Các quan chức Mỹ thừa nhận rằng Triều Tiên đã phóng thành công một vệ tinh lên vũ trụ, dù vệ tinh này chưa phát ra bất kỳ một tín hiệu nào về trái đất.
Việc thừa nhận, Triều tiên phóng thành công vệ tinh lên quỹ đạo, đồng thời vệ tinh này đã bay ổn định ở một quỹ đạo quanh trái đất cho thấy sự thành công nhất định trong việc nghiên cứu không gian, làm chủ công nghệ tên lửa đẩy của Triều Tiên.
Tuy nhiên, dù thừa nhận tên lửa của Triều Tiên có mang theo vệ tinh, cả Mỹ và các nước hàng xóm của Bình Nhưỡng đều tiếp tục cáo buộc nước này chỉ "đội lốt" một cuộc thử nghiệm khoa học nhằm thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa.
"Hiện nay vệ tinh đã có quỹ đạo bay ổn định. Trước đó có một thời gian bay không ổn định trong sự kiểm soát", một quan chức Mỹ cho biết.
Điều này là khác biệt so với vệ tinh được Triều Tiên đưa lên vũ trụ hồi năm 2012, vệ tinh này đã không hề có một quỹ đạo ổn định, vị quan chức trên cho biết thêm. Một quan chức Mỹ khác nói với Reuters rằng, hiện tại vệ tinh của Triều Tiên vẫn chưa truyền bất kỳ một tín hiệu nào xuống trái đất.
Tổng thống Obama đã gọi điện trấn an lãnh đạo Nhật Bản, sau vụ Triều Tiên phóng tên lửa vũ trụ hôm 7.2. Đồng thời Nhà Trắng cho biết đang cố thuyết phục Bắc Kinh đồng ý tăng cường trừng phạt Triều Tiên hơn nữa sau hành động gây căng thẳng của mình.
Theo các nguồn tin quân sự của Mỹ thì vệ tinh được Bình Nhưỡng đưa lên quỹ đạo nặng khoảng 100 kg, đang bay ở độ cao 480 km tính từ bề mặt Trái Đất và di chuyển theo hướng từ Bắc tới Nam
Cũng trong ngày ngày 9.2, hải quân Hàn Quốc đã phát hiện ra các mảnh vỡ của tên lửa Triều Tiên gần khu vực đảo Jeju.
Seoul cho rằng tên lửa mà Triều Tiên đưa vệ tinh lên quỹ đạo có nhiều điểm tương đồng với tên lửa Unha-3 mà Bình Nhưỡng đã sử dụng trong cuộc phóng vệ tinh năm 2012. Tuy nhiên, phạm vi hoạt động của tên lửa của Triều Tiên lần này đã được cải thiện đáng kể, nó có tầm bắn lên tới hơn 12.000 km.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng cho rằng Triều Tiên đã cố tình cho nổ các tầng tên lửa của mình sau khi kết thúc nhiệm vụ của chúng để bảo vệ bí mật công nghệ.
Thiên Hà (theo Reuters)