc Kinh đã xây dựng (trái phép) 3 đường băng ở quần đảo Trường Sa có thể chứa đủ loại máy bay chiến đấu, nhưng hải quân Mỹ với khả năng đổ bộ mạnh nhất thế giới hoàn toàn có thể đối phó lại”.

Bài liên quan
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm chủ quyền của Việt Nam
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa mà còn vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ tăng cường hiện diện trên Biển Đông gây áp lực mạnh với Trung Quốc