Theo xếp hạng của Viện nghiên cứu Lowy (Úc), với ưu thế về khả năng quân sự cùng nguồn lực kinh tế, Mỹ tiếp tục giữ vị thế quốc gia quyền lực nhất châu Á dù Trung Quốc đã phát triển rất nhanh chóng.
Chỉ số Quyền lực châu Á (Asian Power Index) được Viện nghiên cứu Lowy công bố hôm 8.5, chấm điểm mức độ ảnh hưởng và xếp hạng 25 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 8 tiêu chí chính được xem xét đến bao gồm mạng lưới quốc phòng, năng lực quân sự, ảnh hưởng văn hóa, ảnh hưởng ngoại giao, nguồn lực kinh tế, quan hệ kinh tế, khả năng ngăn chặn các mối đe dọa và xu hướng trong tương lai. Mỹ và Trung Quốc lần lượt xếp vị trí thứ nhất, thứ hai của bảng xếp hạng mới nhất này.
Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng kể từ khi mở cửa vào những năm 1980. Đến năm 2011, nền kinh tế nước này chỉ đứng sau Mỹ về quy mô GDP. Quốc gia châu Á hiện chiếm 1/10 tổng hoạt động kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, theo Herve Lemahieu, người đứng đầu dự án xếp hạng, Mỹ vẫn có lợi thế lớn về ảnh hưởng văn hóa (hay còn gọi là “quyền lực mềm”) lẫn mối quan hệ hợp tác quân sự khắp châu Á.
Theo ông Lemahieu: “Về cơ bản, chúng ta có thể miêu tả tình hình tại châu Á hiên tại là thế độc tôn của Mỹ. Trung Quốc chưa thể đạt được mối quan hệ liên minh chất lượng, sâu sắc như của Washington. Trong khi Mỹ có hợp tác quân sự chặt chẽ với Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, thì đồng minh lâu đời duy nhất của Trung Quốc là Triều Tiên, một quốc gia không đáng tin cậy”.
Bắc Kinh đã rất nỗ lực để thu hẹp khoảng cách. Nước này thông qua sáng kiến Một vành đai, Một con đường để đầu tư hàng trăm tỉUSD vào cảng biển, đường sắt cùng nhiều cơ sở hạ tầng khác. Theo Viện nghiên cứu Lowy, Trung Quốc đã xếp trên Mỹ trong tiêu chí quan hệ kinh tế và ảnh hưởng ngoại giao. Ông Lemahieu cảnh báo Bắc Kinh có thể vượt qua Mỹ để giành lấy vị trí đứng đầu bảng xếp hạng trong vài năm tới.
Xếp sau 2 cường quốc trên lần lượt là Nhật Bản cùng Ấn Độ. Ông Lemahieu phân tích: “Nền kinh tế khổng lồ của Ấn sẽ phát triển hơn nữa. Họ có nguồn lao động dồi dào. Bạn sẽ thấy 169 triệu người tham gia lực lượng lao động Ấn Độ vào năm 2030. Dân số nước này sẽ đông hơn Trung Quốc”.
Nga theo sát Ấn và Nhật, với điểm số khá cao trong các chỉ số ảnh hưởng ngoại giao, năng lực quân sự, khả năng ngăn chặn các mối đe dọa. Ngoài ra, theo ông Lemahieu, ảnh hưởng của Moscow cũng lan rộng nhờ xây dựng thành công mạng lưới thông tin khắp châu Á.
Đặc biệt, vị thế cường quốc hạt nhân, thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng giúp Moscow khẳng định vị thế của mình tại khu vực.
Một trong những phát hiện thú vị của Viện nghiên cứu Lowy chính là thứ hạng cao của Singapore. Quốc gia này vượt qua Malaysia, New Zealand, Pakistan, Indonesia để xếp ngay sau hai cường quốc tầm trung là Úc và Hàn Quốc.
Với dân số chỉ có 5,5 triệu người, quyền lực của Singapore đến từ mối quan hệ kinh tế và mạng lưới quân sự cấp cao của họ.
“Đây là trái tim của mọi tuyến giao thương châu Á. Đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào Singapore trước khi đến các nước khác trong khu vực”, theo ông Lemahieu. Tuy vậy, do phụ thuộc hoàn toàn vào thương mại nên nước này dễ bị tổn thương khi kinh tế toàn cầu xảy ra biến động, ví dụ như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Ngoài kinh tế, Singapore còn có lợi thế sở hữu khí tài quân sự cao cấp và có quan hệ quốc phòng chặt chẽ khắp khu vực.
Một bất ngờ khác chính là việc CHDCND Triều Tiên xếp cuối bảng, dù có năng lực hạt nhân và mở rộng ngoại gia thời gian gần đây. Ông Lemhieu cho biết: “Mặc dù có tên lửa đạn đạo liên lục địa, nhưng nước này mềm yếu và không được đánh giá cao trong các tiêu chí khác”.
Cẩm Bình (theo CNN)